Đất và người phương Nam: Hành trình tìm cái mới trong cái cũ của 'lão phóng viên'

07/02/2023 15:04

Sau hàng chục năm bôn ba trên mọi nẻo đường, nhà báo Trần Chánh Nghĩa ra mắt tập sách "Đất và người phương Nam" như một cách hoài niệm, tổng kết lại hành trình đi tìm cái mới trong cái cũ của mình.

Sinh năm 1950, Trần Chánh Nghĩa là một trong những nhà báo cao tuổi nhất từng hoạt động trong làng báo miền Nam. Đặc biệt, ông chưa qua bất kỳ một trường lớp nào đào tạo nghề báo nào.

Ông đã góp sức tại các báo như: VietNamNet, Thanh niên, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng… Trong nghề, ông được nhận định là một trong những nhà báo có tiếng, biểu tượng của sự dấn thân, liêm khiết.

Suốt hành trình làm nghề, ngoài khai thác các đề tài dân sinh, mang hơi thở của cuộc sống thường nhật, ông được xem là người thích đi tìm cái mới trong những điều đã cũ.

Tác phẩm mới của nhà báo Trần Chánh Nghĩa.

Hành trình ấy vừa được ông tạm kết lại trong tập sách Đất và người phương Nam do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành. Đất và người phương Nam gồm 2 tập. Tập 1 mang tên Một thuở Saigon, tập 2 có tên Dấu chân xuôi ngược.

Trong tập 1, Trần Chánh Nghĩa tổng hợp những bài viết của mình đã được đăng tải trên báo VietNamNet - nơi ông công tác suốt 10 năm và một số báo khác. Các bài viết này đem lại thông tin mới lạ, hấp dẫn về những câu chuyện, nhân vật, giai thoại, địa danh… từng là biểu tượng của Sài Gòn xưa như: hồ Con Rùa, lăng Cha Cả, cầu Mống, người đẹp giang hồ Lệ Hải, vua lúa gạo Quách Đàm, vũ nữ Cẩm Nhung…

Tập 2 mang tên Dấu chân xuôi ngược là tập hợp những bài viết của ông về đất và người Nam Bộ. Các bài viết này là kết quả của những chuyến đi và viết về địa danh, điển tích, nhân vật… tưởng chừng đã quá quen thuộc ở nơi ông đi qua.

Câu chuyện, thông tin được “lão phóng viên” giới thiệu bằng cách viết khúc chiết, ngôn từ gần gũi. Đó là những trăn trở của ông về: di tích “nhà trăm cột” đang kêu cứu; di tích Nhà Tây núi Thị trước nguy cơ thành phế tích; cầu Ghềnh mới và nỗi lo những cây cầu trăm tuổi…

Ngoài ra, ông cũng ghi lại những giai thoại nổi tiếng bằng góc nhìn mới mẻ, đầy nhân văn như: Bạch Công tử, tay chơi bậc nhất trời Nam; 44 năm nuôi xác chết trong nhà ở An Giang, Dạ cổ hoài lang, bài hát 100 năm vẫn trong lòng người…

Ông Huỳnh Dũng Nhân, nguyên Phó Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Nhà báo Trần Chánh Nghĩa luôn đi tìm những thông tin mới lạ, nóng hổi hoặc có chút gì đó riêng mà bạn đọc chưa biết.

Có những sự việc đã xảy ra hàng trăm năm, đã bị lãng quên, bị tam sao thất bản... Tuy nhiên, từ đó, anh vẫn tìm hiểu và mang lại những thông tin giàu kiến thức với những góc nhìn đa dạng, đầy đủ…”.

Nhà báo Trần Chánh Nghĩa

Ở tuổi 60, nhà báo Trần Chánh Nghĩa bén duyên với báo VietNamNet và gắn bó với báo suốt 10 năm qua. Ông đóng góp nhiều bài viết, tác phẩm báo chí giàu tính thời sự, nhân văn và gần gũi với cuộc sống.

Suốt thời gian này, người ta đã quen thuộc với "lão phóng viên" dáng gầy cao, tóc xoăn... luôn có mặt ở những điểm nóng, đúng như nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhận xét, ông đi nhiều, đến tận nơi, bất kể giờ giấc.

Thông tin về tác phẩm của mình, nhà báo Trần Chánh Nghĩa chia sẻ: "Đây là tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của tôi. Mỗi trang sách là một câu chuyện mà tôi cảm thấy tâm đắc, giàu ý nghĩa nhất trong thời gian làm báo của mình".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đất và người phương Nam: Hành trình tìm cái mới trong cái cũ của 'lão phóng viên'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO