Một góc đảo Phất Cờ.
Phất Cờ là tên mà người dân địa phương đặt từ lâu. Trước đó, thời Pháp thuộc, đảo được gọi là Ile du Marquis (đảo Marquis - hầu tước). Về sau năm 1968, theo quyết định của Bộ Nội vụ về sửa đổi và thống nhất tên gọi của các hòn, đảo, cồn, đỉnh, núi, cửa, bến, vịnh... của miền Bắc thì đảo được đổi tên là đảo Phất Cờ như ngày nay.
Ấn tượng đầu tiên du khách sẽ có trên hành trình ra Phất Cờ chính là làn nước trong xanh như ngọc và bãi cát vàng trải dài chân đảo có thể quan sát từ xa. Theo ông Nguyễn Sỹ Bính, một trong những người đầu tiên nuôi hải sản ở khu vực đảo thì trên đảo còn có nhiều hang động với măng nhũ đá tuyệt đẹp, hoang sơ. Cảnh quan nhìn ra Bái Tử Long từ hang sẽ khiến du khách ngỡ ngàng.
Động trên đảo Phất Cờ còn lưu giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Những khối thạch nhũ như dòng thác từ trên cao đổ xuống. Trong lòng động, qua những tia sáng xuyên qua cửa hang tạo nên thảm thực vật xanh mát cuốn hút mọi ánh nhìn. Bãi cát vàng ngay chân đảo là nơi du khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn, ngắm cảnh biển tuyệt vời.
Du khách có thể tham quan trang trại nổi, quy trình nuôi và thu hoạch rong sụn ở trước đảo Phất Cờ.
Không chỉ có cảnh quan, hang động và bãi cát đẹp, đảo Phất Cờ còn có một trang trại nổi rộng mênh mang trên mặt biển ngay vùng nước chân đảo đá. Đây là mô hình nuôi trồng rong sụn đầu tiên thành công ở Quảng Ninh.
Trang trại nổi được thiết lập từ tháng 2/2021, chính thức hoạt động từ tháng 5/2021. Khác với các bè nuôi truyền thống, trang trại nổi này được hình thành bởi các tấm, khối vật liệu HDPE do Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát thiết kế chế tạo, cho không gian đẹp, chắc chắn và tiện nghi.
Từ nhà điều hành du lịch cũng là điểm điều hành trung tâm, du khách sẽ được ghé thăm trang trại nổi rộng chừng 10ha trải rộng trên không gian mặt biển đảo Phất Cờ. Từ đây, du khách có thể đi bộ tham quan các giàn nuôi rong sụn xung quanh hoặc chèo thuyền ghé thăm các "vườn phao nổi" treo rong sụn.
Trong làn nước trong xanh, bạn có thể nhìn rõ những hàng, dãy rong sụn đủ màu xanh, vàng... đung đưa theo nhịp sóng. Theo những người chăm sóc rong biển, nếu ở lại trang trại lâu bạn có thể chứng kiến rong sụn sinh trưởng, lớn lên từng giờ...
Nhiều đoàn chuyên gia, khoa học về tham quan, nghiên cứu rong sụn ở trang trại nổi.
Du khách cũng có thể tham quan ngân hàng giống và các sân phơi sản phẩm rong nổi giữa biển, vốn được làm hoàn toàn bằng các tấm HDPE lớn, chắc chắn. Tại đây, du khách có thể được trải nghiệm thu hoạch rong, đưa rong sụn về sơ chế, phơi khô và có thể được thưởng thức các món ăn chế biến từ rong sụn...
Mặc dù mới triển khai, cảnh đẹp và không gian trang trại nổi trên biển này đã thu hút nhiều đoàn học sinh, các nhà khoa học tới học tập, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thực nghiệm, trồng rong trên biển. Dự kiến trong tương lai, Trường Phát sẽ triển khai nhiều hạng mục rộng lớn của điểm du lịch này, mở rộng đối tượng khách để có thêm một điểm, một không gian tham quan giúp du khách thêm hiểu, thêm gần gũi hơn với nghề biển, với các trang trại hiện đại.