Thực phẩm sạch, an toàn hiện được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua những sản phẩm được quảng cáo là sạch và an toàn. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều tiểu thương, cửa hàng buôn bán các mặt hàng rau, củ gắn mác là rau sạch, rau an toàn. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp “tự xưng” để bán được giá cao.
Rau, củ ở các chợ được quảng cáo là rau sạch. Ảnh: NGUYÊN VÕ |
Rau sạch, rau an toàn cần hiểu sao cho đúng?
Khi nhắc về rau, chúng ta thường nghe người tiêu dùng nhắc tới rau an toàn, rau sạch, rau hữu cơ… Tuy nhiên, với những tên gọi khác nhau thì quy chuẩn hay tiêu chuẩn về từng loại cũng khác nhau.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới: Hiện nay rất nhiều người tiêu dùng chưa hiểu rõ về khái niệm thế nào là rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ. Nhìn chung, khi chọn sản phẩm thì người tiêu dùng lựa chọn rau sạch để sử dụng.
Hiện tiêu chuẩn về rau an toàn ở Việt Nam đã có, cụ thể rau an toàn là loại rau: không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm ( dưới ngưỡng cho phép của WHO); Không còn tồn dư hàm lượng Nitrat ( dưới ngưỡng cho phép của WHO); Không tồn tại vi sinh vật gây hại ( Collifor, E.Coli…); Không tồn lưu những kim loại nặng trong rau. Với quan điểm rau sạch, thường được đánh giá bằng cảm quan bên ngoài, cụ thể là không lẫn đất cát là chưa chính xác mà cần phải sạch bên trong nữa (theo tiêu chuẩn rau an toàn).
Cũng theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chúng ta cần phân biệt rõ canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ và sản xuất nông sản hữu cơ. Rau canh tác theo hướng hữu cơ là rau khi trồng trọt được giảm thiểu tối đa những loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Còn sản xuất những loại rau hữu cơ thì phải tuân thủ những qui định của tổ chức quốc tế có thẩm quyền cấp chứng chỉ cho sản phẩm rau hữu cơ sau khi đã trực tiếp giám sát và theo dõi đến vụ và đóng gói.
Chứng chỉ được cấp cho nông sản hữu cơ chỉ có thời hạn nhất định, hết thời hạn phải làm lại. Ngoài ra, các yêu cầu về đất trồng và nguồn nước của rau cũng được đảm bảo nghiêm ngặt như: không nhiễm kim loại nặng, không chịu ảnh hưởng của nước thải công nghiệp. Không trồng rau ở những vùng ô nhiễm không khí hay các vùng lân cận các khu nhà máy, xí nghiệp, khu chăn nuôi vì khi trồng rau sẽ dễ hấp thụ các khí ô nhiễm và hút các chất kim loại nặng, hay dễ nhiễm giun, sán và các bệnh truyền nhiễm.
“Quy định về chuẩn an toàn thường bao gồm chuẩn sạch. Rau an toàn phải an toàn từ “bên trong” và bên ngoài cũng không còn lẫn đất, cát hay vi sinh vật” Các chỉ tiêu này được đúc kết bằng kinh nghiệm của cha ông ta thường nói: Nông sản phải đạt hai chữ “ ngon, lành” là đủ- TS Nguyễn Đăng Nghĩa chia sẻ.
Tự xưng rau sạch bị xử lý ra sao?
Trường hợp tự xưng rau sạch, rau an toàn để bán được mức giá cao hơn xảy ra không ít. Việc đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM chia sẻ: người kinh doanh đã thay bao bì, đóng gói sản phẩm không đúng với xuất xứ ban đầu thuộc trường hợp “giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa” quy định tại khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020.
“Trường hợp “Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa” thì người vi phạm có thể bị xử phạt 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với giá trị hàng hóa dưới 1 triệu đồng. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 50 triệu đồng. Nếu hàng hóa là thực phẩm thì mức phạt gấp hai lần mức nêu trên”- Luật sư Lê Văn Hoan nói.
Tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi thậm chí người vi phạm có thể bị xử lý về tội Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193 BLHS.