Dấu ấn của vị trưởng ban phòng chống lụt bão

27/09/2022 12:33

LTS. Đang lúc có nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm bàn về việc cần tiếp tục thay đổi, điều chỉnh cách nghĩ, cách làm nông nghiệp nhằm phát huy cao hơn nữa vai trò vô cùng quan trọng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế nước nhà từ nay đến 2030 và xa hơn nữa, xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của TS. Tô Văn Trường về một vị cựu Bộ trưởng Nông nghiệp được xem là có tầm nhìn và sâu sát thực tiễn lĩnh vực được giao phụ trách.

Nhiều người biết và đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ là Bộ trưởng của nông dân nhưng ít người để ý ông đã để lại nhiều dấu ấn đúng một thập niên khi làm nhiệm vụ Trưởng ban phòng chống lụt bão Trung ương.

Ông Lê Huy Ngọ làm nông nghiệp tại Vĩnh Phú (nay đã tách thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Từ cán bộ khuyến nông đến Giám đốc Sở Nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư tỉnh ủy. Trong đó, có thời gian làm việc dưới quyền Bí thư Kim Ngọc nên chịu ảnh hưởng của tư duy đổi mới sớm.

ea78438f-1276-4549-8b3a-7cad385055e2.jpg
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Thắng Quang/Zing

Ông Ngọ còn làm Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa rồi Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho đến khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ông đảm nhận vị trí này từ 1997 đến 2004.

Khi là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), có thể nói ông đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban phòng chống lụt bão ngay sau khi thành lập Bộ mới trên cơ sở hợp nhất ba Bộ là Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Thuỷ lợi và Bộ Lâm nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội khoá IX tại kỳ họp thứ 8, tháng 10.1995.

Quản lý một bộ đa ngành, lại không am hiểu nhiều về những vấn đề thiên tai nên ông giành khá nhiều thời gian để tham khảo tài liệu, thâm nhập thực tế, sử dụng chuyên gia… Trong thời kỳ ông làm việc, phương châm “4 tại chỗ” được hình thành và còn hiệu quả đến ngày nay. Ngoài ra, không thể không nhắc đến đóng góp của ông trong hình thành và phát triển giống cây trồng nông lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản…

Tư duy tầm nhìn

Nhớ lại, ngay từ thập niên 90, nhiều nhà khoa học và hoạch định chính sách càng lo lắng với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu và khu vực có xu thế ngày càng bất lợi như nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao tác động xấu đến giống cây trồng… đặc biệt ở Việt Nam sẽ càng làm cho tình trạng cung cấp lương thực trên toàn cầu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Trong nhiều cuộc họp, ông Lê Huy Ngọ với cương vị Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương đã thể hiện tư duy và tầm nhìn rất logic và khoa học là về danh nghĩa gọi là chống lụt bão nhưng thực chất chúng ta phải phòng tránh lụt bão.

05ae5f36-7f10-4cfa-8821-2a0eaa8df73f.jpg
Ông Lê Huy Ngọ cùng Bí thư, Chủ tịch tỉnh An Giang đang đi khảo sát thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Tác giả bài viết này bên trái Chủ tịch nước.

Trước sức mạnh của thiên nhiên, và sức người có hạn, cuộc sống đòi hỏi con người phải biết thích nghi theo điều kiện tự nhiên của từng vùng để có chiến lược phát triển nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Ông chỉ đạo làm gì cũng phải nghĩ đến dân và dựa trên cơ sở khoa học và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không thể như ngày xưa cứ có lỗi gì thì đổ cho ĐQPK (đế quốc phong kiến) và ngày nay do BĐKH (biến đổi khí hậu).! Đây cũng có thể coi là xuất phát điểm của chủ trương thích ứng với BĐKH hiện nay.

Ông thường nhắc nhở thiên tai, trong đó do nước luôn là hiểm họa lớn nhất đối với con người “thủy, hỏa, đạo, tặc” cho nên phải chú trong đến bài toán quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông một cách khôn ngoan và khoa học. Ông luôn nhớ đến người nông dân là tầng lớp nghèo khổ nhất trong xã hội làm ra được chút của cải, nếu chúng ta không biết giúp dân có kiến thức và các biện pháp phòng tránh thiên tai thì không những sẽ mất hết thành quả lao động mà còn thiệt hại cả về tính mạng con người.

Ông quan tâm chỉ đạo đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại hóa đa mục tiêu, đồng bộ từ đầu mối đến nội đồng phục vụ sản xuất hàng hóa, chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, từng bước thích ứng với BĐKH, nước biển dâng. Các hệ thống cống kiểm soát mặn, giữ ngọt, kênh thoát lũ tại ĐBSCL được đầu tư xây dựng nhiều nhất trong giai đoạn của ông làm Bộ trưởng.

Thiên tai, nhất là bão lũ đối với Việt Nam là vấn đề xảy ra thường xuyên và diễn biến ngày càng phức tạp đòi hỏi phải luôn cập nhật, tiếp cận với thông tin, khoa học công nghệ của thế giới và kinh nghiệm của Việt Nam. Ông tâm đắc với chiến lược thích ứng như quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; các giống lúa ngắn ngày ở ĐBSCL; thành công ở qui mô trang trại trong đa dạng hóa nông nghiệp chuyển đổi lúa-tôm ở ĐBSCL của Việt Nam, hỗ trợ một cách linh hoạt các công trình cho phép kiểm soát cả nước ngọt và nước lợ; bảo vệ rừng phòng hộ ngập mặn ven biển ĐBSCL…

Con người của thực tế

Từ những kinh nghiệm thực tế khi làm bí thư tỉnh uỷ ở Vĩnh Phúc và Thanh Hoá, đến khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương, ông Lê Huy Ngọ càng gắn bó với người dân và đặc biệt là bà con nông dân trong cả nước. Ông thường xuyên đi thực tế, tiếp xúc thăm hỏi và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân nhất là trước, trong và sau khi bão lũ để rút ra những bài học cần thiết trong công tác quản lý.

Ông thường chỉ đạo để phòng tránh thiên tai ngoài các biện pháp công trình (biện pháp cứng) ở những nơi cần thiết, thì các biện pháp phi công trình (biện pháp mềm)  phải được quan tâm đúng mức như tăng cường tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến về dự báo bão, mưa lũ của thế giới để chủ động cảnh báo, phòng tránh. Tăng cường hệ thống thông tin thông suốt đến cấp xã, thôn và ngư dân cùng với việc xây dựng các khu trú bão an toàn cho tàu thuyển và cho người dân nhất là vùng còn nghèo khó. Duy trì, trồng rừng đầu nguồn để điều tiết và làm chậm lũ. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, xây dựng các phương án theo các kịch bản với lộ trình cụ thể. Rừng ngập mặn ven biển vừa đa dạng sinh học vừa là lá chắn hữu hiệu kết hợp với đê biển để đối phó với mực nước biển dâng...

Tôi nhiều lần tháp tùng ông đi khảo sát thực tế ở ĐBSCL, có kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là ở cuối thập niên 90, trong lần khi đi khảo sát lũ lụt ở Long An, mưa to gió lớn làm ướt hết cả áo dù đã mặc áo mưa. Ông đã nhắc anh Nhạn (thư ký) lấy chiếc áo của ông trong cặp mang theo đưa cho tôi mặc. Biết ông cũng chỉ có một chiếc áo mang theo, tôi cám ơn và không nhận nhưng ông vẫn bắt phải mặc để giữ sức khoẻ còn tiếp tục công việc. Một cách ứng xử tưởng là nhỏ nhưng thu phục được lòng người.

57c3cb97-51ac-4275-8f3a-e7f981d2f1f0.jpg
Nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương (giữa) và ông Lê Huy Ngọ (trái). Ảnh tư liệu

Cầu thị, biết lắng nghe và quyết đoán

Dấu ấn của ông Lê Huy Ngọ để lại trong tôi cũng như nhiều cán bộ trong ngành là ông luôn biết lắng nghe, thảo luận, quyết đoán, và chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

Dựa trên kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về kiểm soát lũ, ông đã quyết định thay đổi quan điểm phòng chống lũ ở ĐBSCL sang sống chung với lũ. Ông bảo ở ngoài Bắc nghe nói lũ báo động cấp 3 là rất đáng lo ngại nhưng ĐBSCL báo động cấp 3 (mực nước ở Tân Châu 4,2 m) lại là “lũ đẹp” vì người dân cần lũ để làm thuỷ sản, thau chua rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng… Chính ông là người chỉ đạo cho sửa lại cấp báo động lũ ở ĐBSCL để phù hợp với thực tế.

Cá nhân tôi, có nhiều kỷ niệm khi nghĩ về ông. Có lần từ Hà Nội bay vào TP.HCM dù đã gần 10 giờ đêm, ông vẫn phone mời tôi đến văn phòng trụ sở của Bộ ở phía Nam để cùng thảo luận về nội dung công văn của Bộ gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lưu vực sông Mekong.

Đặc biệt chuyến công tác của Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải… tham gia đoàn công tác của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi khảo sát trận lũ lịch sử năm 2000. Khi đến địa bàn tỉnh Đồng Tháp, chiếc cano của Chủ tich nước có Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Cảnh Dinh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo địa phương thì đột ngột dừng lại. Tôi ngồi ca nô đi sau cùng với anh Nguyễn Ty Niên, Cục trưởng Cục phòng chống lụt bão, thì được ông Ngọ, ông Dinh cho gọi sang ngồi cạnh Chủ tịch nước để trả lời các câu hỏi trực tiếp của ông từ thuỷ văn, thế nước, địa chất…

Lời kết

Xin có mấy câu thơ tặng ông Lê Huy Ngọ thay cho lời kết của bài viết này:

Ông làm Bộ trưởng vì dân chúng

 Giúp đỡ bà con thoát đói nghèo

 Đắp đập, ngăn sông nương dòng chảy

 Tính kế cho đời bớt gieo neo

 Khí hậu mỗi ngày thêm khó tính

 Bão lụt, cùng dân gánh nỗi lo

 "Sống chung với lũ", tìm phương cách

  Dám làm, dám chịu để dân no.

Tô Văn Trường

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn của vị trưởng ban phòng chống lụt bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO