Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến
Nối tiếp các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản các vùng miền địa phương đã rất thành công với hàng nghìn tấn nông sản, hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) được tiêu thụ từ đầu năm đến nay, trong những tháng cuối năm này Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng các sàn TMĐT, các đối tác vận hành TMĐT khác tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương vào mùa trên môi trường trực tuyến.
Trước mắt là chương trình Tuần lễ nông sản Việt trực tuyến trên sàn TMĐT Sendo với các loại trái cây của các tỉnh, thành như phía Nam sẽ được khởi chạy từ ngày 19 - 29/10/2021. Chương trình có ba loại nông sản đặc sản vào mùa lần lượt được bán trên sàn Sendo trong chương trình “Tuần lễ nông sản Việt - Miễn phí vận chuyển”, bao gồm hồng giòn đặc sản Lâm Đồng, dưa lưới đặc sản Bình Phước và xoài cát chu vàng đặc sản Đồng Tháp.
Chỉ trong hơn 2 tháng qua, hơn 80.000 hộ nông dân đã được Vietnam Post hỗ trợ lên sàn TMĐT Postmart.vn, qua đó tiêu thụ hơn 950 tấn trái cây, rau củ tươi các loại. Trong năm 2021, Vietnam Post cũng đặt mục tiêu sẽ đưa 2,5 triệu hộ nông dân lên sàn TMĐT Postmart.vn. Không chỉ cung cấp nền tảng số, hướng dẫn chi tiết cách lên sàn, Vietnam Post còn hỗ trợ các hộ gia đình đồng bộ các giải pháp từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán…
Liên quan đến giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm, các chương trình hỗ trợ địa phương phát triển TMĐT, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua TMĐT, qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết trong thời gian tới, các hoạt động kinh doanh trên TMĐT sẽ dần trở nên quy củ hơn, bài bản hơn và cạnh tranh hơn. Để đưa nông sản lên TMĐT, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bà con nông dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, bảo quản… để bảo đảm chất lượng đồng đều, hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Những tháng cuối năm là lúc nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng cao, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang làm việc chặt chẽ với các sàn TMĐT, các đối tác vận hành để tiếp tục tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá Việt nói chung và nông sản nói riêng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân bước vào giai đoạn bình thường mới.
Tăng tốc kết nối thương mại điện tử
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết thông qua sàn TMĐT Postmart.vn, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn các nông sản vùng miền mà không còn lo ngại về không gian và thời gian hay sự an toàn trong dịch bệnh. Người nông dân chỉ cần có thiết bị thông minh kết nối với intertnet thì bất cứ lúc nào cũng có thể bán hàng. Hộ sản xuất nông nghiệp càng tiếp cận sớm với cách bán hàng mới trên môi trường số thì việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ càng nhanh hơn.
Để tạo thuận lợi cho người nông dân, thời gian tới sàn TMĐT Postmart.vn còn cung cấp đầy đủ các thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, thông tin về dự báo thị trường, cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu của từng hộ sản xuất nông nghiệp.
Grab Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục chuỗi hoạt động hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho các tỉnh miền Trung và miền Nam thông qua dự án GrabConnect. Dự án sẽ kết nối các hợp tác xã nông nghiệp, vùng nuôi trồng uy tín đến với các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng tại TP.HCM thông qua nền tảng công nghệ của Grab, từ đó góp phần duy trì chuỗi cung ứng hàng nông sản, hỗ trợ nông dân và đóng góp vào quá trình hồi phục kinh tế - xã hội của đất nước.
Thông qua GrabConnect, người dân tại TP.HCM có thể đặt mua các sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng do các vùng chăn nuôi, hợp tác xã uy tín tại các tỉnh miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long cung ứng, với thời gian giao hàng nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các chương trình do Cục chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại… tổ chức nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng TMĐT đã hỗ trợ đắc lực việc vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch bệnh. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại - TMĐT và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.