Tục lấy nước đầu năm là một nét văn hóa đẹp của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Khi đồng hồ điểm thời khắc chuyển giao năm mới là lúc mỗi gia đình cử thành viên đi lấy nước mới tại con suối đầu nguồn của làng với mục đích cầu cho một năm mới ấm no, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Người dân trẩy hội “lấy nước mới” ngày đầu năm.
Từ xa xưa, đời sống của bà con dân tộc tày Nùng ở Cao Bằng chủ yếu dựa vào kinh tế nông nghiệp, bởi vậy, nguồn nước không chỉ gắn liền với đời sống tâm linh mà còn được coi là tài sản, nguồn sống của bản làng. Có những nơi vào mùa khô, các con suối, mỏ nước tự nhiên cạn khô, để có nước sinh hoạt họ phải lấy nước ngầm từ trong lòng đất, các hang đá sâu rất khó khăn… Ước nguyện quanh năm mưa thuận, gió hòa, nguồn nước chảy mãi không bao giờ cạn đã được bà con gửi gắm trong phong tục “au nặm mấư” – “lấy nước mới” vào đêm giao thừa và ngày mùng Một đầu năm.
Già làng, trưởng bản, chủ nhà thường là người đại diện gia đình thực hiện nghi thức lấy nước mới.
Hiện nay, một số vùng nông thôn địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn lưu giữ được phong tục tốt đẹp này. Tại xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tục đi lấy nước đầu nguồn trong dịp năm mới của đồng bào dân tộc Tày, Nùng vẫn được bà con giữ gìn suốt thời gian qua.
Anh Dương Tuấn Đạt, xóm Pác Bó cho biết không chỉ người dân xóm Pác Bó mà nhân dân quanh vùng cũng “lấy nước mới” vào dịp đầu năm, đặc biệt sau thời khắc giao thừa. Người đi lấy nước thường là chủ nhà, có thể có thêm các thành viên trong gia đình cùng đi. Khi đi lấy nước, mọi người mang theo hương, một ít tiền vàng bằng giấy bản đi đến mỏ nước đầu nguồn để lấy nước đầu năm. Dụng cụ lấy nước thường là ống bương, xô, thùng, can, đòn gánh và gáo để múc nước. Đây là một trong những “ngày hội” lớn của làng dịp đầu năm vì nhân dân và du khách trong tỉnh đến lấy nước rất đông.
Sau khi khấn, nhân dân thắp hương bên bờ suối nơi đầu nguồn.
Đây là thời khắc rất thiêng liêng và ý nghĩa với bà con dân tộc Tày, Nùng. Trên đường đi, ai cũng chúc mừng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất như “Chúc pỉ (noọng) bươn chiêng pi mấư mì rèng, pi mấư hất kin phát đạt” có nghĩa là “Chúc anh (em) năm mới mạnh khỏe; năm mới làm ăn phát đạt”.
Trước khi lấy nước, đồng bào Tày, Nùng làm thủ tục thắp hương, đốt tiền giấy ngay vị trí mỏ nước, sau đó lấy nước và đem về nhà. Trên đường về, họ hái một cành lộc mang về. Nước đem về từ đầu nguồn, được đồng bào đặt trước bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Sau đó, một phần nước sẽ được đun sôi pha trà dâng cúng tổ tiên, còn lại để rửa mặt.
Người dân náo nức trẩy hội lấy nước đầu nguồn dịp đầu năm mới.
Chị Đàm Thị Chiến – Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng cho biết đồng bào Tày, Nùng quan niệm, ngày đầu năm mới, gia đình nào lấy được nước sớm hơn thì sẽ đón được nhiều lộc về nhà nên bà con đi lấy nước rất đông và tổ chức thi lấy nước mới, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi ngày đầu xuân mới. Họ cũng tin rằng, rửa mặt bằng nước suối trong lành, mát mẻ lấy từ mỏ nước đầu nguồn sẽ đem đến nhiều may mắn.
Vì vậy, mọi công đoạn lấy nước đầu năm mới phải được thực hiện cẩn trọng, thành kính, đem lại cho họ niềm tin vào một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng… Hiện nay, điều kiện sống của người dân cao hơn, hầu hết các gia đình đã có bể nước hoặc sử dụng nước máy nên phong tục lấy nước mới mai một dần, chỉ còn ở những bản làng vùng sâu, vùng xa, hoặc những địa phương làm tốt công tác bảo tồn văn hoá truyền thống.
Thông qua tục lấy nước đầu năm mới, người Tày, Nùng nơi đây đã giáo dục con cháu phải biết bảo vệ và giữ gìn nguồn nước để phục vụ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Tục lấy nước đầu năm là một tập quán đẹp mang nhiều ý nghĩa nhân văn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ thiên nhiên nên rất cần được gìn giữ và phát huy. Tới đây, tục lấy nước sẽ được lồng ghép vào các sản phẩm du lịch tại Pác Bó, để du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và ý nghĩa khi đến với miền non nước Cao Bằng.