Việc dạy con biết quan tâm, yêu thương, chăm sóc cha mẹ là rất quan trọng. Ảnh minh hoạ
Việc dạy con biết quan tâm, yêu thương, chăm sóc cha mẹ là rất quan trọng nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết. Theo bác sĩ Anh Nguyễn (tác giả cuốn sách Làm mẹ không áp lực), cha mẹ cần dạy con về lòng hiếu thảo. "Khi nói đến hiếu thảo, chúng ta thường nghĩ là con biết lo lắng, quan tâm cha mẹ. Nhưng thực tế nó chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố về hiếu thảo. Quan tâm chỉ là bước đầu. Nó cần có những bước khác như thấu hiểu nỗi khó khăn của cha mẹ, hiểu khi nào cần chăm sóc, tới lui với cha mẹ, và một bước cuối cùng là "dạy con biết quan tâm ông bà". Ít ai nhận ra bước cuối là bước quan trọng của lòng hiếu thảo.
Bác sĩ Anh Nguyễn chia sẻ những bước để nuôi dưỡng một đứa trẻ hiếu thảo:
Giúp trẻ hiểu và học về sự quan tâm từ sớm
Quan tâm ở đây không chỉ là con người, mà cả những vật dụng hằng ngày, công việc gia đình, con vật nuôi... Điều này là nên dạy trẻ biết san sẻ các công việc, hoạt động hằng ngày trong nhà. Ví dụ, nắng chiếu vào nhà thì biết kéo rèm cửa, thấy vũng nước trên sàn thì phải biết lau khô... Tự bản thân trẻ sẽ không hiểu là cần quan tâm nếu cha mẹ lo toan mọi thứ, và cướp đi cơ hội để trẻ hiểu và học được điều này.
Yêu thương trẻ là đúng, nhưng đừng biến trẻ thành "bình bông" trong nhà
Tôi từng đến thăm nhà 2 người bạn vào giờ cơm tối. Khi chuẩn bị đến giờ cơm, đứa bé của người bạn A thì nhanh nhảu xếp tập và chạy vào bếp phụ mẹ xếp chén và khăn bàn. Dù đôi tay nhỏ xíu nhưng rất cẩn thận bưng tô salad, sau đó vui vẻ chạy ra mời tôi và bố cô bé vào ăn.
Cần dạy trẻ biết cách san sẻ, yêu thương và dạy trẻ về thông điệp "chúng ta là một gia đình". Ảnh minh hoạ
Một hình ảnh ngược lại, cô bé của người bạn B cũng chạc tuổi cô bé kia, nhưng đến giờ ăn thì mẹ cô hì hục làm mọi thứ và cô bé cứ ngồi học. Người mẹ nói với tôi: "Nó chưa biết làm gì đâu, cứ học hành là được em ạ, chị làm được hết!". Đến khi mọi người vào bàn ăn, cô bé vẫn chưa chịu ra dù được mẹ gọi nhiều lần và phải đích thân mẹ vào dụ ra ăn cơm.
Cha mẹ của gia đình B có yêu thương bé không? Có, họ rất yêu thương bé. Tuy nhiên, nếu họ nghĩ phải đặt bé vào trung tâm của tình yêu đó thì đã sai. Thực ra, họ đang giành lấy những cơ hội để trẻ được học các kỹ năng sống trong xã hội- nơi mà trẻ mãi mãi không bao giờ sống một mình, mà phải sống cùng mọi người, phải biết các kỹ năng sống và giao tiếp để tồn tại. Hơn nữa, việc bao bọc có thể làm trẻ trở nên ích kỷ và dễ dàng "lạc hậu" với thế giới và không thể hòa nhập.
Trẻ con cần được dạy như cô bé ở gia đình A. Bên cạnh việc học, trẻ cần được tham gia vào các hoạt động của gia đình như dọn dẹp, trò truyện, vui chơi cùng các thành viên, trồng cây với cha mẹ, ông bà, dọn cơm, đón khách... Đó là cách bạn thực sự yêu trẻ vì thông qua đó bạn dạy trẻ biết cách san sẻ, yêu thương và quan trọng hơn là thông điệp "chúng ta là một gia đình". Khi đó, trẻ sẽ có trách nhiệm hiểu rằng cha mẹ và trẻ là một gia đình, cần gắn bó, yêu thương nhau.
Yêu thương, chăm sóc cha mẹ của mình, giúp con biết về ông bà
Trẻ không làm điều bạn nói, mà chỉ làm điều trẻ nhìn thấy. Cách bạn quan tâm và chăm sóc ba mẹ của mình cũng chính là cách trẻ sẽ quan tâm và chăm sóc chính bạn khi về già. Nếu trẻ không có nhiều cơ hội đến thăm hay trò chuyện với ông bà thì khi về già trẻ cũng ít dành thời gian thăm bạn.
Tại sao? Bởi vì khi bạn cho rằng việc thăm cha mẹ là thứ yếu vì có những thứ khác quan trọng hơn, hay chỉ làm khi thực sự rảnh thì trẻ cũng hiểu rằng việc thăm bạn khi già cũng thứ yếu như vậy.
Theo Phụ nữ Việt Nam