Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải theo quy định về đấu giá tài sản

Quang Tuyền| 18/04/2022 14:30

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải theo quy định pháp luật hiện hành về đấu giá tài sản.

Sáng 18/4, phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật và có ý kiến về một số nội dung.

Cụ thể, về quy định việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành với ý kiến không thống nhất với quy định của dự thảo luật và cho rằng việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về đấu giá tài sản.

Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải theo quy định về đấu giá tài sản - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Theo ông Huy, hiện nay, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định chung về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá, chi phí, đấu giá viên, tổ chức đấu giá đối với các loại tài sản, bao gồm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Nếu dự thảo Luật quy định một số nội dung về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá, thì có thể tạo ra 2 cơ chế pháp lý về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Đó là theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, quy định như dự luật sẽ dẫn đến khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì đối tượng chịu sự tác động của văn bản sẽ không biết phải áp dụng theo quy định pháp luật nào.

Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị hoàn thiện theo hướng: Việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép nắm giữ, sử dụng để tránh trường hợp xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Quy định này cũng tương tự như quy định của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên giới hạn độ rộng băng tần vì có thể ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong lựa chọn nhà mạng.

Về các phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với quy định của dự thảo Luật là tiếp tục kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đưa ra các phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, bao gồm: cấp giấy phép trực tiếp; thông qua thi tuyển và đấu giá.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng việc quy định như dự thảo Luật là không rõ ràng, không quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện làm cơ sở cho Thủ tướng xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, để có thêm cơ sở quy định hình thức cấp phép phù hợp thông qua phương thức đấu giá hoặc thi tuyển, đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá cụ thể về nguồn thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện trong vòng 10 năm qua; đồng thời nghiên cứu quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển.

Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị kế thừa quy định của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Tuy nhiên, cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn để vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay và sự phát triển lành mạnh về thị trường kinh doanh thông tin di động, khắc phục bất cập như Luật hiện hành, tuy có quy định về đấu giá nhưng không thực hiện được.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về việc thu phí, lệ phí, tiền sử dụng tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị bổ sung quy định việc quản lý, sử dụng tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện vào dự luật và sửa đổi tên Điều 31 cho phù hợp với nội dung của điều luật.

Về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm tra đề nghị trong giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội vào trong dự luật.

Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải theo quy định về đấu giá tài sản - 2

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dự thảo Luật bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo với 5 nhóm nội dung.

Cụ thể, nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm, trong đó có quy định giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép để tránh độc quyền, tránh tích tụ băng tần.

Tại nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số, dự thảo luật bổ sung quy định về các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; giao Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Đồng thời, sửa đổi quy định về cơ sở xác định mức thu phí sử dụng tần số để làm rõ nội hàm của phí không căn cứ vào giá trị kinh tế của phổ tần.

Cùng với đó, Luật sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, trong đó giao các cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện đào tạo theo quy định của Chính phủ thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ, Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò quản lý, giám sát.

Ngoài ra, dự thảo Luật tập trung vào nhóm nội dung về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Đồng thời, sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các luật  liên quan.

Quang Tuyền

Theo vtc.vn
https://vtc.vn//dau-gia-quyen-su-dung-tan-so-vo-tuyen-dien-phai-theo-quy-dinh-ve-dau-gia-tai-san-ar671748.html
Copy Link
https://vtc.vn//dau-gia-quyen-su-dung-tan-so-vo-tuyen-dien-phai-theo-quy-dinh-ve-dau-gia-tai-san-ar671748.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải theo quy định về đấu giá tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO