Nhanh chóng chiếm đảo
Ngày 16/9/1944, khi Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu tấn công quy mô lớn nhằm vào đảo Peleliu (thuộc quần đảo Palau ở Micronesia), Đô đốc William Halsey, chỉ huy Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ, ra lệnh cho Quân đoàn đổ bộ III đánh chiếm đảo san hô Ulithi, nằm cách đó 644 km về phía đông bắc.
Bảy ngày sau, các binh sĩ từ Sư đoàn bộ binh 81 bắt đầu đổ bộ lên Ulithi. Người Nhật đã bỏ đảo san hô này vài tháng trước đó, nên cuộc đổ bộ của Mỹ diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng. Trong vòng hai ngày, người Mỹ đã cơ bản hoàn thành các hoạt động đưa người và phương tiện lên đảo.
Nằm khoảng giữa đảo Guam (Mỹ) và Palau (Micronesia) và cách Tokyo (Nhật Bản) khoảng 2.100 km, Ulithi có thể dễ dàng bị bỏ qua, nhưng trong vài tuần sau đó, nó trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến tranh thế giới.
Hàng trăm tàu của phe Đồng minh tràn vào vùng nước của rạn san hô vòng Ulithi và hàng ngàn quân chiếm các thành phần của rạn san hô vòng này (giống như các đảo nhỏ). Việc các đảo nhỏ nằm ở ngoài cùng, vươn xa trên biển cho phép các lực lượng hải quân đồng minh kéo dài các trận đánh tới tận bờ biển Nhật Bản.
Hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ (từ trước ra sau): USS Wasp, USS Yorktown, USS Hornet, USS Hancock và USS Ticonderoga tại đảo san hô Ulithi vào tháng 12/1944. Ảnh: US Navy. |
Ulithi được tạo thành từ 40 đảo nhỏ, chỉ có bốn trong số đó có người sinh sống. Các đảo nhỏ xếp thành một vòng tròn thuôn dài xung quanh một vùng nước (giống như đầm phá) rộng khoảng 322 kilomet vuông và sâu từ 24,4-30,5 mét.
Đảo san hô được phát hiện bởi chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Chester Nimitz, trong khi ông xem xét bản đồ khu vực để tìm một vị trí tốt cho một căn cứ tiền phương để hỗ trợ các chiến dịch chống lại Nhật Bản và lực lượng của Nhật Bản ở Philippines trong tương lai. Người Nhật từng có một trạm thời tiết trên đảo san hô và sử dụng vùng nước của nó làm nơi neo đậu của hạm đội và căn cứ thủy phi cơ trong chiến tranh, nhưng rồi họ rút lui sau khi bị tàu sân bay Mỹ tấn công.
Người Nhật không thấy giá trị chiến lược nào ở Ulithi và không nghĩ rằng nó có thể được sử dụng để chống lại họ. Các tiểu đoàn xây dựng của Hải quân Mỹ, được gọi là “Seabees” (Ong biển) nhanh chóng chứng minh người Nhật nghĩ sai.
Gần như ngay lập tức sau khi đổ bộ vào cuối tháng 9/1944, Seabees thiết lập Ulithi như một căn cứ tiến công. Họ đã kéo dài một đường băng bị bỏ hoang trên đảo Falalop lên 1.100 mét, thiết lập các phao xác định khu vực tàu có thể neo đậu, thành lập trụ sở trên đảo Asor và xây dựng hồ bơi và bệnh viện 100 giường trên đảo Sorlen. Hải quân cũng chuyển dân bản địa của Ulithi đến một trong những hòn đảo nhỏ hơn, nơi họ sinh sống trong thời gian còn lại của cuộc chiến.
Đảo Sorlen và khu neo đậu phía bắc tại rạn san hô vòng Ulithi vào cuối năm 1944. Ảnh: US Navy. |
Đặc điểm giá trị nhất
Vùng nước kiểu đầm phá là đặc điểm có giá trị nhất của Ulithi. Hàng trăm tàu, bao gồm toàn bộ nhóm tàu sân bay, neo đậu trong vùng biển của nó, cùng với hàng chục thủy phi cơ. Ở đó, chúng được chăm sóc bởi đội quân nhỏ gồm các kỹ sư hải quân và nhân viên hậu cần được chỉ định cho Hải đội Dịch vụ 10.
Hải đội Dịch vụ 10 giám sát việc trang bị, tiếp tế và sửa chữa các tàu và máy bay của hải quân, đồng thời hỗ trợ các nhu cầu hậu cần trong chiến tranh. Tổng cộng toàn đơn vị có trên 400 tàu, bao gồm tàu sửa chữa, tàu chở dầu, ụ nổi, tàu cẩu, tàu khử mặn, tàu kéo, doanh trại nổi, xưởng nổi. Các tàu và thủy thủ của Hải đội Dịch vụ 10 cho phép hải quân tiếp tục chiến đấu trên khắp Thái Bình Dương rộng lớn. Chúng được gọi là “vũ khí bí mật” của tư lệnh Nimitz.
Mogmog, hòn đảo lớn nhất và dễ sinh sống nhất ở Ulithi, đã trở thành một nơi trú ẩn rất cần thiết cho quân đội Mỹ. Nó có các sân bóng, một khán đài để ban nhạc biểu diễn, một nhà nguyện và một nhà hát 1.200 chỗ ngồi. Ngoài ra, còn có một sà lan kem có thể làm ra gần 1.990 lít kem trong một ca làm việc. Thời kỳ đỉnh cao, Mogmog có 20.000 người, với khoảng 9.000 người có mặt hằng ngày trên đảo.
Thủy thủ Mỹ trên đảo Mogmog vào tháng 11/1944. Ảnh: US Navy. |
Ulithi trở thành một căn cứ hoạt động cực kỳ quan trọng. Bất kỳ con tàu nào cũng có thể được sửa chữa hoàn toàn, hoặc sửa chữa ở mức đủ để quay trở lại căn cứ lớn hơn. Tại rạn san hô vòng này, tàu cũng được tiếp tế, binh sĩ có thể nghỉ ngơi, hồi phục. Các tàu sân bay neo đậu ở đó có thể tiếp tục triển khai các hoạt động cứu hộ, trinh sát và ném bom.
Chiến dịch Philippines (phe Đồng minh thực hiện nhằm đánh bại lực lượng Nhật Bản đang chiếm đóng Philippines) và các tấn công xâm chiếm hai đảo Iwo Jima và Okinawa (Nhật Bản) đều được phát động từ Ulithi. Tại rạn san hô vòng này, phe Đồng minh cũng tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho kế hoạch đánh chiếm các hòn đảo khác của Nhật Bản.
Tấn công tự sát để tái chiếm
Người Nhật liên tục cố gắng tấn công Ulithi bằng máy bay, tàu ngầm mini và thậm chí cả ngư lôi có người lái Kaiten (đánh ngư lôi kiểu tự sát). Ngày 20/11/1944, quân Nhật đánh chìm tàu chở dầu USS Mississinewa, giết chết 63 thủy thủ và sĩ quan.
Vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Ulithi là căn cứ hải quân lớn nhất thế giới, có tới 617 tàu. Sự hiện diện của nhiều tàu khiến Ulithi trở thành mục tiêu.
Tàu chở dầu Mỹ USS Mississinewa sau khi bị trúng ngư lôi có người lái Kaiten của Nhật Bản vào ngày 20/11/1944. Ảnh: US Navy. |
Ngày 11/3/1945, một máy bay Thần phong (kamikaze) tầm xa đã tấn công tự sát nhằm vào tàu sân bay USS Randolph, giết chết 25 người và làm 106 người bị thương. Randolph được sửa chữa tại Ulithi và tham gia cuộc đánh chiếm Okinawa một tháng sau đó.
Nhật Bản thậm chí còn điều các tàu ngầm lớp I-400 cỡ lớn (có thể mang theo 3 chiếc thủy phi cơ) để tấn công Ulithi. Các tàu ngầm đang trên đường đến đảo san hô thì Nhật Bản đầu hàng nên phải quay trở lại.
Tàu sân bay USS Randolph cùng với tàu sửa chữa USS Jason tại đảo san hô Ulithi vào ngày 13/3/1945. Tàu Randolph bị máy bay tấn công tự sát (kamikaze) của Nhật Bản làm hỏng ngày 11/3/1945. Ảnh: US Navy. |
Vai trò mới
Ulithi phần lớn bị bỏ hoang sau chiến tranh, nhưng đảo san hô này đang có vai trò mới khi Mỹ cùng đồng minh có căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, khiến một cuộc chiến khác ở Thái Bình Dương có nhiều khả năng xảy ra. Một căn cứ tiền phương sẽ là vô giá trong một cuộc xung đột như vậy, đặc biệt là vì các tàu chiến mang tên lửa dẫn đường hiện đại không thể được trang bị lại vũ khí khi đang ở trên biển.
Theo báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (Mỹ) được công bố năm ngoái, nhu cầu về một căn cứ như vậy còn tăng lên bởi thực tế là Hải quân Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc sửa chữa các tàu chiến bị hư hỏng trong trận chiến với các đối thủ cường quốc như Trung Quốc hoặc Nga.
Tàu bệnh viện quân y Mỹ USNS Mercy gần đảo san hô Ulithi vào tháng 3/2018. Ảnh: US Navy. |
Sự phức tạp của thiết kế tàu chiến hiện đại cùng với việc Mỹ thoái vốn sửa chữa hải quân và đóng cửa nhiều nhà máy đóng tàu công cộng sau Chiến tranh Lạnh khiến việc sửa chữa các tàu bị hư hỏng do chiến đấu trở nên khó khăn hơn. Hải quân Mỹ đang phải vật lộn với công việc sửa chữa tồn đọng.
Các quan chức Hải quân Mỹ vừa cho biết trong tháng 9 này, các tàu nổi của họ đang phải đối mặt với khoảng 4.200 ngày trì hoãn bảo dưỡng, tương đương mỗi năm hạm đội “mất” khoảng 10 tàu. Với việc Trung Quốc tiếp tục đóng tàu, mở rộng phạm vi hoạt động của kho vũ khí tên lửa và tập hợp năng lực công nghiệp gấp ba lần Mỹ, Hải quân Mỹ sẽ cần mọi lợi thế có thể có.
Một sân bay và một trường trung học bị hư hại bởi cơn bão Maysak trên đảo Falalop thuộc rạn san hô vòng Ulithi vào tháng 12/2015. Ảnh: US Air Force. |