Dạy con giúp đỡ người khác một cách tế nhị

Toàn Thắng| 21/05/2022 21:15

Trong cuộc sống, giúp đỡ lẫn nhau vốn là cần thiết và đáng làm và điều đó hầu hết đã được nhà trường và cha mẹ dạy dỗ thường xuyên.

Dạy con giúp đỡ người là trách nhiệm của cha mẹ (hình minh họa)Dạy con giúp đỡ người là trách nhiệm của cha mẹ (hình minh họa)

Tuy nhiên, cũng cần dạy con rằng, có giúp đỡ người những cũng phải tế nhị và giữ lại cho họ phẩm giá.

Vì sao giúp đỡ người nhưng lại phải tế nhị?

Đôi khi cha mẹ không để ý đến cách giáo dục con trẻ, dẫn đến hành vi chưa đúng đắn mà con trẻ tiếp nhận. Sau này, có đôi khi nhân cách của con không được phát huy hết điểm tốt trong lối sống lương thiện.

Cần dạy con rằng, giúp đỡ người khác là sự tự nguyện của bản thân. Chỉ khi một người cam tâm tình nguyện giúp đỡ người khác, mới có thể mang lại một điều ý nghĩa và đúng đắn. Giúp đỡ người khác không phải vì mong cầu bản thân đạt được điều gì đó, đôi khi giúp đỡ người khác, bản thân sẽ phải chịu thiệt hoặc mất đi thứ gì đó. Nên, nếu có tâm muốn giúp đỡ người khác, không nhất thiết phải mưu cầu đáp lại.

Con có một chiếc áo đẹp, muốn tặng lại người nghèo khó đang mặc chiếc áo rách. Ở khu chợ đang đông người. Trong tình huống này, có thể lựa chọn: (1) giúp đỡ họ một cách trực diện để nhận lấy những lời khen ngợi của người khác. Cách này có thể tốt cho bản thân người giúp đỡ nhưng lại khiến người nhận cảm thấy xấu hổ, và mất đi phẩm giá trước mặt những người xung quanh. (2) giúp họ không trực diện, có thể nói “chiếc áo này là sự trả công cho việc làm đã lâu mà anh/chị đã thực hiện. Hôm nay mới có dịp đáp lại lời cảm ơn…”

Cách thứ 2 là cách khéo léo, vừa giúp được họ đồng thời cũng giữ được phẩm giá cho họ. Giống như câu nói “khi cho tiền người ăn xin, xin bạn hãy khẽ ngồi xổm xuống, chứ đừng đứng cao để họ khúm núm”. Điều này là vì để giúp đỡ người khác, chứ không phải để tận hưởng cảm xúc vui sướng của người ban ơn.

Câu chuyện thực tế

Ở một vùng nông thôn nghèo khó có gia đình 2 cha con nhà nọ sống cảnh “gà trống nuôi con”. Năm cậu bé lên 10 tuổi, có một đoàn xiếc đến vùng quê ấy biểu diễn. Cha cậu đồng ý đưa con trai đi xem chương trình xiếc mà cậu đã mong đợi từ lâu.

Trong dãy người xếp hàng mua vé cùng cha con cậu có một gia đình với tám đứa con nhỏ. Nhìn vào thì biết gia cảnh nghèo khó, nhưng lũ trẻ đều ăn mặc gọn gàng và hành xử lễ phép. Chúng nắm tay nhau, đứng sau lưng bố mẹ, hào hứng đàm luận về những chú hề, những con thú trong rạp xiếc, rõ ràng là chúng chưa được xem biểu diễn xiếc bao giờ. Bố mẹ chúng đắc ý đứng trước mặt chúng, người mẹ nhìn đàn con một cách trìu mến, cảm thấy chồng mình giống như một người hùng vậy.

Người cha mặt mày hớn hở cười vui, tự hào nói với người bán vé: “Xin hãy cho chúng tôi tám vé trẻ em và hai vé người lớn. Tôi muốn cho lũ trẻ được tận hưởng một ngày hạnh phúc và đáng nhớ nhất!”.

Nhưng sau khi người bán vé cho biết tổng giá số tiền, hai vợ chồng ngây cả người như muốn ngất xỉu. Người mẹ thì lộ rõ vẻ thất thần, buông tay chồng ra, cúi gằm mặt xuống. Người cha môi miệng mấp máy, mồ hôi túa ra, mặt mày tái mét. Rõ ràng là họ không đủ tiền mua đủ số vé xem xiếc. Hai vợ chồng đứng ngây ra, không biết nói sao với lũ trẻ. 8 đứa con thì vẫn cứ vô tư, rất phấn khởi, thao thao không ngớt về buổi diễn xiếc mà chúng sắp được xem.

Sau khi tận mắt chứng kiến tất cả những điều này, cậu bé 10 tuổi khẽ nói bên tai cha mình: “Ông ấy phải nói sao với con mình đây? Bố xem, các bạn ấy đang phấn khích như vậy, nếu nói thật với họ, mọi người chắc sẽ thất vọng lắm!”.

Người bố nói: “Đúng vậy, với một người cha, tình cảnh này thật quá trớ trêu. Là một người cha, không gì tệ hơn việc thất hứa với con mình, khiến chúng cảm thấy thất vọng!”. Cả hai bố con đều muốn giúp đỡ họ, nhưng gia cảnh họ khi đó cũng không khá giả gì!

Người bố nói với con trai: “Nếu chúng ta không xem buổi diễn này nữa, con có đồng ý không?”. Lưỡng lự một hồi, cậu bé chợt mở to mắt nói: “Bố, con đã quyết định rồi, chúng ta sẽ về nhà và nhường cơ hội này cho họ! Chuyện sau đó phải trông cậy vào bố ạ!”. “Được rồi, con trai! Hãy nhìn bố đây này!”.

Cậu vui vẻ đưa mắt dõi theo cha mình. Hành động tiếp sau đó của người cha khiến cậu không khỏi bất ngờ, thậm chí cả đời không thể nào quên. Cha cậu mau chóng đi đến phía sau người đàn ông đó. Nhân lúc không ai để ý, ông ném số tiền vốn định dùng để mua vé xuống mặt đất, sau đó cúi người xuống nhặt số tiền đó lên, rồi vỗ nhẹ vào vai người đàn ông đang tiến thoái lưỡng nan kia, nói: “Này, anh ơi, anh làm rơi tiền này!”.

Người đàn ông đó ngây người một lúc, rồi cũng lập tức hiểu rõ đầu đuôi chuyện này là gì. Đây chính là một người tốt bụng vốn không hề quen biết đang muốn giúp đỡ mình, và chỉ bằng cách này mới có thể giúp ông giữ lại phẩm giá của một người cha trước mặt các con của mình.

Người cha đó không khỏi có chút bối rối. ”Có những điều không thể khiến cho lũ trẻ thất vọng được, anh hiểu không?”- người bố ghé tai người đàn ông đó nói khẽ, sau đó dúi tiền vào tay ông ấy, rồi nói lớn rằng: “May là tôi nhặt được đấy nhé!”. Người đàn ông đó nhìn số tiền trong tay, hai bờ môi mấp máy, nước mắt lăn xuống hai gò má, run run xúc động.

Câu chuyện kể lại ở trên đã nói lên một đạo lý quý báu trong cuộc sống. Đó là khi giúp đỡ người khác, đồng thời, đừng bao giờ quên gìn giữ phẩm giá cho họ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/day-con-giup-do-nguoi-khac-mot-cach-te-nhi-KX58aLX7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/day-con-giup-do-nguoi-khac-mot-cach-te-nhi-KX58aLX7R.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dạy con giúp đỡ người khác một cách tế nhị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO