Dấu hiệu nào nhận biết trẻ nghiện game? phụ huynh cần làm gì?

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 19/04/2022 18:50

Theo các chuyên gia về y tế, trẻ nghiện game không khó để phòng tránh, nhưng khi trẻ đã rơi vào ‘vòng xoáy’ game online thì rất khó để giáo dục tâm lý và hành vi.

addiction-recovery-ebulletin-kids-videogame-addiction.jpeg
Trẻ nghiện game có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm - Ảnh: Internet

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70 – 80% số trẻ em từ 10 -15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10-15%.

Rối loạn tâm lý

Tại Nghệ An, giữa tháng 6 vừa qua có một vụ án chấn động dư luận khi một nam sinh lớp 11 khai nhận đã “làm theo trò chơi điện tử” để bắt cóc em bé 5 tuổi gần nhà đem giấu trong rừng. Sự kiện trên đã dẫn đến cái chết thương tâm của bé.

Theo giáo viên chủ nhiệm của nam sinh này, nam sinh là người khá hòa đồng với bạn bè, không có biểu hiện là một học sinh cá biệt. Tuy nhiên, nam sinh được cho là có biểu hiện nghiện chơi trò chơi điện tử.

Trước đó, vào năm 2019, một thanh niên nghiện game, có những biểu hiện bất thường về tâm thần ở Thanh Hoá đã xông vào trường tiểu học dùng dao đâm cô giáo và một số học sinh khiến một em tử vong.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết hậu quả của việc nghiện internet có thể đưa đến tình trạng có những thay đổi tiêu cực về mặt cảm xúc như chán nản, cáu gắt, lo âu, căng thẳng…

Từ đó, nhiều rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Ngoài ra, sử dụng Internet liên tục, kéo dài còn có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

TS.BS Ngô Anh Vinh – Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện nhi Trung ương – cho biết nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe tinh thần của trẻ như: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất tập trung và giảm trí nhớ, mắc các bệnh lý về mắt, cơ xương khớp do cường độ làm việc lớn của đôi mắt và ngồi một tư thế quá lâu.

Đặc biệt, trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn hình thành nhân cách nên nghiện game có thể gây tác động xấu đến tương lai của trẻ.

Một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến trẻ có xu hướng hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.

"Mải mê chơi game khiến trẻ không còn thời gian chăm lo học hành, rèn luyện thể lực và sức khỏe, không quan tâm đến thế giới xung quanh, dẫn tới thiếu hụt kỹ năng sống. Thêm vào đó, trẻ nghiện game có nguy cơ cao hơn mắc các rối loạn tâm thần so với trẻ khác, như các rối loạn hành vi, rối loạn nhân cách, rối loạn sử dụng chất...", bác sĩ Vinh cho biết.

game.jpeg
Phụ huynh cần phát hiện sớm trẻ nghiện game để can thiệp kịp thời - Ảnh: Internet

Dấu hiệu nào nhận biết trẻ nghiện game?

Các bác sĩ cho biết, những dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ nghiện game online thường có các biểu hiện như sau:

- Trẻ thích ở một mình tại phòng/ khu vực riêng để chơi game.

- Game là thứ trẻ nghĩ đến và muốn làm đầu tiên sau khi thức dậy.

- Viện cớ để tránh phải tham gia một số hoạt động ngăn cản trẻ chơi game (đi dã ngoại cùng gia đình, đến nhà người thân,…).

- Chểnh mảng, thiếu kiên nhẫn trong những công việc, sinh hoạt thường ngày, nhưng có thể dành nhiều thời gian, công sức, hoặc tiền bạc vào việc chơi game.

- Thích trò chuyện về các chủ đề, khoe thành tích liên quan đến game; sử dụng thuật ngữ, tên gọi trong game ngay cả trong đời thường.

- Có biểu hiện của che giấu, dối trá liên quan đến những tác động xấu của game.

Nếu không được can thiệp kịp thời, nghiện game sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

Làm thế nào để ca thiệp kịp thời với trẻ nghiện game?

-  Thảo luận với con về hậu quả của nghiện game: Trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường nhạy cảm. Do đó, cha mẹ cần khéo léo trong việc lựa chọn thời điểm cũng như lời nói để con lắng nghe, thấu hiểu và tránh phản ứng chống đối. Ngoài ra, cha mẹ nên tìm kiếm những bài báo, tài liệu đáng tin cậy để minh chứng cho trẻ rằng chơi game online quá độ sẽ gây ra nhiều hậu quả cho chính bản thân trẻ.

Dành nhiều thời gian ở bên cạnh con: Khi ở bên cạnh con, cha mẹ có thể kiểm soát thời gian chơi game và hiểu hơn về tâm lý và mong muốn của trẻ. Qua đó giúp trẻ cảm nhận được tình cảm của cha mẹ, cũng như học hỏi từ những thói quen tốt của người lớn.

Tham gia vào các hoạt động thể chất: Cha mẹ nên cùng con tham gia các trò chơi ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như đá bóng, bơi lội, đánh cầu lông, đạp xe, chạy bộ,… Để con có hứng thú, cha mẹ và anh chị em trong nhà nên tham gia cùng trẻ.

Cho trẻ giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà: Cha mẹ có thể đề nghị con phụ giúp các công việc đơn giản như chăm sóc cây cối, thú nuôi hoặc nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa,… Khi con hoàn thành tốt, nên khen ngợi và có thể thưởng cho con những phần quà nhỏ. Điều này sẽ khích lệ trẻ duy trì các hành vi tích cực và quên dần đi cảm giác hứng thú, phấn khích khi chơi game online.

Khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu: Ngoài việc học trên trường, bố mẹ cũng cần khuyến khích con phát triển năng khiếu như thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công,… Các hoạt động này giúp trẻ phát triển năng khiếu của bản thân và có khoảng thời gian giải trí, vui chơi lành mạnh thay vì chìm đắm trong các trò chơi trực tuyến.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu nào nhận biết trẻ nghiện game? phụ huynh cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO