Biến tướng dạy thêm
"Con học thêm ở nhà cô là chính, học trên lớp là phụ", tư tưởng này được chị Phan Thị Thuỷ (42 tuổi, Lương Sơn, Hoà Bình) đúc rút ra sau nhiều năm đồng hành cùng hai con học lớp 5 và lớp 12.
Khi con trai út học lớp 3, chị Thủy từng nghĩ con chỉ cần học kiến thức chính khoá trên lớp là đủ. Thực tế, kết quả tổng kết cuối kỳ con chị ngày càng giảm sút, lớp 1 bé được học sinh giỏi, lớp 2 học sinh khá, lớp 3 suýt bị học lực trung bình.
Học sinh mệt nhoài vì sáng học chính khoá, chiều học thêm ở nhà cô.
Ở buổi họp phụ huynh cuối năm, cô chủ nhiệm chia sẻ nếu gia đình không kèm cặp thêm thì con sẽ mất gốc, càng lên lớp càng học yếu hơn các bạn trong lớp. Vì hoang mang nên chị Thủy quyết định đến nhà cô xin cho con học thêm vào các buổi tối trong tuần. Từ đó đến nay, con chị học thêm ở nhà cô chủ nhiệm 4 buổi/tuần.
Mỗi buổi học là 150.000 đồng, mỗi tháng gia đình chi khoảng 2,5 triệu đồng để con học thêm. "Từ ngày con đi học thêm, điểm kiểm tra tốt hơn. Không biết do cô ưu ái hay con thực sự tiến bộ nhưng cứ điểm số cao là tôi yên tâm, vị phụ huynh nói.
Chị thản nhiên bỏ ngoài tai khi nhắc đến quy định cấm giáo viên chủ nhiệm dạy thêm, học thêm chính học sinh của mình. "Đây là phụ huynh tự nguyện đăng ký cho con theo học, miễn sao con có kiến thức, đạt kết quả tốt là được. Cấm giáo viên dạy ở nhà nhưng lại cho họ dạy thêm ở trường cũng không khác gì nhau. Ở đâu dạy tốt thì chúng tôi cho con học", chị nói.
Năm nay, con chị Hoàng Thị Suý (37 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) vào lớp 6. Ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm, một phụ huynh ghé vào tai thủ thỉ mời chị đăng ký cho con tham gia lớp học thêm môn Toán tại nhà cô giáo chủ nhiệm. Chị nhớ như in lần đầu đưa con đến nhà cô, căn phòng rộng chừng 40m2 với 18 bàn chia làm 2 dãy. Mỗi bàn 4 học sinh ngồi. Lớp đông không khác gì buổi học chính khoá. Mỗi buổi học không rẻ, 150.000 - 200.000 đồng/ca 2 tiếng nhưng chị không hiểu sao các phụ huynh vẫn đua nhau đăng ký cho con học.
"Sau này tôi mới biết việc cho con đi học thêm ở nhà cô giáo để 'tạo quan hệ' là chính. Học sinh nào tới nhà cô học đều được ưu ái hơn những bạn không học. Quan trọng hơn phụ huynh không lo con bị cô soi hay trù dập", chị Suý nói.
Hiện con trai chị tham gia 3 lớp học thêm. Lớp Toán học vào thứ 2, 4, lớp Văn học thứ 3, 6 và lớp tiếng Anh học vào tứ 5, 7. Các cô dạy thêm này đều là giáo viên bộ môn của con, nhờ đó chị cũng phần nào yên tâm, không lo lắng về kết quả học tập của con. Vị phụ huynh này cũng không còn thói quen kiểm tra bài vở, điểm kiếm tra. Chị tin con học thêm ở nhà cô sẽ được ưu ái, quan tâm nhiều hơn về điểm số, chất lượng.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới giáo dục Việt Nam cho biết, nhiều nước châu Á có tỷ lệ học sinh học thêm cao, như: Trung Quốc có 73,8% học sinh tiểu học, 65,6% học sinh THCS và 53,5% học sinh THPT.
Tỷ lệ này ở Hàn Quốc lần lượt là 87,9%, 72,5% và 60,5%; Nhật Bản là 15,9%, 65,2% và 24,8%; Azerbaijan 93,1% học sinh cuối cấp THPT; Mông Cổ 66% học sinh cuối cấp THPT; Singapore 97% học sinh phổ thông.
Trung Quốc là nước có tỷ lệ dạy thêm, học thêm cao ở châu Á, nhưng hiện họ kiên quyết cấm triệt để dạy thêm, học thêm, kể cả dạy thêm trực tuyến.
Ở Việt Nam, kết quả một nghiên cứu năm 2007 cho thấy, 46 - 54% học sinh phổ thông học thêm. Trong đó, học sinh tiểu học 31%, học sinh THCS 56% và học sinh THPT 77%. Dạy thêm, học thêm tồn tại dưới 2 hình thức: trung tâm đào tạo/lớp học thêm được cấp phép và những lớp học thêm tự phát. Mặc dù bị cấm nhưng các lớp học thêm tự phát vẫn tồn tại khắp nơi. Dạy thêm, học thêm được xã hội quan tâm và không ít lần làm nóng trên nghị trường Quốc hội.
Cấm là vô nghĩa?
Chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Thị Huệ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, mục đích ban đầu của việc dạy thêm học thêm là để lấy lại kiến thức căn bản cho học sinh yếu hoặc bồi dưỡng cho học sinh giỏi. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này ngày càng biến tướng và dần trở thành phương thức kinh doanh siêu lợi nhuận mà không phải đóng thuế.
"Sự thật đáng buồn là chúng ta càng cấm thì hoạt động này ngày càng phát triển mạnh, việc cấm chỉ là vô nghĩa", TS Huệ nói.
Nở rộ các lớp học thêm, ôn luyện với chi phí cao.
Hiện nhiều phụ huynh còn mâu thuẫn trong chính nhu cầu dạy thêm học thêm. Khi Bộ GD&ĐT, các sở ngành cấm hoạt động dạy thêm, học thêm thì phụ huynh lại phản ứng gay gắt. Ngược lại, khi không cấm thì phụ huynh lại than "tại sao không cấm, tiền đâu cho con học".
Nữ chuyên gia chỉ ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trên. Tháng 5/2012, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 17, là cơ sở pháp lý cao nhất để quản lý dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2016 bỏ dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, khiến việc cấp phép cho hoạt động này bị vô hiệu.
Sau nhiều bất cập, biến tướng, năm 2020, 2021, Bộ GD&ĐT hai lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Mục đích của việc này là để tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm học thêm.
Đề nghị của Bộ GD&ĐT không được chấp nhận. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tạo nên tình trạng dạy thêm hơn dạy chính. Phụ huynh lo con không đi học thêm sẽ bị cô giáo trù dập. Giá mỗi buổi học ngày càng cao khiến phụ huynh kiệt quệ tài chính.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhìn nhận, phụ huynh luôn có tâm lý con tự học thì không thể bằng bạn bằng bè, khó thành công sau này. Ngay cả bộ phận gia đình khá giả có con học trường quốc tế vẫn đầu tư hàng trăm triệu mỗi năm cho con học thêm.
"Dạy thêm, học thêm làm cho quan hệ trong sáng, tình cảm thầy trò bị xói mòn, thầy cô khi đó trở thành người 'bán chữ'", GS Dong nói. Dạy thêm, học thêm còn khiến học sinh quá tải, không đủ thời gian cho tự học, suy kiệt, trầm cảm. Học sinh được học thêm theo kiểu “học trước” gây khó khăn cho giáo viên giảng dạy trên lớp do trình độ học sinh không đồng đều.
Như vậy, lý do để tồn tại của dạy thêm, học thêm là nền giáo dục nặng về lý thuyết, áp lực kiểm tra, thi cử và tâm lý bằng cấp, hơn thua của phụ huynh. Giáo dục chưa dựa trên nền tảng học thật, thi thật và chất lượng thật mà chạy theo thành tích ảo, xếp loại học sinh giỏi ngày càng tăng, đỗ tốt nghiệp 100%, đỗ đại học 100%, bất chấp tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong xã hội.
Theo báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố, chi phí học thêm là khoản lớn nhất với gia đình học sinh phổ thông hiện nay. Chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%.
Nhiều phụ huynh có con học THCS cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho tất cả học sinh cấp THCS kể từ năm học 2022 - 2023 là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, số tiền được miễn này chẳng thấm gì với các khoản tiền học thêm mà phụ huynh bỏ ra hằng năm. Họ phải đóng rất nhiều tiền học buổi 2, tiền học thêm, học câu lạc bộ ngoài giờ.
Lúng túng trong quản lý dạy thêm học thêm
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Phú Yên, Cà Mau, Cần Thơ, Sơn La cho biết đều lúng túng, chưa biết hướng dẫn quản lý dạy thêm, học thêm ra sao… Họ nói nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật, do đó địa phương đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có văn bản chỉ đạo vấn đề này.
Nên có cơ chế quản lý việc dạy thêm chứ không phải cấm tuyệt đối.
"Do chưa có quy định cụ thể, nên việc cấp phép và quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở tất cả địa phương đến nay vẫn 'án binh bất động', không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm, học thêm cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua", ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên băn khoăn.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, quản lý dạy thêm, học thêm cần giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó cần cả những quy định về luật, quy định mang tính hành chính, cần cả những giải pháp chuyên môn và giải pháp về quan điểm, tinh thần, thái độ, dư luận xã hội.
Nhóm giải pháp về lĩnh vực chuyên môn như vấn đề chương trình, phương pháp dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá là những vấn đề Bộ đang triển khai. Về kiểm tra, đánh giá, thời gian tới trong các phương án đổi mới kiểm tra, Bộ tính đến việc điều chỉnh phương án thi THPT và kiểm tra đánh giá thường xuyên để làm sao từ góc độ kiểm tra, đánh giá có thể hạn chế được việc này….
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương nêu, các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều về vấn đề dạy thêm, học thêm từ các khóa trước, nhưng đến nay câu chuyện này chưa có hồi kết và kỳ tới chắc vẫn phải bàn.
Bà Nga chỉ ra 4 vấn đề giải quyết mang tính chiều sâu. Thứ nhất, giảm tải chương trình từ chương trình sách giáo khoa. Thứ hai, cần đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ phương pháp dạy theo hình thức dồn kín, dồn ép kiến thức sang phương pháp dạy tư duy.
Thứ ba, quan trọng là phương pháp thi cử, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp thi cử. Đề thi tập trung vào những vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo của người thi, của học sinh.
Thứ tư, vấn đề tổ chức hệ thống trường học. Nếu như chúng ta còn hệ thống trường chuyên thì đương nhiên nhu cầu dạy thêm, học thêm là có, cần cơ sở để bồi dưỡng những nhân tài.
Nữ đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất phải thay đổi nội dung, những phương pháp trong chương trình dạy học và thi cử - đây mới là căn cơ của vấn nạn dạy thêm, học thêm.