Các kênh Telegram của Nga đã chia sẻ hình ảnh cho thấy một đoàn tàu chở xe tăng, với chữ "B" được sơn màu trắng trên tháp pháo xe tăng. Dấu hiệu tương tự cũng xuất hiện trên các xe bộ binh bọc thép được đưa lên tàu.
Theo Kyiv Post, hình ảnh mới được công bố dường như cho thấy Belarus đã chuyển giao thiết bị quân sự đến biên giới Ukraine.
Trước đó, giới chức Belarus xác nhận việc nước này tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực biên giới với Ukraine. Belarus nói rằng, đây là động thái nhằm đáp lại việc Ukraine triển khai khoảng 120.000 binh sĩ đến biên giới chung.
Đáng chú ý, lần đầu tiên các xe quân sự Belarus điều động đến đây, bao gồm cả xe tăng, đều có ký tự "B".
Cộng đồng mạng đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau liên quan đến ký tự B bí ẩn này. Có ý kiến cho rằng, "B" chỉ đơn thuần là ký tự viết tắt cho tên nước của Belarus.
Trong khi đó, những người theo thuyết âm mưu cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Belarus đang hỗ trợ Nga mở "mặt trận thứ hai" trong cuộc xung đột với Ukraine.
Một cách giải thích khác cho rằng chữ "B" cũng có thể là ký tự ngầm chỉ Wagner, lực lượng quân sự tư nhân từng tham gia chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Belarus hiện chưa bình luận về thông tin và những đồn đoán trên. Trước đó, quân đội nước này cho biết, việc điều động lực lượng nhằm đề phòng các mối đe dọa trực tiếp từ Ukraine. Quân đội Belarus được cho là có kế hoạch tập trận với những kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản ngăn chặn một cuộc đột kích từ Ukraine.
Ukraine lưu ý đến việc quân đội Belarus tập trung gần khu vực từng xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl. Kiev cảnh báo, bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào ở đây đều gây ra "mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ukraine".
Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố Ukraine "chưa bao giờ và không có ý định thực hiện bất kỳ hành động không thân thiện nào chống lại người dân Belarus". Kiev cũng kêu gọi các lực lượng vũ trang Belarus "tránh các hành động không thân thiện" và rút quân khỏi khu vực biên giới.
Belarus là đồng minh thân cận của Nga. Belarus đã cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ và 2 bên đã có các cuộc tập trận chung. Mặc dù vậy, Belarus đến nay vẫn không trực tiếp tham gia vào "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho rằng việc Belarus triển khai quân đến khu vực giáp biên giới với Ukraine có thể nhằm mục đích chuyển hướng quân đội Ukraine khỏi các mặt trận khác.
ISW đánh giá rằng nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko "rất khó có thể mạo hiểm chiến đấu với Ukraine, điều có thể làm suy yếu chính quyền của ông hoặc làm gia tăng đáng kể sự bất mãn trong nội bộ Belarus".
Cho đến nay, Belarus vẫn tránh trực tiếp tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng những động thái mới nhất của Belarus đã làm dấy lên lo ngại về việc quốc gia này muốn thay đổi cách tiếp cận của mình.