Đầu năm chém đẹp: Bát bún 100.000 đồng, cốc cà phê phụ thu 'VAT 100%'

11/02/2022 06:58

Chuyện "hét giá", "chặt chém" như thành thông lệ vào dịp Tết. Năm nay, dù cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, song tình trạng này vẫn diễn ra khi một bát bún ốc có giá 100.000 đồng, hay cốc cà phê bị tính phí VAT 100%.

Bán bún ốc 100.000 đồng

Ra Tết, ai cũng ngấy ngán thịt thà, bánh chưng, giò chả, thèm được ăn bát bún riêu hay bát phở. Vì thế, dù giá cả có tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày bình thường nhưng các quán bún, phở... vỉa hè đều đông khách.

Theo phản ánh trên Dân Việt, giống như mọi năm, năm nay, tại Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa xuyên Tết đã đồng loạt tăng phí dịch vụ lên 30-50%, có nơi tăng giá gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường.

Đơn cử, trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), một bát bún riêu ngày thường có giá 40.000 đồng/bát thì trong mấy ngày Tết vừa qua tăng lên 70.000 - 80.000 đồng/bát, gấp đôi ngày thường. Trên phố Trường Chinh, giá một bát phở tại một cửa hàng phở có tiếng ngày thường có giá 40.000 đồng/bát thì ngày Tết tăng lên 60.000 đồng/bát, tăng khoảng 50%.

Đặc biệt, một khách khác mới đây cũng chia sẻ từng ăn bát bún ốc sườn trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội với giá 100.000 đồng.

Đầu năm chém đẹp: Bát bún 100.000 đồng, cốc cà phê phụ thu 'VAT 100%'
Bát bún "đặc biệt" bán vào mùng 4 Tết tại Hà Nội có giá 100.000 đồng có 2 miếng giò tai bé, 2 miếng mọc, 3 con ốc, 4 miếng đậu phụ bé, một ít thịt bò và bún, không có miếng sườn nào. (Ảnh: Lao Động)

Điều đáng nói, dù “chém” với giá "cắt cổ" nhưng chất lượng lại không tương xứng. “Làm ăn chộp giật chặt chém quá thể: 100.000 đồng/bát bún được 3 miếng ốc, 3 miếng mọc, 3 miếng giò sụn, 3 gắp bún. Điều đáng nói, chủ quán thu tiền trước và khi ăn khách hàng muốn xin miếng ớt tươi, chút chanh, quất cũng không có”, vị khách chia sẻ.

Đi uống cà phê bị tính thuế VAT 100%

Không chỉ các cửa hàng kinh doanh ăn uống mà tại một số cửa hàng cà phê, chủ cửa hàng cũng tăng phí dịch vụ ngày Tết, nhẹ thì 10-30%, cao hơn là 50%, thậm chí có nơi còn tăng phí phụ thu ngày Tết lên 100%.

Mới đây, dân mạng xôn xao về hóa đơn tính tiền nước uống tại một quán cà phê có địa chỉ ở quận Gò Vấp (TP.HCM).

Theo thông tin được chia sẻ, chiều mùng 1 Tết, nhóm bạn trẻ gồm 5 người đã ghé vào quán cà phê này. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ “tám” chuyện, nhóm khách nhận được hóa đơn thanh toán. Số tiền phải trả cho các món đồ uống là 167.000 đồng nhưng quán lại tính tiền thuế Giá trị gia tăng (VAT) lên tới... 100%, nâng tổng số tiền khách phải trả lên 334.000 đồng.

Đầu năm chém đẹp: Bát bún 100.000 đồng, cốc cà phê phụ thu 'VAT 100%'
Hóa đơn tính tiền cà phê và VAT 100% Mùng 1 Tết gây xôn xao

Hình ảnh hóa đơn tính tiền được "khổ chủ" đăng lên Facebook cá nhân đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng khó hiểu, thậm chí bức xúc với cách tính VAT của chủ quán.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một quán cà phê ở Hà Nội. Trên một diễn đàn review đồ ăn, một khách hàng đăng bài tỏ ý không hài lòng về cách phục vụ của một quán cà phê tại Hà Nội vì phải trả thêm 50% phí dịch vụ nhưng không được phục vụ chu đáo.

Không chỉ "chặt chém", khách còn bị dọa hắt canh vào người

Tối 8/2, tài khoản Facebook H.G. đăng tải dòng trạng thái kèm clip ghi lại cảnh một chủ quán ăn ở Khánh Hòa có hành động dọa nạt.

Theo anh G., gia đình đi ô tô từ Thừa Thiên - Huế vào Nha Trang du lịch ngày 6/2 (mùng 6 Tết). Khi sắp đến TP, anh G. ghé một quán ăn ở khu vực đèo Rọ Tượng, xã Ninh Ích. "Thấy quán không niêm yết giá món ăn nên gia đình cẩn thận hỏi. Nhân viên nhà hàng tư vấn ăn cơm, giá 50.000 đồng/đĩa và chúng tôi gọi 4 đĩa. Quán dọn cơm lên kèm theo một bát canh cá ngừ. Ăn xong quán tính 4 đĩa cơm 200.000 đồng, 3 lon nước 60.000 đồng và bát canh 150.000 đồng", anh G. kể.

"Chúng tôi không gọi canh cá, lúc dọn lên cứ nghĩ đây là món nằm trong phần cơm đã gọi. Thực tế gia đình cũng không ăn canh cá vì không hợp khẩu vị", anh G. nói và ý kiến với chủ quán ngay lúc đó.

Theo anh G., thay vì nghe anh giải thích, một phụ nữ cầm tô canh đòi hất vào du khách kèm lời thách thức: "Muốn đi thì trả tiền. Không trả tiền đừng hòng đi". Anh G. chia sẻ đã phải trả tiền vì sợ. "Lúc này, một người đàn ông tiến đến, tay cầm cục đá dọa không rời đi ngay sẽ ném vỡ ôtô”, anh G. kể.

Ngày 9/2, đại diện UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã giao lực lượng quản lý thị trường và UBND xã Ninh Ích làm rõ thông tin về hành vi "chặt chém" trên.

Đi taxi bị 'chặt chém' thẳng tay

Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, lượng người trở lại TP.HCM sinh sống và làm việc tăng cao đột biến, các dịch vụ vận tải hành khách (taxi, xe công nghệ 4 bánh) sẵn sàng chặt phí cao đối với người dân một cách không thương tiếc.

Ghi nhận của PV. VietNamNet trong chiều ngày 6/2 tức mùng 6 Tết Nguyên đán, lượng hành khách tại ga đến sân bay Tân Sơn Nhất khá đông, việc đặt xe không dễ dàng. Một tài xế khẳng định, sẽ không thể gọi được xe quanh khu vực sân bay vì các lái xe đã tắt ứng dụng.

Đầu năm chém đẹp: Bát bún 100.000 đồng, cốc cà phê phụ thu 'VAT 100%'
Rất đông hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất trong chiều 6/2 (ảnh: Trần Chung)

Nhiều tài xế lợi dụng lượng khách trở lại TP.HCM tăng đột biến, sẵn sàng hét giá dịch vụ vận chuyển cao. Chẳng hạn, cuốc xe từ sân bay Tân Sơn Nhất về chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) trên ứng dụng gọi xe công nghệ có giá là 139.000 đồng nhưng các tài xế chèo kéo khách ngay trong sân bay lại ra giá từ 300.000-350.000 đồng, cao gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường. Hành khách phải cắn răng chấp nhận vì không có cách nào khác để về nhà.

Bãi giữ xe tự phát 'chặt chém' ngày Tết

Một số bãi giữ xe ở TP.HCM đã “chặt chém” khách gửi xe bằng việc nâng giá quá mức vào những ngày Tết. Ghi nhận của PV. Người Lao Động vào ngày 6/2, tức mùng 6 Tết, đường Mai Thị Lựu (quận 1), nơi có ngôi chùa Ngọc Hoàng, có cả chục điểm giữ xe tự phát mọc lên, khá bát nháo.

Người giữ xe ở các điểm này đứng xuống lòng đường để chèo kéo khách. Hầu hết các điểm giữ xe này đều không niêm yết giá, khi khách hỏi thì mới trả lời hoặc thông báo khi khách trả tiền. Giá giữ xe ở chùa Ngọc Hoàng là 20.000 đồng/lượt xe máy.

Còn bãi xe công viên Phú Nhuận lấy giá ngày Tết 10.000 đồng/lượt xe máy. Giá giữ xe ở bãi xe cạnh Thảo Cầm Viên cũng lấy giá 10.000 đồng/lượt xe máy. Tại Lăng Ông - Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), giá giữ xe lên mức 10.000 đồng/lượt xe máy, gấp đôi trước Tết.

Giá phòng khách sạn tăng gấp 10 lần

Lượng du khách đổ xô đến Bà Rịa - Vũng Tàu vào dịp Tết khiến việc quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Các khách sạn lớn, giá ổn định thường kín khách. Còn nhiều nhà nghỉ nhỏ lợi dụng thời điểm này để tăng giá.

Một số độc giả phản ánh với Zing về việc có cơ sở lưu trú tăng giá tới 10 lần dịp Tết (từ 300.000 đồng/đêm lên hơn 3 triệu đồng/đêm). Khi được hỏi về vấn đề này, ông Lê Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Vũng Tàu thừa nhận việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Hành vi "chặt chém" bị xử phạt ra sao?
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hoặc có hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, Điều 12 Nghị định 109/2013 nêu rõ, phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng lần đầu.
Mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng, được áp dụng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/dau-nam-ban-bun-100-000-dong-coc-ca-phe-bi-tinh-thue-vat-100-814625.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/dau-nam-ban-bun-100-000-dong-coc-ca-phe-bi-tinh-thue-vat-100-814625.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đầu năm chém đẹp: Bát bún 100.000 đồng, cốc cà phê phụ thu 'VAT 100%'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO