Câu nói “hổ phụ sinh hổ tử” quả không sai khi nhắc đến gia đình của ông Hoàng Nam Tiến.
Chặng đường tại FPT của ông Hoàng Nam Tiến được đánh dấu bằng những cột mốc tiêu biểu như: Năm 2002 - 2003, ông Hoàng Nam Tiến giữ chức Phó Giám đốc FPT TP. Hồ Chí Minh. Năm 2003 - 2008, ông Hoàng Nam Tiến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phân phối FPT. Ông góp phần quan trọng giúp FPT hoàn thành mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu năm 2008.
Từ 2007 - 2012, ông Hoàng Nam Tiến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu Công nghê cao Hoà Lạc FPT.
Năm 2012, ông Hoàng Nam Tiến giữ vị trí Chủ tịch FPT Software. Trong 8 năm, FPT Software dưới sự điều hành của ông đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%, trở thành một trong 500 công ty phần mềm lớn nhất thế giới, Top 100 Nhà cung cấp dịch vụ uỷ thác hàng đầu thế giới...
Nhiều người đã biết ông Hoàng Nam Tiến là con trai út của Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Cục Khoa học Quân sự), Bộ Quốc phòng và bà Nguyễn Thị An Vinh - nguyên Thành ủy viên, nguyên Cửa hàng trưởng Cửa hàng bách hóa số 5 Nam Bộ, nguyên Phó giám đốc sở Ngoại thương Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IV, V.
Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ, bà Nguyễn Thị An Vinh |
Bên cạnh đó có những câu chuyện đặc biệt về gia tộc đã được ông Tiến chia sẻ trong một chương trình takshow khiến nhiều người bất ngờ. Đồng thời ông cũng nêu ra quan điểm về giáo dục đặc biệt.
Những chia sẻ nhận được đông đảo sự quan tâm và ủng hộ của mọi người, nguyên văn một đoạn trong buổi nói chuyện như sau:
Tôi phải khoe đã, ông kị nhà tôi là đỗ giải Nguyên triều đình nhà Nguyễn và sau đó thì ông được phong làm Chánh Ngự y Triều đình, tương đương với vị trí Trưởng ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương hiện nay. Chuyên chăm lo sức khoẻ của vua, của hoàng hậu, hoàng tử công chúa và các phi tần. Con của ông kị Chánh Ngự y cũng đỗ giải Nguyên.
Ba tôi được học hành rất là cẩn thận, ba tôi trước khi về hưu là Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, ngoài được coi là một trong những chiến tướng nổi danh nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì ông còn là một nhà khoa học.
Mẹ tôi mặc dù là người phụ nữ năm 8 tuổi đã đi ở, làm giúp việc nhưng bà vẫn học xong đại học và học quản trị kinh doanh ở nước ngoài. Thời những năm 1980, học quản trị kinh doanh ở nước ngoài chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhất là nữ.
Đến khi tôi đi học thì tôi chợt phát hiện ra một điều, là chưa bao giờ ba mẹ tôi bắt tôi là phải giỏi nhất lớp, học thế nào là do tôi tự lo. Và về sau khi tôi có con, tôi cũng không bao giờ ép các con phải như con nhà người ta. Vì tôi sợ nhất là khi tôi bắt các con tôi giống con nhà người ta thì nó sẽ hỏi lại bố mình có bằng bố người ta hay không. Nhỡ may con hỏi: năm 45 tuổi ông Bill Clinton đã làm Tổng thống Mỹ thì năm 45 tuổi ba làm gì?
Tôi mong muốn là các con tôi được chơi nhiều, vì vậy khi mà cô con gái đầu của tôi đang làm lớp trưởng lớp chuyên toán của trường Hà Nội – Amsterdam thì tôi đã cho con nghỉ. Tôi cũng học chuyên toán, là khoá đầu tiên của trường Hà Nội – Amsterdam. Tôi không muốn là sáng con học, trưa học, chiều học tối học và cứ giải toán giải hoài. Tôi mong con được chơi.
Hình ảnh Sếp Tiến và con gái |
Và lúc đó tôi đã ủng hộ việc con chơi cosplay. Tôi đã mua cả máy may để con may những bộ đồ cosplay.
Tôi nói thật là tôi có một quan điểm giáo dục hơi khác, Chúng ta, tôi và bạn đi làm đều biết, việc giỏi văn giỏi toán không chứng minh là bây giờ chúng ta giỏi . Nhưng 12 năm liền ở tất cả trường phổ thông, việc giỏi văn giỏi toán đều quy về mình là người giỏi. Đến khi đi làm hoàn toàn không phải thế.
Thực ra mỗi người có một năng lực riêng, một cái điểm xuất sắc của họ. Có rất nhiều người giỏi về âm nhạc, người giỏi về hội hoạ, âm thanh hình ảnh, người lại giỏi về vận động ví dụ như đá bóng giỏi, bơi giỏi chạy giỏi. Và mỗi người đấy khi ra đời họ đều phát huy được năng lực của mình. Khi đó chẳng ai hỏi họ là văn giỏi hay toán giỏi .
Nhưng 12 năm trước đây, thế hệ của tôi và nhiều bạn đều được đánh giá là thế hệ “ ngoan cố” . Tại sao gọi thế? Vì trong học bạ bao giờ cũng ghi là : Con luôn ngoan ngoãn và cố gắng.
Ngày hôm nay, tất cả các bạn GenZ đều hiểu rằng, phẩm chất quan trọng nhất là: Tư duy độc lập và năng lực phản biện. Tức là ngày xưa các thầy cô và bố mẹ gọi là khả năng cãi – một cách có lý luận, có trình độ.
Nên việc suốt ngày lấy văn và toán ra để đánh giá con người, suốt ngày lấy cái tiêu chuẩn “ngoan cố” để đánh giá thì làm sao các bạn Genz có thể tồn tại có thể đứng vững trong thời đại ngày nay.
Và tôi nghĩ tôi rất may mắn khi bố mẹ tôi đã đối xử với tôi theo cái cách mà các GenZ ngày nay mong được đối xử. Đấy là điều khách biệt với rất rất nhiều các ông bố bà mẹ ngày xưa.
Hình ảnh được sếp Tiến chia sẻ |
Rời FPT Telecom, sếp Hoàng Nam Tiến nhận nhiệm vụ mới là Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT. Ông được kỳ vọng giúp tổ chức giáo dục FPT có nhiều bước phát triển mới trong tương lai khi là một lãnh đạo có nhiều ý tưởng táo bạo, cũng như có các đóng góp cho công tác hướng nghiệp, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.