Theo ThS.BS Trần Văn Bé Bảy - Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Quốc tế City (TPHCM), dấu hiệu khớp gối bị đứt dây chằng gồm: sưng, đau khi ấn vào dây chằng, gập duỗi gối đau.
Đồng thời, hạn chế tầm vận động, đi đứng khó, có thể có tràn dịch khớp. Bên cạnh đó là các vận động bất thường khi khám so với bên đối diện (bên lành).
Các chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán khớp gối bị đứt dây chằng chính xác như chụp X-quang thường quy hoặc CT-scan (nếu không có gãy xương), siêu âm khớp có thể thấy dây chằng đứt và xác định có tràn dịch khớp.
Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ cho chẩn đoán chính xác nhất các dây chằng bị đứt, mức độ, vị trí. Chẩn đoán này còn cho biết tình trạng bao khớp, sụn chêm, tổn thương ở sụn khớp, tràn dịch khớp nhiều hay ít.
Về xử trí cấp cứu, bác sĩ Bảy cho hay, ngay sau chấn thương nên chườm lạnh để hạn chế sưng, phù nề, máu tụ trong khớp. Song song đó, băng thun, đai nẹp duỗi gối ở vùng khớp gối bị tổn thương. Các phương pháp điều trị hay phẫu thuật tùy mức độ tổn thương dây chằng.
Trong đó, phẫu thuật tái tạo dây chằng được nhiều nơi áp dụng khi tổn thương dây chằng chéo, nhiều nhất là dây chằng chéo trước. Dây chằng tái tạo được lấy từ các gân cơ mà khi lấy gân này không ảnh hưởng đến chức năng vận động cơ thể.
Bác sĩ Bảy khuyến cáo người bệnh nên luyện tập phục hồi chức năng để giúp các cơ gấp duỗi gối được khỏe hơn để tham gia giữ vững khớp gối.
Đứt dây chằng đầu gối là một trong những chấn thương thường gặp trong sinh hoạt, lao động, tập luyện. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể bị hạn chế cử động, teo cơ đùi, mất vững khớp gối, thoái hóa khớp gối…