Số ca mắc virus Adeno tại Việt Nam
Ngày 15/09/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết từ tháng 8 năm 2022 đến nay, số trẻ mắc bệnh do virus Adeno gây ra tăng đột biến.
Tính đến ngày 12/09/2022, tổng số ca nhiễm virus Adeno ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn tổng số ca bệnh của năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ. Trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm virus này.
Đáng chú ý, riêng trong tuần từ 05/09 đến 11/09, bệnh viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với virus Adeno, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
Vậy, virus Adeno là gì? Làm thế nào để nhận biết dấu hiệu của bệnh do virus Adeno gây ra? Và cha mẹ cần lưu ý gì để phòng tránh bệnh cho con cái của mình?
Ảnh minh họa: Virus Adeno.
Virus Adeno là gì?
Virus Adeno là một nhóm virus phổ biến lây nhiễm qua đường giọt bắn và đường hô hấp khi mọi người tiếp xúc với nhau. Virus Adeno có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể như niêm mạc mắt, đường thở, phổi, ruột, đường tiết niệu và hệ thần kinh. Virus Adeno là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng sốt, ho, viêm họng, viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tiêu chảy, viêm bàng quang, viêm gan,...
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh do virus Adeno gây ra nhưng trẻ em thường là nhóm đối tượng dễ bị nhiễm bệnh hơn do sức đề kháng yếu. Hầu hết trẻ em đều sẽ mắc ít nhất một loại nhiễm trùng do virus Adeno gây ra.
Tình trạng nhiễm trùng thường chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Virus Adeno lây lan thế nào?
Virus Adeno có thể dễ dàng lây lân trong không khí, đặc biệt là ở những nơi có đông trẻ em như trường học, công viên trò chơi hoặc trại hè.
Virus Adeno có thể lây lan khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và người khác hít phải. Các giọt bắn chứa virus cũng có thể bay trong không khí và bám vào bề mặt của các đồ vật. Trẻ em có thể bị nhiễm virus khi chúng tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc chạm vào tay vào đồ chơi hoặc đồ vật đã dính virus rồi lại đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Vệ sinh tay chân không sạch sẽ cũng có thể khiến virus dễ dàng lây lan hơn. Điều này cũng lý giải nguyên do vì sao virus có thể lây lan nhanh chóng ở trẻ em bởi nhóm đối tượng này thường chưa tự ý thức được cần rửa tay chân sạch sẽ.
Ảnh minh họa: Trẻ em có thể bị nhiễm virus khi chúng tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc chạm vào tay vào đồ chơi hoặc đồ vật đã dính virus rồi lại đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Dấu hiệu nhận biết
Virus Adeno có thể gây nhiều bệnh lý khác nhau gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Và mỗi bệnh lý sẽ có những dấu hiệu cảnh báo khác nhau.
- Viêm phế quản: Nếu virus Adeno gây ra tình trạng viêm phế quản, các dấu hiệu cảnh báo sớm thường sẽ là ho, sổ mũi, sốt cao, ớn lạnh.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Virus Adeno gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường có dấu hiệu là ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau họng và sưng hạch.
- Viêm thanh khí phế quản: Trẻ thường xuất hiện các dấu hiệu như ho khan, khó thở, âm thanh the thé khi thở
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ): Các dấu hiệu bao gồm: mắt đỏ, chảy dịch từ mắt, chảy nước mắt, cộm ở mắt, luôn cảm giác vật ở trong mắt.
- Viêm phổi: Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm phổi do virus Adeno gây ra bao gồm: sốt, ho, khó thở.
- Các bệnh về đường tiêu hóa: Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, nhức đầu, sốt, bị co thắt ở dạ dày.
- Viêm màng não và viêm não: Trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu như đau nhức đầu, sốt, cứng cổ, buồn nôn và nôn mửa.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Virus Adeno gây nhiễm trùng đường tiết niệu có thể khiến người bệnh cảm thấy nóng rát và đau khi đi tiểu, tiểu nhiều và tiểu ra máu.
Cha mẹ cần lưu ý đến con trẻ và khi nhận thấy con mình có một trong các dấu hiệu khác thường kể trên, hãy đưa con đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng ở trẻ để đưa trẻ đến viện kịp thời, tránh các biến chứng nặng. Các triệu chứng bao gồm:
- Khó thở.
- Sưng quanh vùng mắt.
- Sốt cao vài ngày không dứt.
- Khi trẻ có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như khóc không có nước mắt hoặc ít đi tiểu hơn.
Ảnh minh họa: Cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu bệnh trở nặng ở trẻ như kho thở, sốt cao không dứt,...
Điều trị và phòng ngừa bệnh thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh do virus Adeno gây ra. Vì vậy, điều trị bệnh do virus Adeno thường là điều trị triệu chứng.
Cha mẹ có thể thực hiện một số phương pháp sau để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Cho trẻ uống nhiều nước: Khi nhiễm bệnh, trẻ thường dễ bị mất nước do sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Vì vậy, cha mẹ nên cho con uống nước lọc hoặc nước trái cây thường xuyên để bổ sung nước cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể bù nước cho trẻ cách sử dụng các loại nước bù chất điện giải.
- Thông tắc đường thở: Cha mẹ nên cho trẻ xì mũi thường xuyên để loại bỏ chất nhầy trong đường thở của trẻ, giúp trẻ thấy dễ chịu hơn.
- Hạ sốt: Cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt được bác sĩ chỉ định để giảm đau nhức và hạ sốt.
Ngoài ra, để phòng ngừa trẻ bị lây nhiễm virus Adeno, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ như:
- Hạn chế để con tiếp xúc gần với những người nghi mắc virus Adeno.
- Cho trẻ rửa tay với xà phòng thường xuyên trong ngày, đặc biệt là trước các bữa ăn. Có thể sử dụng các loại nước rửa tay khô hoặc xịt khử khuẩn tay.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và làm sạch các bề mặt dễ bám vi khuẩn như bàn ghế, bồn rửa tay,... để loại bỏ vi khuẩn và vi trùng.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người để hạn chế lây nhiễm tối đa.
- Hãy cho con cách ly tại nhà nếu có các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh để tránh virus Adeno lây nhiễm sang người khác.
Nguồn: WebMD