Apple vẫn thận trọng với các thay đổi trên iPhone 14 Pro. Dynamic Island, Always-on-Display không thật sự tạo ra khác biệt về trải nghiệm. Chính chất lượng hoàn thiện tốt, phần mềm thông minh, hệ sinh thái liền mạch là điểm giúp Táo khuyết tiếp tục giữ chân khách hàng.
Là công ty có giá trị vốn hóa hơn 2.000 tỷ USD, Apple phải thận trọng trong từng thay đổi trên iPhone, dòng sản phẩm chiếm đến 70% doanh thu. Dễ hiểu khi Táo khuyết chọn những bước nâng cấp an toàn trên thiết bị của mình.
Tôi từng rất hào hứng với màn hình luôn sáng hay Dynamic Island trên iPhone 14 Pro lúc Apple giới thiệu. Nhưng sự hấp dẫn của tính năng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi trải nghiệm. Sau cùng, đây cũng là một nâng cấp nhỏ của Táo khuyết.
Dẫu vậy, iPhone 14 Pro không nhất thiết phải cải tiến thêm để bán chạy và được nhiều người săn đón. Đây vẫn là thiết bị tỏ ra vượt trội về chất lượng hoàn thiện, phần mềm thông minh và hệ sinh thái liền mạch.
Tuy nhiên, với những sản phẩm chất tốt được giới thiệu mỗi năm, cùng nâng cấp hạn chế, Apple sẽ ngày càng khó để thuyết phục người dùng mua điện thoại mới. Đang dùng iPhone 12 Pro, Táo khuyết chưa tạo ra đủ lý do để tôi mua iPhone 14 Pro.
Tôi rất ấn tượng với đoạn quảng cáo Apple dùng để giới thiệu Dynamic Island.
Do đó, “Đảo động” là phần tính năng đầu tiên tôi muốn dùng thử khi trên tay chiếc iPhone 14 Pro. Tôi tin rằng mình không phải thiểu số. Khi đưa chiếc máy cho vài người đồng nghiệp dùng thử, điều đầu tiên họ làm là mở đồng hồ hay trình phát nhạc để xem thật sự tính năng này hoạt động ra sao.
Apple đã thành công trong việc khiến người dùng quên đi phần đen trên màn hình là một “khiếm khuyết”. Dạng thiết kế mới không còn trở thành chủ đề chế giễu trên Internet như khi notch xuất hiện ở iPhone X.
Đồng thời, những tín đồ của Táo khuyết đã quá quen với "tai thỏ" trong 5 năm qua. Do đó, một chút thay đổi này cũng dễ dàng khiến họ cảm thấy hài lòng. Bất chấp thực tế trong cùng thời gian đó, các thương hiệu Android có bước tiến dài về phần cứng. Trong cùng giai đoạn, họ chuyển sang dùng dạng khuyết giọt nước, đục lỗ, camera pop-up và cả máy ảnh dưới màn hình.
Quay lại những điều Dynamic Island làm được. Apple tạo ra một công cụ nổi, hiển thị trên các ứng dụng khác và cho phép người dùng tương tác. Đây là một phương pháp để đa nhiệm trên iPhone. Tôi có thể xem luồng ghi âm khi đang lướt web, check bấm giờ giữa lúc xem phim. Tính ứng dụng có thể được mở rộng khi có nhiều ứng dụng bên thứ 3 hỗ trợ chức năng này.
Tuy nhiên với tôi, tác dụng lớn nhất của Dynamic Island là khiến bản thân quên đi phần khuyết màn hình. Vấn đề của chức năng này là nó được đặt quá cao, trong khi tất cả thao tác của iOS dần được đưa xuống phía dưới.
Từ Spotlight, điều hướng hay Control Center, người dùng có thể thao tác bằng ngón tay cái. Riêng Dynamic Island phải dùng đến tay còn lại. Do đó, chức năng này trở nên thiếu tự nhiên. Đồng thời, việc động chạm nhiều vào khu vực camera trước khiến tôi phải có thêm thao tác lau lại ống kính trước khi dùng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc Dynamic Island được thiết kế tốt. Các hoạt ảnh bung mở từ khu vực này đều rất mượt. Hiệu ứng thú vị, thu hút người dùng tương tác với nó. Dynamic Island giống như phần pop-up khi kết nối với AirPods hoặc phụ kiện Magsafe. Nhỏ, nhưng rất ấn tượng.
Tôi cũng có trải nghiệm tương tự với màn hình luôn sáng, Always-on-Display.
Về mặt công nghệ, đây là một tính năng “chất” với hàm lượng nghiên cứu cao. Apple phải trang bị thêm một bộ xử lý tín hiệu màn hình trên SoC A16 Bionic để quản lý. Tốc độ làm tươi, độ sáng được điều chỉnh giảm xuống thấp nhất để tối ưu năng lượng.
Tuy nhiên, thứ tôi cần ở chức năng này đơn giản là xem giờ và thông báo. Việc có thêm phần ảnh nền không cần thiết bởi người dùng tắt mở điện thoại hàng trăm lần mỗi ngày và hình bìa luôn hiển thị ở đó.
Apple tốn nhiều công sức để tái định nghĩa tính năng màn hình luôn sáng. Nhưng điều tôi cần vốn đã có ở phương thức cũ, trên các điện thoại Android.
iPhone 14 Pro có cùng kích thước, khối lượng so với đời cũ. Cụm camera lớn ở mặt lưng là khác biệt để nhận diện thiết bị từ phía sau. Tuy nhiên, nó cũng khá khó để phân biệt.
Muốn “khoe” bản thân đang dùng dòng iPhone mới nhất, người dùng buộc phải mua màu Deep Purple. Tôi không có nhiều kỳ vọng vào màu sắc này sau buổi giới thiệu, nhưng nó mang lại nhiều cảm xúc hơn khi được cầm trên tay.
Ngoài yếu tố mới mẻ, màu tím của iPhone 14 Pro vẫn được xử lý tốt để mang lại cảm giác cao cấp, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Bên cạnh màu xám, sắc tím là phiên bản tôi sẽ cân nhắc nếu mua chiếc điện thoại này.
Cụm camera quá lớn so với mặt lưng là điều khiến bản thân băn khoăn trên iPhone 14 Pro. Mẫu Pro Max 6,7 inch có thể sẽ mang đến cái nhìn hài hòa hơn.
Mặt khác, đây còn là một lỗi thiết kế khi nó không đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng. Ở tư thế cầm nắm tự nhiên, ngón trỏ của tôi thường xuyên nằm trên phần ống kính. Điều này gây bẩn camera và khó chịu cho tay.
Ngoài ra, cụm máy ảnh quá lớn trên mặt lưng còn khiến iPhone 14 Pro khó khăn khi sử dụng một số loại sạc không dây.
Khi Apple đổi thiết kế từ iPhone 12, điện thoại của hãng không còn thân thiện cho trải nghiệm cầm nắm. Ngoài việc nặng, khung thép vuông còn gây cấn tay, khó chịu khi dùng lâu. Galaxy S22 Ultra, Oppo Find 5 Pro là những chiếc flagship làm tốt hơn iPhone 14 Pro ở điểm này.
Đổi lại, mặt trước thiết bị rất ấn tượng. Cách Apple dùng mặt kính phẳng, vuông góc vốn rất khác các hãng còn lại. Việc loại bỏ khuyết đỉnh còn tạo ra khung hình cân đối với 4 cạnh viền mỏng như nhau. Trong thế giới điện thoại, mặt trước của iPhone vẫn khác biệt.
Sở hữu độ sáng 2.000 nit và tốc độ làm tươi linh hoạt. iPhone 14 Pro có một trong những màn hình tốt nhất trên thị trường. Tuy nhiên, những vấn đề xuất hiện trên iPhone 13 Pro/Pro Max gần đây đặt ra câu hỏi về cách Apple kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhất là phần cứng quan trọng như màn hình.
Chân thực là tính từ thường được dùng để miêu tả chất ảnh của iPhone trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, điều này dần thay đổi và không còn đúng trong mọi trường hợp. Từ thế hệ trước, Apple đã bắt đầu dùng nhiều thuật toán hơn để xử lý ảnh chụp trên máy.
Năm nay, công ty giới thiệu Photonic Engine, một hệ thống khác để chụp liên tục, ghép ảnh và cân đối màu sắc, ánh sáng . Điều này khiến cho trải nghiệm chụp hình trên iPhone 14 Pro trở nên giống máy Pixel hay Huawei.
Thứ tôi thấy trên live-view của ứng dụng chụp ảnh không phải kết quả cuối cùng. iPhone cần thêm khoảng 1 giây để xử lý bức ảnh. Thời gian có thể dài hơn với những điều kiện phức tạp.
Trong một số thời điểm, điều này là tích cực. Bức ảnh cuối cùng sáng, chi tiết và có dải tương phản động rộng hơn. Cũng có những lúc iPhone 14 Pro khiến tôi bực mình vì bức hình cho ra có cân bằng trắng khác hoàn toàn cùng chi tiết quá gai. Với sự can thiệp nhiều hơn của thuật toán, bức ảnh chụp từ iPhone đang khác dần với thứ bản thân nhìn thấy thực tế.
Sự chân thực chỉ tồn tại ở chế độ chân dung. Khác hoàn toàn đời trước, ảnh chân dung của iPhone 14 Pro có cách xử lý da thiên về tông xanh. Cộng thêm việc tăng nét khiến chủ thể là người trong ảnh bị lộ ra nhiều khuyết điểm của gương mặt.
DxO Mark chấm camera của iPhone 14 Pro đạt 146 điểm, chỉ thấp hơn Honor Magic 4 Ultimate trên bảng xếp hạng. Với một thang điểm phụ thuộc nhiều vào mức độ hiệu quả của HDR cùng chi tiết ảnh chụp, kết quả này là dễ hiểu.
Với nâng cấp ở độ phân giải lên 48 MP, ảnh chụp thiếu sáng từ iPhone 14 Pro được cải thiện một phần. Thời gian chờ chụp đêm cũng được rút ngắn. Trong khi đó, camera góc siêu rộng và zoom 3x vẫn tương tự thế hệ trước.
Năm ngoái, tôi chê iPhone 13 Pro có mức thu phóng 3x, gây khó khăn để chụp trong điều kiện hẹp. Apple đã có thêm vào mức zoom 2x trên iPhone 14 Pro. Dù không phải thu phóng quang học, điều này vẫn mang lại cho người dùng thêm một tùy chọn khi chụp ảnh.
Cinematic Mode không phải chức năng mới. Nhưng đây là điều khiến tôi ấn tượng nhất trên camera của iPhone 14 Pro. Với con chip mới, Apple nâng độ phân phải khi quay phim xóa phông lên mức 4K nét hơn. Đồng thời, khả năng tách chủ thể, phân biệt tiền cảnh hậu cảnh, mức độ xóa mờ chính xác hơn hẳn.
Với nhu cầu sản xuất nội dung video lên đang lên ngôi, đây sẽ là tính năng được ứng dụng nhiều. Chế độ Siêu chống rung cũng làm việc khá hiệu quả. Nhưng tôi không nghĩ mình cần dùng nhiều chức năng này khi vốn hệ thống chống rung quang học của iPhone đã làm việc rất tốt.
Không có nhiều điều để nói về cấu hình hay pin của iPhone 14 Pro khi các nâng cấp đều không rõ ràng. iOS 16 mang đến nhiều thay đổi ở màn hình khóa, Focus, iMessage. Tuy nhiên, với truyền thống cập nhật đều đặn, phần lớn trải nghiệm đều đồng nhất trên những chiếc iPhone đời cũ.
Thực tế, hiện vẫn có một số ứng dụng, game chưa tối ưu cho Dynamic Island hay chip Apple A16 mới. Nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian. Pin của iPhone 14 Pro ở mức đủ dùng cho một ngày, không ấn tượng như mẫu Pro Max. Ngoài ra, có thêm khoảng 10% hao hụt cho chức năng Always-on-Display nếu nó được bật và có thông báo thường xuyên.
Người dùng đã quen với những nâng cấp nhỏ giọt trên iPhone mới từ Apple. Những tiên đoán về việc giữ vòng đời thiết kế trong 2-3 năm đã không còn đúng. Thay vì những thay đổi vượt bậc từ iPhone 5s lên iPhone 6, iPhone 7 tới iPhone X, Apple chia nhỏ tính năng trên từng năm một.
Thêm một model màn hình lớn ở sau iPhone X, bổ sung camera khi ra mắt iPhone 11 hay một khung viền vuông cho iPhone 12. Năm nay, mọi sự chú ý dồn vào thiết kế mới của mặt trước iPhone 14 Pro/Pro Max.
Những tín đồ công nghệ dễ dàng bị ấn tượng với cách Apple giới thiệu Dynamic Island hay Always-on-Display tại sự kiện. Tuy nhiên, đây không phải phát kiến lớn về công nghệ, có thể thay đổi định hướng toàn ngành di động như Táo khuyết từng làm.
Dù vậy, Apple thể hiện mình vẫn đúng trong chiến lược kinh doanh. iPhone trở thành sản phẩm bất bại của ngành di động. Số lượng tiêu thụ vẫn đạt hàng trăm triệu chiếc mỗi năm với thay đổi nhỏ giọt.
Thay vì tính năng mới, chất lượng hoàn thiện cao cấp, iOS tiện lợi, thông minh cùng hệ sinh thái liền mạch là thứ "giam cầm" người dùng, khiến họ ngại chuyển sang một hệ sinh thái khác.