Đau đùi trái nhiều ngày, cụ ông bị giun lươn làm ổ ở đùi và phổi

Ngọc Hân| 10/10/2020 22:31

Việt BáoTS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, bệnh viện đang điều trị cho cụ ông 73 tuôi bị giun lươn làm ổ ở đùi và phổi.

Cụ ông quê Long An, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy nhược cơ thể, thường xuyên sưng, đau đùi trái không rõ nguyên nhân.

Trước đó, cụ ông từng đến nhiều bệnh viện để điều trị với kháng sinh nhưng tình trạng không giảm. Điều này khiến khối áp-xe ở đùi người bệnh ngày càng lớn.

Bác sĩ Hùng cho biết, khi khám, các bác sĩ không ghi nhận tổn thương trên da cũng như các triệu chứng bất thường về hô hấp, tiêu hóa. Tuy nhiên, qua phim chụp, các bác sĩ phát hiện khối áp-xe tại đùi trái và màng phổi phải của bệnh nhân. "Các tổn thương này do giun lươn đi lạc chỗ và làm tổ", bác sĩ Hùng nói.

Hình ảnh giun lươn làm ổ trong cơ thể người. Ảnh minh họa.

Người bệnh được chẩn đoán viêm mô tế bào đùi trái áp-xe hóa, tràn dịch phổi do ấu trùng giun lươn lạc chỗ. Các bác sĩ cho người bệnh điều trị nội khoa tích cực, sử dụng thuốc kháng ký sinh trùng. Hiện, sức khỏe người bệnh đã hồi phục, các tổn thương cải thiện tốt.

Bác sĩ Hùng cho biết, thông thường, giun lươn trưởng thành ký sinh trong niêm mạc ruột non và đẻ trứng. Khi bị ruột non đào thải ra môi trường bên ngoài, ấu trùng giun lươn phát triển và tiếp tục xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, chúng có thể làm tổ, ký sinh trong thực quản, phổi và một số cơ quan khác. Trường hợp của cụ ông là là ca bệnh hiếm gặp.

Theo bác sĩ Hùng, giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa. Loại ký sinh trùng này có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp.

Người bị nhiễm giun lươn có diễn biến chậm, triệu chứng đa dạng dễ nhầm lẫn, thường ở thể nhẹ và các xét nghiệm chẩn đoán còn hạn chế. Để tránh nguy cơ bị bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ăn chín, uống sôi, khi làm việc hoặc tiếp xúc với vùng đất phơi nhiễm phân người cần phải mang dụng cụ bảo hộ lao động.

Bác sĩ Hùng khuyến cáo, khi thấy xuất hiện thường xuyên các triệu chứng như mệt mỏi, ăn kém, ăn vào hay nôn, đi ngoài phân lỏng, người dân nên đến các cơ sở y tế thăm khám và nghĩ đến khả năng bị nhiễm ký sinh trùng giun lươn.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đau đùi trái nhiều ngày, cụ ông bị giun lươn làm ổ ở đùi và phổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO