HMD Global lần này đã mang đến một tablet vừa túi tiền và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là người dùng có nhu cầu học, làm việc trực tuyến trong mùa dịch.
Thiết kế
Nokia T20 vẫn kế thừa vẻ ngoài ăn chắc mặc bền của thương hiệu Phần Lan với mặt lưng phủ nhôm mát mẻ màu xanh đậm, còn mặt trước được phủ kính cường lực chắc chắn. Thiết kế máy đạt chuẩn IP52 cho khả năng chống bụi, nước nhẹ nhàng đủ để đảm bảo an toàn khi vô tình bị văng nước vào.
Tablet Nokia đồng hành với màn hình IPS LCD 10,4 inch - tương đương iPad - có độ phân giải 1.200 x 2.000 pixel với độ sắc nét phù hợp trong tầm giá 6 triệu đồng. Máy đạt độ sáng tối đa 400 nits đủ dùng trong nhà và tích hợp công nghệ hạn chế ánh sáng xanh, cho phép tùy chỉnh tông màu cùng chế độ nền tối.
Tỉ lệ màn hình lạ 5:3 giúp máy trông thon dài, gọn để thao tác một tay. Phần viền dày và góc được bo cong giúp bảo vệ tốt thân máy, hạn chế việc gây cấn màn hình khi va chạm. Nhìn chung, máy khá gọn để cầm thoải mái thậm chí là một tay, miễn là đừng cầm quá lâu. Khi bạn cầm máy ngang, nút nguồn và âm lượng sẽ nằm bên trái.
Cổng USB-C xuất hiện ở bên phải, điều đáng mừng cho một tablet giá rẻ thay vì dùng chuẩn micro-USB đã lỗi thời. Giắc tai nghe của Nokia T20 được đặt khá dị ngay ở góc máy, nhưng dùng thực tế thì sẽ không có quá nhiều trở ngại.
Cấu hình
Nokia T20 dùng chip Spreadtrum Usonic T610 12nm tám nhân 1,8 GHz kết hợp giữa 2 nhân Cortex A75 & 6 nhân A55. Đây là dòng chip khá lạ so với các tablet khác và không được giới công nghệ đánh giá cao do chúng thường được dùng trên các smartphone giá rẻ để tiết kiệm chi phí.
Nhưng thực tế sự kết hợp giữa một con chip bình dân này và phiên bản Android 11 thuần gốc mang đến một sự cộng hưởng tích cực giúp thao tác mượt, ít độ trễ và chỉ khi chạy đa nhiệm nhiều tác vụ thì mới bị lag đôi chút. Dùng thử Facebook, Titok, Chrome hay các game nhẹ như chơi xếp kim cương, chém trái cây thì máy vẫn chạy ổn. Thậm chí có thể chơi thử Liên Quân mobile dù không được mượt mà cho lắm.
Nokia T20 có thêm điểm cộng về phần mềm khi HMD Global cho biết sẽ nâng cấp máy lên Android 12, thậm chí Android 13 trong tương lai gần. Nghĩa là chiếc tablet này đảm bảo đồng hành với người dùng trong hai ba năm nữa.
Phiên bản Android thuần giúp máy nhẹ nhàng và chạy mượt. Nhưng Nokia T20 không được thiết kế tối ưu cho đặc thù công việc khi không đính kèm bất kỳ phụ kiện bàn phím hay bút cảm ứng chính hãng nào, nên người dùng chỉ có thể chọn mua các phụ kiện hiện có trên thị trường nếu chúng tương thích.
Tối ưu cho dạy, học trực tuyến
Với bộ loa kép stereo và camera trước 5MP có góc ghi hình rộng để bật lên khi cần điểm danh, phát biểu cùng màn hình lớn 10 inch giúp Nokia T20 trở thành lựa chọn phù hợp để dạy và học trực tuyến. Loa ngoài của máy cho âm lượng to và chất âm trầm dày để nghe rõ nội dung bài giảng. Việc tích hợp 2 micro hỗ trợ công nghệ thu âm OZO giúp video call, phát biểu, trao đổi công việc to rõ hơn.
Ngoài ra, Kids Space được Google phát triển dành riêng cho các máy tính bảng chạy Android tạo ra không gian riêng cho phép trẻ tiếp xúc với các nội dung chọn lọc cho trẻ. Camera sau 8MP kèm flash LED của Nokia T20 phù hợp để “chữa cháy” khi cần chụp tài liệu, bài kiểm tra...
Viên pin 8.200mAh cho phép thời gian dùng trung bình tới 2 ngày với tổng thời gian bật màn hình 6-8 giờ sau mỗi lần sạc pin. Máy có hỗ trợ sạc 15W nhưng dung lượng pin to thì bạn vẫn sẽ phải để máy sạc qua đêm từ 8-10 giờ để nạp đầy năng lượng.