Ngày 24/1, quân đội Burkina Faso tuyên bố phế truất Tổng thống Roch Marc Christian Kabore, sau khi bắt giữ ông cùng nhiều quan chức chính phủ khác ở thủ đô Ouagadougou.
Đồng thời, quân đội cũng tuyên bố đình chỉ Hiến pháp, giải tán chính phủ và Quốc hội, đóng cửa biên giới của quốc gia Tây Phi này cho đến khi có thông báo mới.
Hiện tại, quân đội Burkina Faso đang nắm quyền kiểm soát đất nước.
Thời gian qua, châu Phi đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính, đặc biệt tại các quốc gia đang đấu tranh để đẩy lùi làn sóng bạo lực do phiến quân gây ra ngày một gia tăng, bao gồm Mali, Guinea, Sudan và Chad.
Tổng thống Burkina Faso Roch Marc Christian Kabore. (Nguồn: AFP) |
Chìm trong bất ổn
Burkina Faso nằm ở Tây Phi, là một quốc gia nghèo, không có biển, dân số khoảng 21 triệu người. Tổng thống Roch Marc Christian Kabore, 64 tuổi, đã nắm quyền từ năm 2015.
Năm 2020, ông Kabore tái đắc cử và đưa ra cam kết coi cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo, trong đó có các nhóm liên quan đến al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, thời gian qua, ông Kabore đã hứng chịu hàng loạt chỉ trích do thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của các phiến quân Hồi giáo. Phe chỉ trích cho rằng chính việc chính phủ không có những hành động quyết liệt đã khiến 1,4 triệu người sơ tán, cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 người dân, tính riêng trong năm 2021.
Mặc dù làn sóng bạo lực do các phiến quân gây ra trải dài trên khu vực Sahel, phía Nam của sa mạc Sahara, nhưng phần lớn binh sĩ và người dân ở Burkina Faso vẫn đổ lỗi cho tổng thống nước này vì đã không thể ngăn chặn được xung đột.
Nhiều đợt biểu tình phản đối chính phủ đã bùng phát, cùng với đó là làn sóng bất mãn ngày càng tăng trong hàng ngũ quân đội.
Những tháng qua, người dân bắt đầu công khai phản đối chính quyền, kéo theo đó là sự bất bình trong quân đội. Bất ổn tại Burkina Faso đã kéo dài hơn một tuần sau vụ 12 người, trong đó có một sĩ quan quân đội cấp cao, bị bắt với cáo buộc lên kế hoạch "gây mất ổn định".
Cuối tuần qua, những người biểu tình phản đối cách chính phủ tiến hành cuộc chiến chống phiến quân đã đốt trụ sở đảng cầm quyền. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán biểu tình và bắt hàng chục người.
Lật đổ chính quyền
Khi làn sóng biểu tình bùng phát tại thủ đô ngày 23/1 nhằm ủng hộ quân đội tiến hành đảo chính, cảnh sát chống bạo động đã nhận lệnh bắn lựu đạn hơi cay vào đám đông, ngăn dòng người đổ về quảng trường trung tâm. Đảng cầm quyền thông báo Tổng thống khi đó đã thoát khỏi một âm mưu ám sát.
Đêm đó, nhiều tiếng súng vang lên gần tư dinh của Tổng thống Karobe, báo hiệu rằng quân đội Burkina Faso bị chia làm 2 phe ủng hộ và chống đối chính phủ và đã có một cuộc giao tranh quyết liệt.
Đến khi trời sáng, người dân phát hiện một vài xe thiết giáp thuộc đoàn hộ tống Tổng thống bị bỏ lại gần dinh thự, trên thân xe đầy lỗ đạn.
Ngày 24/1, mặc những thông tin được lan truyền cho rằng ông Karobe đã bị quân đội bắt giữ, tài khoản Twitter chính thức của tổng thống vẫn đăng thông điệp kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ nền dân chủ đang lung lay của đất nước.
Các thành viên của quân đội thông báo về việc tiếp quản trên sóng truyền hình quốc gia Burkina Faso. (Nguồn: New York Times) |
Sau đó ít lâu, cuộc đảo chính đã kết thúc và quân đội chính thức chiếm được quyền kiểm soát đất nước. Thông tin này được công bố trên truyền hình nhà nước, sau khi một sĩ quan bất ngờ cắt ngang chương trình phát sóng và thông báo rằng, quân đội đình chỉ Hiến pháp, giải tán chính phủ và Quốc hội, đồng thời đóng cửa biên giới trên bộ và trên không của quốc gia này cho đến khi có thông báo mới.
Người phát ngôn này của quân đội sau đó cho biết, lực lượng vũ trang đã hành động dựa trên ý thức trách nhiệm với đất nước và phản hồi với "nỗi tức giận của nhân dân".
Cũng trong tuyên bố, phía quân đội Burkina Faso cho biết, việc tiếp quản chính quyền đã được thực hiện mà không có bạo lực và những người bị bắt giữ đang ở một nơi an toàn, không được nêu rõ.
Cụ thể, tuyên bố cho biết: “Trong bối cảnh tình hình an ninh tiếp tục xấu đi, đe dọa nền tảng của quốc gia chúng ta, sự bất lực rõ ràng của chính phủ của Tổng thống Karobe trong việc đoàn kết, thống nhất đất nước, để giải quyết tình hình một cách hiệu quả; trước sự phẫn nộ của nhiều bộ phận tầng lớp quốc gia, Phong trào Yêu nước vì Bảo vệ và Khôi phục (MPSR) đã được ra quyết định lịch sử và xin chịu mọi trách nhiệm với quốc gia và quốc tế.
Phong trào gồm tất cả các bộ phận của quân đội và lực lượng an ninh quyết định kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Karobe vào ngày 24/1/2022”.
Sau đó, người đứng sau cuộc đảo chính cũng đã lộ diện, đó là Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba, chỉ huy của một trong ba quân khu của Burkina Faso. Ông Damiba được thông báo trở thành người lãnh đạo mới của đất nước.
Trung tá Damiba vốn không được nhiều người ở Burkina Faso biết đến. Ông được đào tạo tại Trường Quân sự Paris, sau đó gia nhập lực lượng bảo vệ cựu Tổng thống Blaise Compaoré.
Sau khi ông Compaoré tuyên bố từ chức vào năm 2014, đơn vị bảo vệ tổng thống cũng bị giải tán và ông Damiba chuyển sang quân đội chính quy. Từ đó, sự nghiệp quân sự của ông Damiba ngày càng được củng cố mạnh mẽ.
Theo ông Rinaldo Depagne, chuyên gia về Burkina Faso thuộc tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), Tổng thống bị lật đổ vốn không dành nhiều quan tâm cho các vấn đề của quân đội. Khi bị dư luận quay lưng vì không đủ năng lực giải quyết làn sóng phiến quân Hồi giáo cực đoan, sự nghiệp chính trị của ông Karobe xem như đã an bài.
Năm 2016, Mỹ đã tài trợ cho Burkina Faso hàng triệu USD để trang bị và đào tạo cho quân đội nhằm chống lại sức ép từ phiến quân Hồi giáo cực đoan. Số tiền này tương đương 2/3 tổng ngân sách quốc phòng của quốc gia Tây Phi. Tuy nhiên, khoản đầu tư của Mỹ đã không đem lại nhiều kết quả.
Chuyên gia Depagne nhận định: "Ông ấy không phải một tổng thống quá tệ hay tham nhũng. Nhưng rõ ràng trong tình cảnh loạn lạc, người dân Burkina Faso cho rằng một quân nhân cầm súng sẽ bảo vệ họ tốt hơn một tổng thống dân cử".
Động thái đảo chính của quân đội Burkina Faso đã vấp phải chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án hành động của quân đội, đồng thời kêu gọi lực lượng này phải bảo vệ dân thường thay vì tiếm quyền. Ông Guterres nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi quân đội các quốc gia này đảm nhận vai trò chuyên nghiệp của quân đội là bảo vệ đất nước của họ và thiết lập lại các thể chế dân chủ". Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chỉ trích cuộc đảo chính quân sự, đồng thời khẳng định ông có kế hoạch thảo luận với các lãnh đạo khu vực về tình hình ở Burkina Faso. |