Đánh giá khả năng Trung Quốc làm trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine

17/03/2023 16:49

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổ chức cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, vài tuần sau khi Trung Quốc đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm cho xung đột ở Ukraine.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cơ quan này đang liên lạc với cả hai bên. Trong khi Bắc Kinh chưa xác nhận về kế hoạch trao đổi giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Putin hoặc Tổng thống Zelensky thì có một số suy đoán cho rằng Trung Quốc có lẽ đang cố gắng đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Lý do Trung Quốc cố gắng trở thành bên trung gian hòa giải

Trung Quốc thường tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào xung đột của các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia ở xa lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thỏa thuận hòa bình đạt được ở Bắc Kinh vào tuần trước giữa Saudi Arabia và Iran đã cho thấy Trung Quốc có mục tiêu hướng tới xác lập vị trí như một nước lớn có trách nhiệm dưới thời ông Tập Cận Bình.

"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn được nhìn nhận trên trường quốc tế như một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng", Wang Jiangyu - Giáo sư Luật tại Đại học Thành phố Hong Kong nhận định.

Giới phân tích cho rằng nỗ lực trở thành bên trung gian hòa bình là một cuộc đầu tư chi phí thấp nhưng lại có thể thu về thành quả lớn cho Trung Quốc, thậm chí cả khi một đột phá nhanh chóng là điều khó có khả năng xảy ra sớm.

Đề xuất hòa bình của Trung Quốc

Trung Quốc hối thúc Nga và Ukraine nhất trí giảm dần leo thang để hướng tới ngừng bắn hoàn toàn trong một tài liệu 12 điểm mà nước này đề xuất mang tên "giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine".

12 nội dung cơ bản được đưa ra trong tài liệu bao gồm: tôn trọng chủ quyền của các quốc gia; từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh; ngừng bắn và đình chiến; nối lại đàm phán hòa bình; giải quyết khủng hoảng nhân đạo; bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh; bảo vệ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; giảm thiểu rủi ro chiến lược; đảm bảo vận chuyển lương thực; chấm dứt trừng phạt đơn phương; bảo đảm ổn định chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng; thúc đẩy tái thiết sau xung đột.

Nga và Ukraine phần nào bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch trên trong khi Mỹ và NATO tỏ rõ thái độ hoài nghi với đề xuất của Trung Quốc.

Khẳng định chỉ cân nhắc đến tiến trình hòa bình sau khi quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine, Kiev đã nêu ra việc kế hoạch trên của Bắc Kinh không tuyên bố Nga phải rút khỏi biên giới được xác lập sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Dù vậy, sau đó, Kiev cho biết nước này cởi mở với "một số phần của kế hoạch".

Trong khi đó, Nga thông báo sẽ "nghiên cứu cẩn thận" kế hoạch trên dù chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho giải pháp hòa bình ở thời điểm hiện tại.

Ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Nga đánh giá Trung Quốc thực sự muốn giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine nhưng những trở ngại chính cho hòa bình là giới lãnh đạo Ukraine và các nước phương Tây ủng hộ Kiev.

"Chúng tôi đánh giá cao mong muốn chân thành của Trung Quốc trong việc đóng góp vào tiến trình giải quyết xung đột ở Ukraine bằng biện pháp hòa bình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay trong một thông báo khi bình luận về lộ trình 12 điểm mà Trung Quốc đưa ra nhằm chấm dứt xung đột một cách hòa bình.

NATO và EU đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh "không đáng tin cậy" trong vấn đề Ukraine bởi nước này không tham gia cùng họ chỉ trích Moscow.

Trung Quốc có thể đóng vai trò như thế nào?

Các nhà phân tích cho rằng, không giống như mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran - vốn có thể dễ đạt được thắng lợi ngoại giao hơn, Trung Quốc khó có thể đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.

"Saudi Arabia và Iran thực sự muốn đàm phán và cải thiện quan hệ, trong khi Nga và Ukraine không muốn điều đó, ít nhất là ở thời điểm này", Yun Sun - Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington cho hay.

Tuy nhiên, chuyên gia Yun cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể hành động như một "kênh sau" bằng việc thúc đẩy động lực đàm phán cho hai bên, điều khó xảy ra hiện nay bởi cả hai đều kiên định với lập trường của mình.

Nỗ lực không thu về trái ngọt của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tổ chức đối thoại cho Nga và Ukraine ở Istanbul trong những tuần đầu xung đột nổ ra vào năm ngoái đã cho thấy khó khăn của việc này.

Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang ở vị trí tốt hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ để đóng vai trò như một bên trung gian hòa giải bởi nước này có nhiều ảnh hưởng hơn với Nga.

Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của Nga. Bắc Kinh đã mua dầu mỏ từ Moscow, đồng thời cung cấp thị trường cho hàng hóa Nga chịu trừng phạt từ các nước phương Tây.

Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định với Ukraine bởi Kiev sẽ không muốn phá vỡ cơ hội Bắc Kinh hỗ trợ nước này tái thiết sau xung đột, Samuel Ramani, một chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford đánh giá.

Trung Quốc đã mở rộng thương mại với Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và không công nhận vùng lãnh thổ này là một phần của Nga, chuyên gia trên cho hay.

Theo nhà quan sát Ramani: "Quan trọng hơn, Tổng thống Zelensky không muốn khiêu khích Trung Quốc đến mức họ sẽ bắt đầu cung cấp vũ khí cho Nga”.

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc với Nga có thể khiến vai trò trung gian hòa giải của nước này bị đặt câu hỏi. Vài ngày trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga và Trung Quốc đã thông báo về mối quan hệ đối tác không giới hạn./.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá khả năng Trung Quốc làm trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO