Zidane đánh đầu vào lưới…Việt Nam
Năm 1998, khi xem France ’98, nhiều người Việt Nam không khỏi bất ngờ khi biết toàn bộ lưới cần môn tại giải được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam và do một Công ty Việt Nam cung cấp.
Người ‘đem Việt Nam đến World Cup’ lần đó chính là công Cao Văn Phú Guy – Giám đốc Công ty lưới thể thao Technet tại TP. HCM. Ông Guy theo gia đình sang Pháp sinh sống năm 1978, từng học và làm việc trong ngành lái tàu tại Pháp gần 10 năm. Năm 1986, ông trở về nước sinh sống và làm ăn.
Nhận thấy ngư dân ở các vùng biển luôn vất vả với việc đan, mua lưới đánh cá, ông nảy ra ý tưởng sản xuất các loại lưới, với máy móc và nguyên liệu tốt nhập từ Pháp. Nhờ kỹ thuật tốt, sản phẩm của ông bán khắp các vùng biển và xuất khẩu. Từ thói quen chơi thể thao, ông lại tìm thấy cơ hội khi thấy các loại lưới quần vợt, bóng đá sản xuất trong nước kém chất lượng. Ông mạnh dạn thiết kế và sản xuất thêm lưới thể thao.
Khi France 98 diễn ra, nhờ từng sống tại Pháp, ông tìm đến chào hàng và bất ngờ được Ban tổ chức World Cup 98 ký hợp đồng cung cấp toàn bộ lưới khung thành. Thời điểm đó, rất ít người mành lưới của của thủ môn Claudio Taffarel (Brazil) rung lên trong trận chung kết France 98 sau cú đánh đầu của Zidane, có bàn tay của những người thợ Việt Nam.
Từ đây, ông Guy mạnh dạn tiếp thị sản phẩm và lưới bóng đá của Việt Nam tiếp tục được sử dụng tại nhiều trận đấu thuộc vòng loại World Cup 2002. Các giải bóng đá Serie A (Ý) và La Liga (Tây Ban Nha) cũng sử dụng lưới cầu môn sản xuất tại Việt Nam.
Người Việt đầu tiên đá vòng loại World Cup
Việt Nam từng tham gia nhiều vòng loại World Cup nhưng í tai biết người Việt đầu tiên trong lịch sử đá một trận vòng loại giải đấu này là Guy Văn Sâm.
Guy Văn Sâm sinh năm 1935, có cha là người Việt Nam còn mẹ người Lebanon. Ông được sinh ra tại thủ đô Beyruth và sau đó sang Pháp sinh sống. Tuy chỉ cao 1m72 nhưng Văn Sâm lại có tài bóng đá vượt trội trong 3 anh em.
Từ đội bóng địa phương, tài năng của Văn Sâm được HLV Mirouze của CLB hàng đầu Pháp là Montpellier tuyển lựa và ký hợp đồng chuyên nghiệp có thời hạn 2 năm (1958-1960). Lúc đó, Văn Sâm vừa theo học ngành Luật vừa đá bóng.
Ngay mùa đâu tiên, chàng trai gốc Việt đã ghi đến 22 bàn thắng cho Montpellier. Mùa sau, ông trở thành vua phá lưới của đội với 25 bàn thắng. Nhờ thành tích này, ông được ĐT Pháp (đội B) triệu tập đá giao hữu vời CH Ireland năm 1960. Ông trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên và cũng là của CLB Montpellier (khi đó đang đá ở giải Ligue 2) khoác áo ĐTQG Pháp.
Với 47 bàn thắng sau 73 trận thi đấu cho Montpellier, Văn Sâm chuyển sang khoác áo Racing Paris thi đấu ở Ligue 1 và giúp đội này hai lần giành ngôi Á quân (1961, 1962). Nhờ đó ông được gọi vào đội tuyển Pháp thi đấu Vòng loại World Cup 1962. Trong 5 mùa bóng chơi cho Racing Paris (1960-1965), Văn Sâm ghi được 61 bàn trong 122 trận.
Theo tư liệu, ông có 3 trận khoác áo tuyển Pháp, trận đầu tiên là giao hữu gặp Bỉ ngày 18/10./1961 (thắng 3-0), trận thứ 2 giao hữu gặp TBN năm 1961 (hòa 1-1). Trận thứ 3 chính là trận thắng Bulgaria 1-0 năm 1961, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 1962.
Bàn tay Việt ở 2 sân vận động đẹp nhất World Cup 2022
Kể từ khi nhận quyền đăng cai World Cup 2022 của FIFA năm 2010, Qatar đã bỏ ra hơn 200 tỷ USD để phục vụ công tác tổ chức. Phần quan trọng nhất chính là xây dựng mới 8 sân vận động. Là đất nước giàu có, Qatar cũng tỏ ra ‘chịu chơi’ khi các sân đều xây dựng theo tiêu chuẩn ‘5 sao’ của FIFA. Trong đó, chỉ riêng hệ thống làm lạnh để xua tan cái nóng đặc trưng của vùng Tây Á có thể lên đến 48 độ vào ban ngày, đảm bảo cho các cầu thủ không bị kiệt sức khi thi đấu, đã là một thách thức về kỹ thuật và chi phí.
Nếu như người Hàn, Nhật Bản tự hào vì các thương hiệu điện tử của mình chạy dài các bảng quảng cáo quanh sân thì tại World Cup 2022, người Việt cũng có thể tự hào khi một doanh nghiệp trong nước góp công lớn trong việc hoàn thiện 2/8 sân thi đấu của giải đấu.
Sân Lusail Iconic với cảm hứng thiết kế từ chiếc chén và hoa văn đặc trưng Trung Đông, là sân lớn nhất của Qatar với sức chứa hơn 80.000 chỗ, là công trình mang tính biểu tượng của nước chủ nhà. Toàn bộ mặt ngoài của sân được…dát vàng. Sân được thiết kế bởi công ty Foster + Partners & Populous của Anh với toàn bệ hệ thống hoạt động và chiếu sáng đều sử dụng năng lượng mặt trời.
Để đảm bảo cho tiêu chí này, phần kết cấu thép khung đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ban đầu, phần sản xuất kết cấu thép này do một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhận. Tuy nhiên, khi vận chuyển sang Qatar để lắp ráp lại không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà thầu. Qatar quyết định…loại bỏ và tìm kiếm các đối tác khác từ Trung Quốc, Việt Nam v..v.
Sau cùng, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (DDC) của Việt Nam được nhà thầu và nước chủ nhà ‘chọn mặt gửi vàng’. Đây là lần đầu tiên một DN Việt Nam tham gia vào xây dựng một công trình tầm cỡ quốc tế tổ chức World Cup. Thách thức với DN Việt Nam lúc này là không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mà còn đảm bảo tiến độ hoàn thành cho World Cup.
Với vai trò là nhà sản xuất, cung ứng kết cấu thép, DDC đã vẽ thiết kế kỹ thuật SHOP để đưa vào sản xuất khung thép, sao cho khớp với thiết kế kỹ thuật của nhà thầu chính. Sau khi sản xuất thành công, toàn bộ khung phải lắp ráp thử để kiểm tra rồi…tháo ra, đóng gói vận chuyển sang Qatar.
Tổng trọng lượng khung thép mà DDC sản xuất lên đến 6000 tấn, chiếm 1/3 tổng trọng lượng của sân Lusail Iconic. Chỉ riêng việc vận chuyển sang Qatar khối thép khổng lồ này đã là một kỳ công. Qúa trình lắp ráp khung hoàn tất với độ chính xác cao khiến nhà thầu chính và nước chủ nhà cực kỳ hài lòng. Sân Lusail Iconic sẽ tổ chức 10 trận đấu tại World Cup 2022, trong đó có trận chung kết.
Lúc này, việc xây mới sân Ras Abu Aboud cũng đang được tiến hành. Ấn tượng với năng lực của DN Việt Nam, nhà thầu và chủ đầu tư quyết định giao tiếp phần cung ứng, sản xuất khung thép của sân này cho DDC thực hiện.
Khác với Lusail Iconic, sân Ras Abu Aboud lại được thiết kế theo tiêu chí kiến trúc thân thiện, giảm thiểu bê-tông và vật liệu. Mục tiêu của Qatar là sân có thể tháo dỡ sau khi kết thúc World Cup. Toàn bộ ghế khán giả sẽ được tháo ra tặng cho các sân vận động ở những nước châu Phi nghèo khó. Giải pháp khác là tặng lại cho Uruguay nếu nước này giành quyền đăng cai World Cup 2030.
Nhà thiết kế Fenwick Iribarren Architects đã sáng tạo bằng cách đưa ra giải pháp xây dựng theo phương pháp ghép Module. Phần tạo hình sử dụng 974 chiếc vỏ Container đã qua sử dụng để lắp ghép trong một kết cấu thép nặng đến 28.000 tấn. Những chiếc Container này sẽ sử dụng làm phòng chức năng, khu vực khán đài v.v.
Sân Ras Abu Aboud là một sáng tạo độc đáo khi trở thành sân vận động đầu tiên được xây dựng từ những chiếc Container cũ, đáp ứng hoàn toàn tiêu chí ‘kiến trúc xanh’, thân thiện với môi trường và chi phí thấp. Sân như một khối lego khổng lồ có thể tháo lắp dễ dàng.
Với những tiêu chí trên, DDC phải lập phương án triển khai sao cho đảm bảo đúng các tiêu chuẩn sản xuất và thiết kế kỹ thuật từ nhà thầu. Trong đó, các công đoạn xử ký thô, khoan, đục lỗ, hàn và lắp ráp phải thực hiện kỹ lưỡng và chính xác tuyệt đối để đảm bảo có thể tháo lắp như trò chơi lego. Các khâu mài vệ sinh, phun sơn, đóng kiện để vận chuyển sang Qatar cũng phải tuân thủ tiêu chuẩn ngặt nghèo. Tất cả được thực hiện và chuyển giao đúng tiến độ cho Qatar.
Sân Ras Abu Aboud khánh thành vào ngày 30/11/2021 bằng trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch các quốc gia Ả Rập giữa UAE – Syria. Sân sau đó được đổi tên thành 974, lấy ý tưởng là số chiếc Container được sử dụng và cũng là mã vùng điện thoại quốc tế của Qatar. Sân 974 sẽ tổ chức 7 trận của World Cup 2022 với 6 trận vòng loại và 1 trận vòng 1/16.
Lusail Iconic và 974 là hai sân vận động đẹp nhất và tiêu biểu nhất, mang đầy đủ khát vọng của Qatar tại World Cup 2022. Bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể góp mặt tại một kỳ World Cup nhưng có thể tự hào khi có bàn tay người Việt tham gia kiến tạo bộ mặt của giải đấu này.