Đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2, nỗi lo lớn nhất sau vụ đấu giá kỷ lục

15/12/2021 07:20

Chuyên gia ví kết quả cuộc đấu giá đất "vô tiền khoáng hậu" như một "cú sốc" cho thị trường. Giá đất sau đó dễ sẽ xảy ra hiệu ứng "tát nước theo mưa".

Đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2, nỗi lo lớn nhất sau vụ đấu giá kỷ lục - 1

Lô đất Thủ Thiêm có mức trúng đấu giá gây chấn động thị trường  (Ảnh: Hữu Khoa).

Cuộc đấu giá được tổ chức cuối ngày 10/12 đối với lô đất 10.060 m2 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TPHCM đã thiết lập kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" trên thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo đó, khoản tiền 24.500 tỷ đồng mà người thắng cuộc - ông chủ Tân Hoàng Minh - chấp nhận bỏ ra để giành quyền sở hữu lô đất này có mức bình quân 2,4 tỷ đồng/m2, cao hơn rất nhiều so với "đất vàng" quận 1 (TPHCM) hay khu Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Với mức giá trên, đất tại khu trung tâm TPHCM đã cao ngang ngửa những khu vực có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới như Tokyo, Hồng Kông, vốn đất chật người đông, trung tâm thương mại tài chính châu Á.

Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia cho rằng nếu Thủ Thiêm đắt gấp đôi khu vực Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1) thì có nhiều bất thường.

Về giả thiết khả năng nhằm kích giá thị trường bất động sản nhưng lại theo kiểu tăng giá ảo hay thực chất muốn sở hữu thì theo chuyên gia, phải chờ đến khi doanh nghiệp trúng giá có nộp đủ tiền mua tài sản hay không mới kết luận được.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cũng lo ngại những vấn đề mang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản sau con số trúng đấu giá gây "choáng váng" này.

Theo ông Đính, năm 2019 ở TP Thủ Đức, quận 9 đã xác lập mặt bằng giá mới. Khi đó, một loạt khu đô thị ra hàng, đưa ra mức giá 60 - 80 triệu đồng/m2 chung cư. Sau khi thiết lập đỉnh đó hệ quả ảnh hưởng rất nặng đến giá cả bất động sản tại TPHCM kéo theo một loạt dự án khác ở thành phố này có mức giá mới.

Trong bối cảnh đắt đỏ ấy, các loại nhà giá bình dân, giá rẻ và những dự án giá rẻ cũng bị "đẩy" lên thành giá trung cấp. Ông Đính cho biết, trong bối cảnh nguồn cung thiếu, điều này càng khiến giá nhà ở TPHCM bị "đẩy" lên dần dần và tiếp tục ảnh hưởng lan tỏa một loạt các tỉnh xung quanh như Bình Dương.

Lãnh đạo HoREA cũng từng chỉ ra rằng, chủ đầu tư dự án lớn có lợi thế, có thể độc chiếm thị trường, làm giá, đẩy giá nhà lên cao để nhằm tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong hơn 5 năm qua kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19.

"Vì thiếu nguồn cung, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền đẩy giá lên thành nhà trung, cao cấp. Trong 2 năm 2020-2021 hầu như không còn loại nhà ở giá bình dân dưới 25 triệu đồng/m2 trên thị trường, làm cho giấc mơ tạo lập nhà của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị càng xa vời", HoREA nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, trong khi Chính phủ đang tìm giải pháp giảm nhiệt giá bất động sản, xây dựng nhiều nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thì kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm sẽ khiến giá bất động sản còn "nhảy" lên mạnh hơn nữa.

"Sợ nhất hệ lụy này sẽ tác động tiêu cực đến việc phát triển bất động sản làm cho nhiều nhà đầu tư lực yếu sẽ chạy hết, không dám vào thị trường, không thu hút được đầu tư nữa vì người ta e ngại giá như vậy sẽ khiến giá đền bù tăng, thuế đất sẽ tăng theo mặt bằng mới...", vị chuyên gia lo ngại.

Cũng theo ông Đính, doanh nghiệp có quyền trả giá, mua bán đấu giá trên cơ sở tính toán mức đầu tư lợi nhuận... Nhưng nếu không đúng thực chất, có thể tạo ra mặt bằng giá cho các dự án của họ ở xung quanh, gây nhiều hệ lụy về giá.

Vị chuyên gia lo ngại, kết quả đấu giá đất này sẽ là "cú sốc" cho thị trường bất động sản. Ngay sau kết quả đấu giá đất này chắc chắn giá đất sẽ xảy ra hiệu ứng "tát nước theo mưa".

Tại một hội nghị mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng hiện tại nguồn cung khan hiếm rất nghiêm trọng, trong đó một nguyên nhân lớn là doanh nghiệp mua gom và đầu cơ dự án.

Theo đó, rất nhiều doanh nghiệp lớn thu gom đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ, không hoàn thiện dự án, trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Và những doanh nghiệp lớn đang đầu cơ này thường có ngân hàng đứng phía sau. Hiện tượng này cũng tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để tránh những trường hợp "kích giá ảo" thị trường, phải hoàn chỉnh pháp luật một cách chặt chẽ về đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng nhà đầu tư tham gia đấu giá thì phải có trách nhiệm tài chính đảm bảo.

Nguyễn Mạnh

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/bat-dong-san/dat-thu-thiem-24-ty-dongm2-noi-lo-lon-nhat-sau-vu-dau-gia-ky-luc-20211215065122925.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/bat-dong-san/dat-thu-thiem-24-ty-dongm2-noi-lo-lon-nhat-sau-vu-dau-gia-ky-luc-20211215065122925.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2, nỗi lo lớn nhất sau vụ đấu giá kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO