Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ

26/04/2023 09:20
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Khi dịch Covid-19 phức tạp, nhiều tình huống chưa có trong luật đã được Quốc hội chủ động giao quyền cho Chính phủ. Quyết sách ấy tạo đột phá, giúp Việt Nam "đi sau về trước" trong chống dịch.

Với tinh thần chủ động đổi mới, vào cuộc từ sớm - từ xa, việc xây dựng luật và ban hành các quyết sách quan trọng, chưa từng có tiền lệ, được Quốc hội khóa XV thực hiện quyết liệt hơn bao giờ hết. Ngay khi vừa được bầu và thực hiện nghi thức tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về một Quốc hội đổi mới, luôn chủ động từ sớm, từ xa, chấm dứt tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người".

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 1

Trao đổi với PV Báo Dân trí, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động, nhạy bén của Quốc hội trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những biến động "chưa từng có tiền lệ".

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV ngay từ đầu đã xác định hướng đi chủ động, từ sớm, từ xa và đồng hành cùng Chính phủ. Chính phủ cũng nỗ lực, chủ động thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, quán triệt tinh thần trách nhiệm của từng bộ, ngành và từng thành viên Chính phủ. Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc trực tiếp tham gia trả lời ý kiến của cử tri hay chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 3

Trong công tác xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận Quốc hội không chỉ giữ vai trò thẩm định, mà còn chủ động tham gia vào quá trình nghiên cứu, tham vấn, từ tổng kết đánh giá thực tiễn cho đến khâu kiến tạo, phát triển. "Những đổi mới ngay đầu nhiệm kỳ khóa XV đã tạo nên dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ với tinh thần từ sớm, từ xa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có những tình huống đột xuất, cấp bách vì chưa quy định trong luật nên chưa có cơ chế giải quyết. Vì thế, Quốc hội đã chủ động giao quyền cho Chính phủ, để Chính phủ linh hoạt quyết định giải pháp chống dịch. Quyết sách này đã tạo bước đột phá, giúp Việt Nam chuyển hướng từ bị động, lúng túng sang chủ động, linh hoạt, "đi sau về trước" trong phòng chống dịch. "Đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự nhạy bén, chủ động, linh hoạt của Quốc hội", theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Không chỉ có vậy, nhận thấy nền kinh tế bị tổn thương nặng nề sau chuỗi tác động tiêu cực của đại dịch, Quốc hội đã nhiều lần tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia kinh tế, đối thoại lắng nghe doanh nghiệp… để cùng bàn giải pháp khôi phục. Tinh thần cầu thị, sự lắng nghe của Quốc hội để cùng Chính phủ đưa ra giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế trong một bối cảnh đầy khó khăn như giai đoạn đại dịch, cũng là một dấu ấn đáng nhớ.

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 5

Từ góc độ của một thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng sự chủ động, đồng hành của Quốc hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ và các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

Phân tích cơ chế phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ ở một góc nhìn bao quát hơn, Phó Thủ tướng cho rằng dù có nhiệm vụ, chức năng tương đối độc lập, song Quốc hội và Chính phủ lại có sự phối hợp rất nhịp nhàng, nhuần nhuyễn theo tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Hiến pháp 2013 phân định rõ phạm vi chính sách và các vấn đề quan trọng do Quốc hội và Chính phủ quyết định trong một số lĩnh vực, như Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia… Còn Chính phủ có thẩm quyền ban hành chính sách cụ thể, biện pháp để quản lý, điều hành các lĩnh vực…

Ngoài ra, một nguyên tắc quan trọng được đề cập trong Hiến pháp là "Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao cơ chế trao đổi thường xuyên giữa Quốc hội và Chính phủ. Ông cho biết trước mỗi kỳ họp, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ luôn cùng trao đổi về các chương trình, nội dung kế hoạch để đưa ra những định hướng lớn. Với các vấn đề khó sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.

Để dẫn chứng cho sự phối hợp từ sớm, từ xa của Quốc hội và Chính phủ, Phó Thủ tướng dẫn chứng việc tổng kết và xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.

Ông cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc cùng các ủy ban của Quốc hội đã chủ động xuống Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2021 để trao đổi định hướng tổng kết, sửa đổi luật. Xác định tầm quan trọng của dự án luật này, Quốc hội đã huy động tất cả các ủy ban và Hội đồng Dân tộc cùng tham gia thẩm định, nghiên cứu và góp ý chính sách.

"Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, việc thể chế hóa các nghị quyết của Đảng đã được Quốc hội và Chính phủ phối hợp kịp thời, hài hòa, vì mục tiêu chung là phụng sự nhân dân. Đây là một cơ chế phối hợp hiệu quả, cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 7

Ngoài công tác lập pháp, việc lắng nghe để nghiên cứu, bàn thảo, đưa ra các quyết sách lớn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng được Quốc hội đặc biệt chú trọng trong nhiệm kỳ này.

Với đặc thù của một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam chịu nhiều tác động trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường. Dù vậy, chủ trương của Đảng nhấn mạnh việc củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu.

Bởi vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có nhiều cuộc làm việc, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân ở trong nước và nước ngoài để lắng nghe các ý kiến, cùng tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội để nghe tham luận về tổng quan và triển vọng phát triển của nền kinh tế.

Cũng tại buổi tọa đàm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo về việc mở lại Diễn đàn kinh tế thường niên sau thời gian dài gián đoạn bởi dịch Covid-19.

Việc này nhằm phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp của đại biểu Quốc hội các khóa, của người dân và cử tri, cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời tập hợp hình thành và khai thác mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học… để hỗ trợ cho Quốc hội nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng quốc gia.

Bối cảnh năm 2021, khi cả nước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội do dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ và tổn thất nặng nề, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế quý III/2021 giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam chính thức công bố số liệu GDP với âm 6,02%, kéo theo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 chỉ còn 2,58% - thấp nhất trong nhiều năm qua.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc chủ động, tích cực của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hàng loạt giải pháp nhanh chóng được đưa ra để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, cuối năm 2021, kinh tế trong nước phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022, đặc biệt GDP quý III/2022 tăng 13,67%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kiểm soát được lạm phát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 9

Từ góc độ lãnh đạo địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên), ghi nhận ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV, trước những diễn biến hết sức phức tạp và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, Quốc hội đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với sự đổi mới quyết liệt trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, với phương châm "vừa chống dịch vừa phải phát triển kinh tế", Bí thư Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ đầu nhiệm kỳ đã dành rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho các cuộc làm việc, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân ở trong nước và nước ngoài.

Những cam kết của lãnh đạo Quốc hội đã khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm khi quyết định đầu tư ở Việt Nam. Điển hình, một số tập đoàn lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc vừa qua đã quyết định đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Thái Nguyên.

"Trên nóng, ở dưới chúng tôi cũng phải nóng. Tinh thần của Quốc hội đã lan tỏa tới các địa phương. Với Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh cũng có nhiều cuộc đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp dưới nhiều hình thức nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin và điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh", bà Hải chia sẻ. Nữ Bí thư nhấn mạnh sự nhạy bén, chủ động, cầu thị, lắng nghe của Quốc hội đã giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư.

Một việc nữa mà Bí thư Thái Nguyên rất tâm đắc, đó là nhiệm kỳ này của Quốc hội đã đặc biệt quan tâm tới công tác dân nguyện. Theo bà Hải, dân nguyện chính là nguyện vọng và mong chờ của người dân với Quốc hội. Trước kia báo cáo dân nguyện chỉ được xem xét 2 lần/năm tại 2 kỳ họp Quốc hội thì nay, nội dung này được xem xét hàng tháng, tại mỗi phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Kiến nghị của cử tri được tập hợp kịp thời, xử lý có hiệu quả", bà Hải đánh giá và lấy dẫn chứng việc cụ Nguyễn Thị Mùi ở Thái Nguyên 43 năm ròng rã đi kiến nghị các cơ quan công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho con trai là ông Trần Đình Thi.

Chỉ đến khi kiến nghị này được gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chuyển đơn lên Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Ban Dân nguyện sau đó tham mưu đưa vụ việc này vào diện giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chương trình giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và yêu cầu khẩn trương xử lý. Cuối cùng, hành trình 43 năm ấy khép lại bằng kết thúc có hậu khi Thủ tướng quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trần Đình Thi.

Đánh giá một cách khái quát, Bí thư Nguyễn Thanh Hải nêu rõ cảm nhận về hình ảnh của một Quốc hội chủ động, tận tụy, trách nhiệm, đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân, doanh nghiệp và đất nước.

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 11

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nhắc lại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt và đánh giá cao sự chủ động của Quốc hội trong việc này.

Theo ông Túc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vốn là một nhà kinh tế, từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng phục trách kinh tế… "Một người thạo về kinh tế như vậy nên ông ngay lập tức nhìn ra những vấn đề của nền kinh tế, những bức xúc cần giải quyết và cái máu của người làm kinh tế thúc giục ông phải giải quyết được những vấn đề đó để phục hồi, thúc đẩy kinh tế phát triển", theo lời ông Túc.

Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu rất quan trọng trong những hoàn cảnh đặc biệt, ông Túc cho rằng nhờ sự nhạy bén, năng động mà Quốc hội đã tháo gỡ nhiều khó khăn, góp phần vào kết quả tăng trưởng ấn tượng trong đại dịch của Việt Nam.

Nhìn nhận từ góc độ của doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ), đánh giá cao những quyết sách quan trọng được Quốc hội đưa ra trong giai đoạn lịch sử vừa qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, chi ra nguồn tiền lớn để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Đó là những liều thuốc hữu hiệu giúp nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn đại dịch đầy khó khăn, cũng chính là thuốc tăng lực cho các doanh nghiệp sau gần 3 năm hao hụt vì Covid-19", ông Thân nói.

Ông đánh giá hoạt động phối hợp của Quốc hội và Chính phủ rất ăn khớp, uyển chuyển, bắt nhịp nhanh với thời cuộc khi Quốc hội chủ động mở đường bằng các quyết sách quan trọng, Chính phủ quyết liệt thực hiện để tháo gỡ nhanh mọi vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 13

Nhìn nhận vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, đại biểu Thân cho rằng Chủ tịch Quốc hội là người từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng như Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế… nên ông hiểu rất rõ bối cảnh kinh tế, xã hội lúc bấy giờ. Và với một tinh thần chủ động, cầu thị, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp và cả góp ý của các chuyên gia kinh tế, với mong muốn sớm vực dậy nền kinh tế đóng băng do đại dịch. Việc cầu thị lắng nghe giúp Chủ tịch Quốc hội có những chỉ đạo điều hành rất sát thực tế.

"Có thể thấy rõ tính chủ động, dự báo của Quốc hội khóa XV được phát huy mạnh mẽ. Nếu như trước kia nhiều vấn đề bị chậm vì chúng ta phải chạy theo giải quyết vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, thì nay Quốc hội đã dự báo được những thách thức đó để chủ động chuẩn bị ứng phó từ sớm, từ xa", ông Thân nhận định.

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 15

Không chỉ công tác xây dựng luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, "đặc sản" chất vấn - trả lời chất vấn, một hình thức của hoạt động giám sát ở Quốc hội, cũng là nội dung luôn được cử tri mong chờ.

Nhưng nay, không phải chờ đến các kỳ họp Quốc hội, mà tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 kỳ họp, việc chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành cũng diễn ra sôi động, kịch tính không kém chất vấn ở kỳ họp.

Tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 16/3/2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành trọn một ngày để chất vấn về lĩnh vực công thương và tài nguyên - môi trường với phần đăng đàn của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà.

Ở thời điểm đó, đây là hai lĩnh vực đang "nóng", được đánh giá có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân. Chỉ trong một ngày, có tới 80 đại biểu đăng ký chất vấn, 48 lượt đại biểu chất vấn và 10 lượt đại biểu tranh luận liên quan đến 2 lĩnh vực công thương; tài nguyên và môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi ấy đánh giá đây là tiền đề quan trọng để có niềm tin vào sự đổi mới mạnh mẽ hoạt động giám sát của Quốc hội và có những kinh nghiệm vững chắc để tiếp tục tổ chức các phiên chất vấn ở các kỳ họp tiếp theo.

Tiếp đó, vào thời điểm tháng 8/2022, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chọn đúng và trúng vấn đề nóng để chất vấn, dành cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Phần chất vấn của Bộ trưởng Công an khi đó đã phần nào giải tỏa được "cơn nóng" liên quan đến những thông tin hộ chiếu không có nơi sinh của Việt Nam không được chấp nhận ở một số quốc gia. "85 đại biểu Quốc hội đăng ký, 45 lượt đại biểu chất vấn và 20 lượt đại biểu tranh luận liên quan đến 2 lĩnh vực" là thống kê được đưa ra sau một ngày chất vấn.

Gần đây nhất, vào 20/3, phiên chất vấn có sự đăng đàn của người đứng đầu hai cơ quan tư pháp là Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Tinh thần chất vấn đến cùng thể hiện rõ nét khi nhiều đại biểu quyết tâm đeo đuổi, giám sát vấn đề mình từng đặt ra. Điển hình như các đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị với những chất vấn liên quan đến vụ án gỗ trắc, khiến ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, phải thống kê lại "đại biểu đã 9 lần chất vấn tôi về vấn đề này". Dù vậy, đại biểu đoàn Quảng Trị khẳng định việc mình chất vấn đề 9 lần là do "chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng".

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong thời gian giữa hai kỳ họp, các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội; giảm bớt những vấn đề cần chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.

Tại cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội hôm 7/2,  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm "chất vấn không phải là cuộc thi hay sát hạch, đánh đố các bộ trưởng, trưởng ngành, mà là cùng nhau làm sáng tỏ các vấn đề để giải quyết được yêu cầu thực tiễn đặt ra".

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao thông qua nhiều hình thức, song TS Bùi Ngọc Thanh (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), cho rằng hình thức chất vấn thường có tác động lớn, mang lại hiệu quả rõ nét vì trách nhiệm trong mỗi lĩnh vực chất vấn gắn với trách nhiệm cá nhân của thành viên chính phủ.

Đặc biệt, ông Thanh ghi nhận việc từ nhiệm kỳ khóa XV, sau mỗi lần chất vấn và trả lời chất vấn ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ban hành nghị quyết về chất vấn. Đây là điểm mới có ý nghĩa quan trọng trong việc giám sát các thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa của mình.

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 17

"Với việc ban hành nghị quyết sau chất vấn, tính ràng buộc trách nhiệm rõ ràng cao hơn. Sẽ không có tình trạng xong phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ có thể thở phào, bởi vì nghị quyết của Quốc hội sẽ giám sát trách nhiệm của họ và sẽ truy đến cùng xem vấn đề đó đã được giải quyết ra sao", nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Các phiên chất vấn, trả lời chất vấn ở kỳ họp Quốc hội và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo ông Thanh, đã được nâng cao nhiều về mặt chất lượng khi các đại biểu hỏi đúng và trúng, còn bộ trưởng, trưởng ngành cũng không thể vòng vo, né tránh do Quốc hội đã có cơ chế cho đại biểu tranh luận đến cùng nếu chưa thỏa mãn với phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.

Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ - 19

Nội dung: Hoài Thu
Thiết kế: Tuấn Huy

26/04/2023

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn về một Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO