Khi một đứa trẻ nổi giận và cư xử không đúng mực, các bậc phụ huynh sẽ làm bất kỳ điều gì để con bình tĩnh hơn.
Tiến sĩ Tovah Klein (nhà tâm lý học trẻ em, tác giả cuốn sách "How Toddlers Thrive" - tạm dịch: Trẻ giai đoạn 1-3 tuổi phát triển như thế nào?) cho hay, một số câu nói phổ biến được cha mẹ dùng để nhắc nhở con có thể "vô tình" làm con xấu hổ, tự ái, ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chúng.
Ông chia sẻ thêm, những câu nói hàm ý "đổ lỗi" cho trẻ đều có thể dẫn đến một số vấn đề. Klein nói: "Sự xấu hổ, tự ti là vô cùng độc hại với trẻ - cảm giác này sẽ đi theo và gây ảnh hưởng đến tâm lý của chúng. Trẻ sẽ có suy nghĩ "mình không đủ tốt", "mình không nên thử" và dần dần nghi ngờ về khả năng của bản thân. Đây giống như một điểm yếu của chúng vậy".
Khi trẻ bị chính cha mẹ - những người chúng yêu thương và coi trọng nhất - làm cho "bẽ mặt" thì sự tự tin và động lực sẽ dần cạn kiệt. Tâm lý này có thể khiến chúng thu mình lại trước những thứ mới mẻ, những thử thách - những điều vô cùng quan trọng để làm nên thành công của trẻ sau này.
Theo tiến sỹ Tovah Klevin, các bậc phụ huynh không hề có ý hạ thấp hoặc làm con mình xấu hổ. Nó có thể chỉ là một tiếng thở dài, là ánh mắt tức giận hay một số câu nói mang ý châm chọc như:
"Con lại như vậy rồi. Con luôn luôn bất ổn".
"Tại sao con luôn khó chịu khi chuyện này xảy ra?"
"Con lại [hành vi tiêu cực] rồi đúng không?"
"Thật nực cười".
"Con đang làm quá lên đấy".
Những câu nói, biểu hiện trên của các phụ huynh thường xuất phát từ sự thất vọng. Có thể những đứa con của bạn lại gây gổ với nhau, vờ như không nghe thấy lời bạn nói hay từ chối một vài công việc mà chúng không thích làm.
Klevin chia sẻ thêm: "Chỉ trích khi tâm trạng con đang bất ổn sẽ khiến chúng cảm thấy thật tồi tệ, khiến con luôn có cảm giác bất an. Từ đó, trẻ sẽ tự hỏi "Vì sao bố mẹ lại luôn khó chịu?" Và cảm giác này có thể khiến con cảm thấy xấu hổ và trốn tránh cảm xúc của mình".
Để thay đổi tình trạng này, phụ huynh có thể lưu ý một vài lời khuyên như sau:
Đầu tiên, hãy bình tĩnh và suy nghĩ vấn đề theo một hướng khác. Hãy tự hỏi bản thân rằng chuyện gì đang diễn ra và vì sao mình lại thấy thất vọng về con đến như vậy. Hãy nhớ rằng trẻ em cũng như người lớn, cũng trải qua vô vàn cảm xúc trong cuộc sống và không phải cảm xúc nào cũng tích cực. Sau đó, cha mẹ có thể lựa lời nói chuyện với con, thể hiện sự đồng cảm và xoa dịu cơn tức giận của trẻ qua những câu nói như:
"Cha/mẹ hiểu là con không thích, nhưng chúng ta vẫn phải làm nó".
"Nếu việc này khó quá, cha/mẹ có thể giúp con".
"Cha/mẹ cũng rất muốn làm như vậy, nhưng không được con ạ".
"Cha/mẹ biết rằng con thích đi chơi, nhưng bây giờ chúng ta không thể ra ngoài".
Phụ huynh nên thừa nhận và thông cảm cho những cảm xúc tiêu cực của con trước khi quyết định mình nên xử lý vấn đề như thế nào. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần cho con biết rằng mình sẽ không từ bỏ kế hoạch chỉ vì con đang tức giận. Cha mẹ không cần nói quá nhiều, chỉ cần thể hiện sự đồng cảm của mình với con là đủ.
Trong một vài tình huống, cha mẹ có thể "phớt lờ một cách tôn trọng" con mình. Khi một đứa trẻ đang mất kiểm soát và có những hành vi quá khích, cha mẹ có thể đợi để con qua cơn nóng giận thay vì ngay lập tức kiềm chế, áp đảo chúng. Hãy đi sang chỗ khác và để con có không gian riêng tư.
Nếu cha mẹ không kiềm chế được cơn giận và lỡ lời với con, cha mẹ cũng nên thừa nhận lỗi sai của mình: "Điều này thật sự khó khăn. Cha/mẹ đã quát mắng và khiến con buồn bã. Bây giờ thì mọi thứ đã ổn hơn rồi, đúng không?".