Quái lạ, đào than lên bán mà nợ gì kinh khủng thế!
TKV là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Nợ này tích tụ qua nhiều năm nên có thể hiểu rằng khả năng trả nợ của tập đoàn này là kém. Nợ lớn nhất là lãi vay ngắn hạn và dài hạn hơn 30.000 tỉ đồng mà tiền lãi mỗi ngày phải trả là khoảng 6,5 tỉ đồng.
Xem thêm: Gánh nợ hơn 3 tỷ USD đè nặng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam
Vay lớn như thế thì đầu tư vào đâu? Và tại sao đầu tư rồi lâm nợ mà không sinh lãi? Điều này chỉ có lãnh đạo TKV mới biết và cách đây không lâu, hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát... Riêng ông Lê Minh Chuẩn đã bị kỷ luật cảnh cáo, phải từ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Đến số nợ hiện tại thì không biết bao giờ tập đoàn này trả nổi. Trả không nổi thì ngân sách phải gánh, mà ngân sách chính là tiền thuế của người dân. Những lãnh đạo của tập đoàn chỉ bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo đặt cạnh số nợ 74.000 tỉ đồng này quả là sự ấm ức mà người dân khó nuốt trôi.
Chưa hết, nhiều lãnh đạo ngành than đang giàu nứt đố đổ vách, các công ty liên đới cũng phất lên nhanh chóng trong khi khoản nợ chung cứ tăng dần thì không thể chấp nhận được.
Nợ đầm đìa nhưng lãnh đạo tập đoàn luôn báo cáo thành tích hoạt động hiệu quả qua từng năm. Gần đây, báo cáo kết quả hoạt động của năm 2021, lãnh đạo TKV còn "lên gân": "Năm 2021 được đánh giá là năm thành công nhất trong vòng 5 năm gần đây của tập đoàn, sản xuất kinh doanh tăng trưởng vượt bậc, lợi nhuận vượt kế hoạch giao, nộp ngân sách và chăm lo cho người lao động tốt hơn nhiều năm trước". Những số nợ thì giấu biệt. Nợ cao gấp 1,6 lần vốn thì thành công nỗi gì!
Giải quyết số nợ trên có thể nói ngoài khả năng của TKV. Thử tính lợi nhuận của "năm thành công rực rỡ" 2021 là khoảng 3.500 tỉ đồng thì trả xong khoản nợ 74.000 tỉ sẽ mất hơn 20 năm. Với điều kiện là lãi vay không phát sinh. Còn như mức lãi vay hơn 2.000 tỉ đồng/năm như hiện nay thì không biết đến tháng năm nào mới trả hết nợ.
Thế nhưng trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam, dù Bộ Công Thương nhận định tiềm năng tài nguyên than là có hạn, mức độ thăm dò hạn chế; điều kiện khai thác ngày càng khó khăn dẫn đến chi phí sản xuất than và giá thành sản phẩm than tăng cao, nhưng vẫn muốn "ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài". Một kế hoạch rất lãng mạn trong tình thế rất bi đát.
Việt Nam có trữ lượng than đá khoảng 6,6 tỉ tấn, trong đó trữ lượng có thể khai thác là 3,6 tỉ tấn, đứng thứ nhì Đông Nam Á. Số liệu thì nghe ghê gớm như thế nhưng chẳng thấm vào đâu so với các nước như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Úc… chiếm đến 4/5 trữ lượng than trên toàn thế giới (khoảng 3.000 tỉ tấn có thể khai thác). Công nghệ khai thác chưa tiên tiến, quản lý kém, thất thoát cao… đã làm hiệu quả ngành than kém xa các nước trong khu vực. Nay mang thêm khoản nợ khổng lồ, tình hình càng tệ hơn.
Than đá liên quan đến an ninh năng lượng nên nhiều quốc gia dù có trữ lượng khổng lồ nhưng hạn chế xuất khẩu và tập trung thu mua tích trữ. Họ biết những nguồn nhiên liệu hóa thạch này vô cùng quan trọng và luôn có hạn, khai thác cân nào là mất đi cân đó. Trữ lượng than của chúng ta không cao, khai thác mỗi năm khoảng 40 triệu tấn mà lỗ lã như thế thì quả là đáng lo.
Món nợ này đã quá sức rồi. Không còn cách nào khác là phải cải tổ toàn bộ Tập đoàn TKV. Muốn nâng hiệu quả của tập đoàn này thì phải quyết tâm đầu tư với đầy đủ nguồn lực và ý chí và loại bằng được những cán bộ bất tài ra khỏi tập đoàn. Quan trọng hơn là cũng phải đủ hy vọng rằng với ngành đào tài nguyên đem bán này cũng phải không lâm cảnh nợ nần, lỗ lã.
Chúng ta thường ví các tập đoàn kinh tế nhà nước là "nắm đấm" của nền kinh tế. TKV tiếp bước vào danh sách những tập đoàn, tổng công ty lỗ cả chục ngàn tỉ đồng chờ ngân sách giải cứu. Những "nắm đấm" này lo thân còn chưa xong, không khéo nền kinh tế lại bị phản đòn.