Đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên: Còn nhiều điều cần bàn trước khi áp dụng

Minh An| 30/04/2021 15:59

Việt BáoViệc sắp tới sẽ tổ chức công khai đấu thầu trong đào tạo giáo viên đang thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất là những người có tâm huyết với việc đào tạo ngành sư phạm.

Đa số các chuyên gia đều cho rằng, về việc tổ chức đấu thầu cũng như đặt hàng đào tạo giáo viên còn phải tính toán và bàn bạc kỹ lưỡng vì nếu để xảy ra sai sót thì hậu quả không lường. Bởi lẽ, đào tạo giáo viên là ngành rất đặc thù.

Thực tế tại nhiều địa phương nhu cầu sử dụng giáo viên nhất là giáo viên mầm non lớn, thiếu cả chục nghìn người nhưng lại không có chỉ tiêu cho tuyển dụng thành ra năm nào cũng thiếu trong khi lượng giáo viên bên ngoài thì còn rất nhiều...

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến - Hiệu trưởng Trường CĐSP Bắc Ninh, việc các trường sư phạm xác định chỉ tiêu căn cứ vào nhu cầu của địa phương đã được làm từ một số năm nay. Qua đó cho thấy, đa số địa phương, trong đó có Bắc Ninh, nhu cầu là nhu cầu tuyển dụng chứ không phải nhu cầu sử dụng, nên thực tế các trường vẫn thiếu nhiều giáo viên. Ví dụ Bắc Ninh năm ngoái thiếu khoảng hơn 2.000 đến gần 3.000 giáo viên, nhưng trong nhu cầu theo báo cáo lại rất ít.
Ảnh minh họa: Internet
“Theo cách làm mấy năm nay, Cục Nhà giáo gửi yêu cầu khảo sát về UBND tỉnh, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ, Sở Nội vụ đưa về phòng nội vụ các huyện, xác định nhu cầu tuyển dụng, mà nhu cầu tuyển dụng lại rất khó khăn. Nhiều tỉnh 10 năm mới mở một đợt tuyển dụng.
Trước đây, khi việc khảo sát được giao cho Sở GD-ĐT, Sở lại giao cho phòng kế hoạch tài hcinsh của Sở xác định, thì rất sát. Vì họ căn cứ vào thống kê người đi học trong độ tuổi trên địa bàn, hằng năm sẽ tăng hay giảm thế nào; số giáo viên hiện tại ra sao, số sắp nghỉ hưu là bao nhiêu..., từ đó mới ra nhu cầu giáo viên thực tế”.
Ông Tuyến cũng đề nghị, trong công văn hướng dẫn thực hiện NĐ 116 của Bộ GD-ĐT, trong phần khảo sát nhu cầu giáo viên để xác định chỉ tiêu đào tạo, nên ghi rõ là đào tạo giáo viên cho tất cả các trường, gồm trong và ngoài công lập. Ở Bắc Ninh chẳng hạn, khối trường mầm non đa số là ngoài công lập, hiện đang thiếu trầm trọng, tới hàng chục nghìn người, mà không có nguồn để tuyển.
Theo đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc thì chủ trương tinh giản biên chế là đúng đắn, tuy nhiên hiện nay vẫn tinh giản quá cơ học dẫn đến một số khó khăn trong công tác quản lý cũng như tuyển mới giáo viên.

“Các trường THCS và tiểu học sáp nhập có thể giảm được hiệu trưởng nhưng vì sáp nhập lượng học sinh quá đông nên khó quản lý sát sao và đảm bảo chất lượng như trước.

Câu chuyện đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên khá tiến bộ nhưng cũng cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết xem triển khai thế nào.

Có những địa phương thiếu giáo viên và muốn đặt hàng các cơ sở đào tạo nhưng tuyển được thí sinh thì sao? Và quan trọng nhất là làm gì để đảm bảo chất lượng giáo viên, nhất là với chương trình giáo dục phổ thông mới có những đòi hỏi cao hơn ở người giáo viên.

Rồi đấu thầu thế nào, làm sao đảm bảo không xảy ra tình trạng mua thầu”, vị này cho hay.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng băn khoăn bởi việc đấu thầu một đối tượng đặc biệt.

“Nếu như chúng ta đưa ra đấu thầu đào tạo nhà giáo, sau này, sẽ có những người có trách nhiệm đặt ra câu hỏi rằng tại sao đều là 2 cơ sở đào tạo sư phạm, mà bên này giá thấp hơn bên kia tại sao không chọn? Khi đó không trả lời được đâu. Giờ nhiều trường đào tạo sư phạm và đều gửi thư mời đến cùng lời giới thiệu là hàng đầu. Đó là khó khăn. Do đó, đề nghị Bộ GD-ĐT có trách nhiệm làm rõ nội dung này”.

Ông Thủy cho rằng, các thầy cô giáo là nguồn để đào tạo ra đội ngũ tri thức và tương lai cho đất nước. Do đó, cần thận trọng trong vấn đề đào tạo.

Trước đó, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh/ thành phố, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên về hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội.

Theo đó, UBND các tỉnh xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc, đặt hàng đào tạo các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương.

Cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc địa phương nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho địa phương trên cơ sở phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ GD&ĐT thông báo và nhu cầu sử dụng của địa phương, cũng có thể nhận đặt hàng của các địa phương khác.

Các cơ sở đào tạo giáo viên nhận đặt hàng hoặc tham gia đấu thầu đào tạo giáo viên cho các địa phương theo chỉ tiêu tuyển sinh Bộ GD&ĐT giao.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên: Còn nhiều điều cần bàn trước khi áp dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO