Đầu tàu TPHCM đang phát triển chậm lại

Q.Huy| 12/07/2022 12:03

Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phân tích, địa phương đang gặp nhiều điểm nghẽn cản trở cho sự phát triển về thiếu hạ tầng giao thông kết nối, nguồn lực tài chính, ý tưởng sáng tạo.

Sáng 12/7, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có buổi làm việc với UBND TPHCM để đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 53 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Trung ương, Bộ Chính trị đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phía Nam. Tuy nhiên, việc phát triển những khu vực này còn nhiều điểm chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng.

Đầu tàu TPHCM đang phát triển chậm lại - 1

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại buổi làm việc với UBND TPHCM (Ảnh: HMC).

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, phân tích, thời gian qua, địa phương đã và đang gặp nhiều điểm nghẽn cản trở cho sự phát triển. Trong đó, thành phố còn thiếu hạ tầng giao thông kết nối vùng, nguồn lực tài chính, ý tưởng sáng tạo để phát triển.

"Đầu tàu TPHCM dường như đang phát triển chậm lại, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển vùng. Trong giai đoạn tới, thành phố vừa phải tập trung giải quyết các điểm nghẽn, vừa phải phát huy năng động, sáng tạo, tận dụng lợi thế vốn có để phát triển đúng mức", lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhìn nhận.

Đầu tàu TPHCM đang phát triển chậm lại - 2

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (Ảnh: HMC).

Thời gian tới, TPHCM cần tập trung giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông, kết nối vùng, nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính mạnh mẽ. Đặc biệt, để phát triển đột phá, ông Phạm Bình An cho rằng, TPHCM cần có cơ chế đột phá, phù hợp, không thí điểm mà cần sự ổn định.

Đối với vấn đề của vùng Đông Nam Bộ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đồng tình, khu vực có nhiều lợi thế, nhưng chưa thể phát triển đúng định hướng. Vướng mắc lớn nhất trong phát triển vùng là thiếu giải pháp về mặt thể chế.

"Chúng ta có ban chỉ đạo và hội đồng phát triển vùng nhưng không có ngân sách riêng, không có bộ máy chuyên trách. Chúng ta cần hiểu rõ, muốn các địa phương gắn kết, cần sử dụng công cụ tài chính, ngân sách thay cho mệnh lệnh hành chính", ông Phạm Bình An đánh giá.

Giải pháp được đưa ra là vùng Đông Nam Bộ cần có cơ quan tư vấn chuyên trách, hội đồng, tổ công tác chuyên sâu. Trung tâm phát triển vùng cần quy tụ chuyên gia chất lượng, đầu ngành, cả cơ quan nước ngoài để hỗ trợ công tác rà soát quy hoạch, thẩm định dự án, tổng hợp thông tin, dữ liệu vùng và tham mưu Chính phủ đưa ra quyết sách lớn.

"Bên cạnh củng cố bộ máy, cần có định chế ngân sách cấp vùng. Có chuyên gia đề xuất xây dựng đề án thành lập quỹ đầu tư phát triển vùng, trong đó có sự đóng góp của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để phục vụ nhiều mục tiêu, dự án", ông Phạm Bình An nêu quan điểm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đầu tàu TPHCM đang phát triển chậm lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO