Kể từ năm 1698, Chúa Nguyễn cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, thiết lập chính quyền, các đơn vị hành chính, chia đặt tỉnh lị… chính thức xác lập chủ quyền của xứ Đàng Trong trên vùng đất mới phương Nam. Những xóm làng, ấp đầu tiên của Sài Gòn được hình thành. 324 năm, bao thăng trầm dời đổi, Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM hôm nay vẫn còn lưu giữ nhiều báu vật di sản ẩn mình trong cuộc sống sôi động của thành phố.
Hiếm có đô thị nào ở Đông Nam Á lại có nhiều dạng kiến trúc, nhiều trường phái, phong cách nghệ thuật phương Tây như TP.HCM. Điển hình như trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân theo phong cách Đệ Tam Cộng hòa Pháp; Ngân hàng Nhà nước chịu ảnh hưởng trào lưu tân nghệ thuật; Nhà Thiếu nhi Thành phố với phong cách tân cổ điển.
Ủy ban nhân dân TP.HCM (Ảnh: Shutterstock)
Đặc biệt, có những công trình kết hợp hài hòa kiến trúc phương Tây với những yếu tố bản địa thành một phong cách riêng gọi là kiến trúc Đông Dương, điển hình như Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Lịch sử, trường Lê Hồng Phong; Bưu điện Thành phố với trường phái Chiết Trung; Nhà thờ Đức Bà với nghệ thuật Roman, nhà thờ Huyện Sĩ theo Tân Gothic… Cũng có không ít những kiến trúc kết hợp chi tiết của nghệ thuật Việt, Chăm, Khmer đã được đưa vào trang trí.
Thành phố cũng là nơi hội tụ nhiều ngôi chùa, đình, đền, miếu mạo được xây dựng qua nhiều thời kỳ, chúng đều là những tài sản quý về văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật. Từ những ngôi chùa Phật giáo Nam Bộ tiêu biểu, những ngôi đình xưa gắn liền với lịch sử khẩn hoang mở đất, đến những ngôi chùa "cách tân" lớn nhất và đẹp nhất trong cả nước, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách hiện đại với kiến trúc chùa cổ truyền.
Thành phố có hơn 30 ngôi chùa của người Hoa, gắn liền với lịch sử định cư của Sài Gòn - Chợ Lớn xưa kia, kiến trúc mỗi chùa một sắc thái riêng theo năm nhóm ngôn ngữ Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Hẹ.
Có thể kể đến 5 ngôi chùa cổ đặc sắc nhất của thành phố: Chùa Huệ Nghiêm được Thiền sư Thiệt Thụy - Tánh Tường đến đây khai sơn vào năm 1721. Chùa Giác Lâm được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây vào năm 1744, hiện lưu giữ 113 pho tượng cổ, hầu hết được làm bằng gỗ. Chùa Giác Viên được xây dựng năm 1798, lưu giữ 153 pho tượng lớn nhỏ, đa số bằng gỗ, 57 bao lam (cửa võng), 60 phù điêu giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - XIX. Chùa Bà Thiên Hậu xây khoảng năm 1760, đặc biệt tượng Bà Thiên Hậu được tạc từ một khối gỗ cao chừng 1m, vốn được thờ ở Biên Hòa và đến năm 1836 chuyển về đây. Chùa Phụng Sơn do thiền sư Liễu Thông tạo lập vào đầu thế kỷ XIX, có 40 pho tượng được sơn son thiếp vàng, trong đó có một số tượng quý như: tượng Phật bằng đá, bộ Di Đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, tượng Tiêu Diện…
Chùa Bà Thiên Hậu (Ảnh: Shutterstock)
Bên cạnh đó, TP.HCM còn có nhiều công trình nhà thờ độc đáo, có tuổi đời trăm năm. Các nhà thờ ở Sài Gòn chủ yếu xây dựng vào nửa sau thế kỷ XIX. Nhìn chung, kiểu cách kiến trúc theo lối Pháp của giai đoạn này mang tính kết hợp phong cách giữa Roman và Gothic quen thuộc thời Trung cổ Châu Âu.
Tiêu biểu có nhà thờ Đức Bà được xây dựng vào năm 1877 và hoàn thành vào năm 1880, là một trong những biểu tượng của TP.HCM, nơi mà du khách đến thành phố đều ghé tham quan ít nhất một lần. Đặc biệt, bộ chuông nhà thờ như báu vật, gồm 6 quả chuông bằng đồng nặng gần 30 tấn gắn trên 2 tháp, do hãng đúc chuông Bolley chế tác vào năm 1879 tại Pháp, được phối âm độc đáo ở các cung: sol, la, si, do, re, mi. Tượng Đức Mẹ Hòa Bình đặt ở trung tâm khuôn viên phía trước Nhà thờ do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện vào năm 1959 tại Ý.
Nhà thờ Đức Bà (Ảnh: Shutterstock)
Nhà thờ Tân Định, hay còn gọi là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tân Định, mang màu hồng phấn cực kỳ duyên dáng, diễm lệ, được khởi công vào năm 1870 và khánh thành vào ngày 16/12/1876. Về tổng thể, nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic, nhưng các chi tiết trang trí lại mang ảnh hưởng phong cách Roman và Baroque.
Nhà thờ Chợ Quán ra đời sớm nhất ở Sài Gòn cách đây 300 năm. Tuy nhiên, do bị chiến tranh tàn phá phải xây lại nhiều lần, nhà thờ hiện tại mang kiến trúc Gothic, khánh thành vào mùng 4 Tết Bính Thân - 1896.
Đại chủng viện Thánh Giuse được xây dựng năm 1863, ở đây có nhiều tượng điêu khắc, tranh nghệ thuật tôn giáo và dân gian đặc sắc. Đây cũng là công trình Công giáo lâu đời nhất ở Sài Gòn và là một trong các trung tâm đào tạo linh mục Công giáo lớn nhất nước ta. Trong đó, tòa chủng viện đầu tiên được xây từ năm 1863 đến năm 1866 và nhà nguyện được xây từ năm 1867 đến năm 1871, là hai công trình có tuổi đời trên 100 năm.
Nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám Mục có ngôi nhà cổ với tuổi đời hơn hai thế kỷ. Ngôi nhà được Chúa Nguyễn Ánh cho dựng bằng gỗ quý vào năm 1741 và chỉ dùng kỹ thuật ghép mộng gỗ với diện tích 136m2, vừa làm nơi ở của Giám Mục Bá Đa Lộc, vừa là nơi dạy học cho hoàng tử Cảnh. Khung cửa và các cánh cửa đều chạm trổ tinh xảo hoa lá rồng phượng, mái được lợp ngói âm dương với những họa tiết hoa văn viền tinh tế, mái trước bằng ngói tráng men xanh, có phù điêu hình hai con rồng chầu Thánh giá rất hiếm thấy.
Bên cạnh các công trình kiến trúc, thành phố còn nhiều lắm những con phố trăm năm, hai trăm năm, ba trăm năm, làm nên diện mạo, tính cách, hồn vía nơi đây từ xưa đến nay. Ba đại lộ - boulevard đầu tiên ở khu vực trung tâm thành phố, có tuổi đời lên đến ba thế kỷ, gồm Đại lộ Lê Lợi - Đại lộ Nguyễn Huệ - Đại lộ Hàm Nghi, đều nằm ở Quận 1. Ba đại lộ này tạo nên một vành chữ U ở tâm của trung tâm thành phố, mấy trăm năm nay tập trung bao vẻ rực rỡ, phồn hoa, làm nên thương hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông” lừng lẫy một thời cho Sài Gòn.
Trung tâm thành phố đẹp lộng lẫy trong ánh đèn neon (Ảnh: Shutterstock)
Thành phố còn có Thảo cầm viên thành lập vào năm 1864, là một trong 10 vườn thú lâu đời của thế giới. Thành phố có hệ thống 14 bảo tàng với nội dung trưng bày khá phong phú, không chỉ về lịch sử và văn hóa địa phương, mà của cả Nam Bộ, quốc gia và khu vực Đông Nam Á, cung cấp nhiều kiến thức lí thú. Trong số này, tiêu biểu có Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố đều là những công trình kiến trúc cổ có tuổi đời trăm năm và mang trong mình những kho báu của thời gian.
Dù là thành phố trẻ nhưng TP.HCM đang giữ những di sản quý giá của tiền nhân, những báu vật thời gian không có “phiên bản”. Đó chính là những điều thú vị dành cho du khách đến với Sài Gòn - TP.HCM và cũng là niềm tự hào của người dân thành phố.