Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: Huyền thoại loa 'xuyên thấu' trở lại, lợi hại hơn xưa

17/04/2020 11:58

Sau gần 3 năm kể từ phiên bản 2, Harman Kardon mới chính thức tung ra chiếc Aura Studio 3, dòng loa "xuyên thấu" biểu tượng của hãng với thay đổi lớn về ngoại hình và đặc biệt là việc tăng hơn 3 lần công suất loa sub.

Được phát triển từ những mẫu loa iSub và Soundsticks ra đời từ cách đây hơn 20 năm, nhưng cho đến tận bây giờ, kiểu dáng của Aura Studio vẫn chưa bao giờ tỏ ra lỗi thời nhờ thiết kế trong-suốt-siêu-thực, vượt thời gian.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Harman Kardon Aura Studio 3 với thiết kế trong suốt độc đáo

Nếu bạn chưa biết thì iSub và Soundsticks vốn là những sản phẩm hợp tác giữa Harman Kardon với Apple, và do chính tay Jony Ive, cựu thiết kế trưởng của Táo Khuyết, người đứng sau nhiều sản phẩm "huyền thoại" như iPhone, iMac, iPod... trực tiếp đảm nhận.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Những chiếc loa iSub và Soundsticks – tiền thân của Aura Studio - có tuổi đời đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ tỏ ra lỗi thời nhờ kiểu dáng mang đậm chất viễn tưởng

Với Aura Studio 3, Harman Kardon tiếp tục phát huy những thế mạnh vốn có trên các thế hệ trước và thực hiện nhiều thay đổi lớn, đồng thời mức giá cũng tăng lên hơn 1 triệu, chạm mức 6,9 triệu đồng. Vậy những thay đổi đã mang đến tác dụng thế nào? Hãy cùng VnReview tìm hiểu trong bài đánh giá chi tiết ngay sau đây.

Thiết kế bắt mắt, không giống loa chút nào

Nhờ kiểu dáng mái vòm trong suốt độc đáo thừa hưởng từ các thế hệ trước, Aura Studio 3 khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì cữ ngỡ rằng đây là một chiếc đèn ngủ, đồ trang trí nội thất hay thậm chí là... máy xay sinh tố thay vì là một mẫu loa Bluetooth.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Kiểu dáng "đặc dị" của Aura Studio 3 khiến nhiều người ngỡ ngàng khi biết rằng đây lại là một chiếc loa Bluetooth

Phần mái vòm trong suốt tuy vẫn làm từ nhựa mica như các thế hệ trước nhưng đã được xử lý tinh xảo hơn, gần với thủy tinh hơn và hơi tối hơn đôi chút so với Aura Studio 2, tạo được nét sang trọng cần có ở một sản phẩm cao cấp. Ngoài tác dụng thẩm mỹ, mái vòm này còn có nhiệm vụ chính là buồng cộng hưởng giúp cho tiếng bass đầy đặn hơn. Điểm cần lưu ý là lớp nhựa này vẫn dễ xước và bám bụi nên bạn cần thật nâng niu mỗi khi lau chùi vệ sinh hay di chuyển loa.

Một "đặc sản" khác của các loa iSub, Soundsticks hay Aura Studio trước đây là ống thông khí cho loa sub kéo dài từ đỉnh loa xuống ngang thân. Chi tiết này đã bị loại bỏ đi trên Aura Studio 3. Đây có thể coi là hướng đi hợp lý, lắng nghe người dùng của Harman Kardon bởi ống thông khí đã bị nhiều phàn nàn vì rất dễ bám bụi, côn trùng lọt vào, thậm chí còn có thể đóng cả mạng nhện bên trong và gần như không thể làm sạch. Phần đỉnh loa giờ đây được làm kín hoàn toàn, hơi lõm vào trong đôi chút với những đường vân lượn sóng bắt mắt.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Ống thông khí "đặc sản" một thời được loại bỏ đi do "lợi bất cập hại" dễ bám bụi, côn trùng, khó vệ sinh

Nhờ lớp vỏ "xuyên thấu" bao kín từ đỉnh loa xuống phần thân, Aura Studio 3 có thể "khoe khéo" toàn bộ nội thất phía trong. Khu vực này được làm lượn sóng khá cầu kỳ và bố trí một dàn đèn LED Ambient Light "hoành tráng", sẵn sàng giúp chiếc loa của Harman Kardon "bừng sáng" theo đúng nghĩa đen, nhất là trong đêm tối.

Harman Kardon cũng rất biết cách "show hàng" khi ngay từ lúc bật nguồn, dàn đèn sẽ tỏa sáng kết hợp cùng âm thanh khởi động nghe đậm chất kích thích, như hối thúc người dùng đến với thế âm nhạc ẩn giấu phía trong.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Họa tiết lượn sóng phía trong tăng thêm tính thẩm mỹ

Hiệu ứng đèn LED Ambient Light trên Aura Studio 3

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Phần lượn sóng chính là nơi bố trí dàn đèn LED giúp Aura Studio 3 "bừng sáng" trong đêm tối

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Hiệu ứng ánh sáng "ảo tung chảo" nhất là khi nhìn thẳng từ đỉnh loa xuống dưới

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Ánh sáng sẽ lan tỏa dần từ tâm ra xung quanh theo một chế độ duy nhất chứ không "quẩy" theo nhịp nhạc

Phần ống thống khí bị loại bỏ đi đã giúp ánh sáng được lan tỏa đều hơn, phủ kín toàn bộ mái vòm và phản chiếu lại toàn bộ cụm đèn bên dưới, tạo nên vẻ ngoài "huyền ảo" hơn các phiên bản trước.

Ngoài tác dụng trang trí, hệ thống đèn LED còn có nhiệm vụ hiển thị mức âm lượng mỗi khi có sự thay đổi hay thông báo về trạng thái Bluetooth.

Tiếc là phần đèn này chỉ có một chế độ duy nhất được lập trình sẵn, chậm rãi lan tỏa ánh sáng từ phần trung tâm sang ra xung quanh chứ không "nhảy múa" được theo nhịp nhạc. Khi phát nhạc, đèn cũng chỉ có duy nhất màu trắng và chuyển sang màu xanh dương khi cần ghép cặp Bluetooth, không phải loại RGB đổi màu linh hoạt.

Hệ thống điều khiển tối giản

Đi theo phong cách tối giản nên các nút bấm điều khiển của Aura Studio 3 được lược giảm tối đa. Chỉ còn nút tăng giảm âm lượng và bật tắt đèn ở phía trước, cùng nút nguồn và Bluetooth ở mặt sau. Loa cũng có giắc âm thanh 3.5mm để bạn có thể sử dụng thêm với DAC rời hay các thiết bị không có Bluetooth như TV, PC.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Mặt trước với nút tắt/bật dàn đèn lượn sóng và 2 phím tăng giảm âm lượng, bạn có thể giữ 2 phím âm lượng cùng lúc để bật chức năng mute (tắt tiếng)

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Mặt sau là nút nguồn, Bluetooth cùng giắc âm thanh 3.5mm và cổng cắm nguồn

Tất cả nút bấm này đều là dạng cảm ứng, chỉ cần chạm nhẹ là hoạt động với độ nhạy cao. Một điểm thay đổi trên phiên bản 3 này là nút nhận cuộc gọi đã bị loại bỏ đi, đồng nghĩa với việc loa không còn mic và cũng không thể dùng để làm loa thoại khi cần.

Một cắt giảm khác là Aura Studio 3 không còn tính năng Wireless Dual Sound, vốn cho phép người sử dụng liên kết hai chiếc Aura lại với nhau hoặc kết hợp với một sản phẩm khác của Harman Kardon để tạo nên hệ thống loa kép, đa kênh.

Lưu ý là Aura Studio 3 không có pin, vì vậy sẽ luôn cần cắm điện để sử dụng. Sản phẩm cũng không thể tạm dừng hay thực hiện lệnh chơi nhạc, chuyển bài tới lui hay lựa chọn nguồn phát. Loa sẽ luôn ưu tiên kết nối Bluetooth nên khi cần nghe nhạc bằng cổng 3.5mm, bạn cần ngắt hết kết nối với tất cả thiết bị trước đó.

Một điểm hay là cứ sau 10 phút không phát nhạc hoặc thực hiện bất cứ thao tác nào, Aura Studio 3 sẽ tự động chuyển về trạng thái chờ (standby mode) với chỉ 30% đèn LED bật sáng nhằm tiết kiệm điện năng. Nếu thêm 10 phút nữa mà vẫn không có tương tác nào, loa sẽ chuyển tiếp sang chế độ "ngủ sâu" (deep sleep mode) và tắt toàn bộ đèn LED để gần như không tiêu tốn một chút điện nào.

Chỉ cần bật nhạc trở lại từ bất kỳ nguồn phát nào gồm cả Bluetooth và giắc 3.5mm, Aura Studio 3 sẽ lập tức thức dậy và sẵn sàng hoạt động. Vì vậy, bạn có thể quên đi nút nguồn và không cần phải lo về hóa đơn tiền điện mỗi tháng nữa.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Aura Studio 3 không có pin bên trong nên sẽ luôn phải cắm điện khi sử dụng

Sử dụng công nghệ Bluetooth 4.2, Aura Studio 3 cho phép kết nối với 2 thiết bị Bluetooth cùng lúc nên tôi vừa có thể vừa ghép đôi với điện thoại cùng laptop, và dễ dàng chơi nhạc từ cả 2 thiết bị này. Đồng thời, loa cũng nhớ được tối đa 20 thiết bị đã từng kết nối nên cả gia đình hay công ty có thể dùng chung mà không mất công chuyển đổi rườm rà.

Một chi tiết hơi bất tiện trong quá trình sử dụng là nút nguồn và Bluetooth được đặt ở mặt sau nên khi thao tác, bạn sẽ phải nhoài người ra mới có thể chạm tới. Không dõ lý do nào đã khiến Harman Kardon không đặt 2 nút bấm này ở những vị trí thuận tiện hơn, như cạnh phải hoặc trái. May mắn là hãng đã làm nút nguồn lõm xuống và nút Bluetooth lồi lên để dễ phân biệt, tránh bấm nhầm.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Nút nguồn và Bluetooth đặt phía sau làm việc thao tác hơi bất tiện

Việc sử dụng Aura Studio 3 hoàn toàn đơn giản, chỉ cần cắm điện, bật nguồn, bật Bluetooth và kết nối với điện thoại hay laptop là xong. Aura Studio 3 hỗ trợ Bluetooth 4.2 với các profile A2DP 1.3, AVRCP 1.6. Dù thế, tôi vẫn mong Harman Kardon cung cấp một app cho smartphone để có thể điều khiển chiếc loa này từ xa, hay ít nhất là bật tắt nguồn hoặc tinh chỉnh một chút Equalizer.

Chất âm ấn tượng, đặc biệt là dải bass

Điểm nâng cấp lớn của Aura Studio 3 là phần loa sub-woofer chuyên trị âm bass được tăng kích thước lên 130mm (so với 112mm của Aura Studio 2) và công suất của loa sub lên đến 100W cao hơn đến hơn 3 lần so với Aura Studio 2 (30W). Cùng vì vậy mà trọng lượng của Aura Studio 3 lên tới 3,6Kg, nặng hơn đáng kể so với đời 2 (2,5Kg).

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Dải bass của Aura Studio 3 sẵn sàng làm nức lòng những tín đồ bass head

Loa sub vẫn được đặt hướng xuống đất theo dạng down-firing. Với thiết kế này, tốt nhất bạn hãy sắp xếp cho Aura Studio một nơi có bề mặt vững chắc và đủ cứng cáp như bàn gỗ để loa có thể ra âm thanh tối ưu nhất. Đặc biệt lưu ý cần tránh các bàn kính vì có thể gây ra những tiếng rung lắc khó chịu. Dải tần đáp ứng của Aura Studio 3 cũng khá ấn tượng khi có thể xuống đến mức 45Hz dù kích thước tương đối nhỏ gọn.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Cục sub được tăng công suất lên 100W, gấp hơn 3 lần đời trước

Với cục sub lớn cùng công suất tăng gấp 3 lần, ngay từ những tiếng bass đầu tiên, Aura Studio 3 có thể khiến nhiều người phải trầm trồ. Tiếng bass cực kỳ dồi dào về lượng, xuống sâu, có lực, nhất là ở những mức âm lượng lớn và tất nhiên sẵn sàng làm rung bàn, rung ghế. Các nhịp bass điện tử trên những bản EDM được đánh với lực khỏe, mềm, căng, rất đã tai.

Năng lượng đượng phân bố hợp lý giữa cả phần mid bass và sub bass, đem đến cảm giác căng tràn và đầy đặn khi cần thể hiện các đoạn dập kick với tốc độ dồn dập trong các đoạn drop cao trào, tạo nền nhịp điệu sôi động cho các nhạc cụ khác có đất để thể hiện. Dường như đây là thứ bass lý tưởng được sinh ra dành cho các thể loại nhạc điện tử EDM sôi động, lẫn game hay phim hành động và chắc chắn làm hài lòng các tín đồ bass head. Đáng khen khi kết nối Bluetooth của Aura Studio 3 gần như không có độ trễ nên việc chinh chiến trong những tựa game như PUBG hay Call of Duty Mobile hoàn toàn thỏa mãn.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Điểm đáng giá ở dải bass của Aura Studio 3 là không còn xuất hiện tiếng rè khó chịu khi mở mức âm lượng lớn với những bản nhạc nhiều bass như từng bị trên đời trước.

Màng loa sub của Aura Studio 3 khi phát nhạc

Nửa bên dưới của Aura Studio 3 vẫn là nơi chứa toàn bộ các loa vệ tinh và loa sub tương tự các thế hệ trước. Khu vực này được bọc một lớp vải chất lượng cao, chuyên dụng cho các thiết bị âm thanh. Đằng sau lớp vải vẫn có tới 6 củ loa đảm nhận dải trung và cao, đường kính 40mm trải đều khắp phần thân để tạo nên âm thanh 360 độ, phủ kín không gian xung quanh. 6 củ loa được kéo bởi một mạch amply công suất 2x15W.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

6 củ loa bố trí khắp phần thân dưới đảm nhận dải trung và cao, đồng thời mang đến âm thanh 360 độ tỏa khắp không gian

Nhờ vậy, tổng công suất của Aura Studio 3 đạt mức 130W, lớn hơn gấp đôi so với đời trước, chỉ có công suất 60W, mang tới âm lượng lớn hơn hẳn, đủ để lấp đầy những căn phòng 30-40 mét vuông.

Dải trung có sự thay đổi rõ rệt, thay vì dải trung nhẹ nhàng và hơi lùi thì nay đã thanh thoát, thoáng đãng hơn dù có hơi mỏng và giảm bớt độ đày đặn, ấm áp của giọng ca sĩ đi đôi chút. Dù vậy, dải trung vẫn giữ được đủ độ chi tiết cần thiết để có thể thấy được những đoạn nhấn nhá và lấy hơi một cách rõ ràng.

Dải treble có xu hướng nhẹ nhàng, đủ để phần lớn người nghe phổ thông có cảm giác cân bằng và thấy được các chi tiết của bản nhạc, loại trừ gần như hoàn toàn hiện tượng sib và chói gây khó chịu. Nhưng nếu là người mong chờ một dải treble dày, sáng và nhiều năng lượng để phục vụ cho các bản rock hạng nặng thì có lẽ Aura Studio 3 sẽ chưa đủ khả năng để khiến bạn hài lòng.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Dù nhấn mạnh về bass nhưng dải trung và cao vẫn hài hòa, đủ làm hài lòng số đông

Với cách sắp xếp vị trí các driver theo dạng loa 360 độ, Aura Studio 3 không phải là một bộ loa có thế mạnh về khả năng tái tạo âm trường rộng mở và chính xác được như các bộ loa 2 kênh truyền thống. Nhưng bù lại, người dùng có thể đứng ở bất kì vị trí nào trong phòng mà vẫn có thể được tận hưởng âm thanh với chất lượng gần như không thay đổi. Đây là một ưu điểm lý tưởng với tính chất sử dụng của một bộ loa để bàn, và rõ ràng Aura Studio 3 đã làm rất tốt điều đó.

Tổng kết

Trải qua 3 thế hệ, Harman Kardon đang ngày càng cho thấy sự hoàn thiện của dòng loa Aura Studio. Với phiên bản mới nhất, hãng đã mạnh dạn loại bỏ chi tiết ông thông khí từng là biểu tượng một thời nhưng lại "lợi bất cập hại", mang đến nhiều phiền toái trong quá trình sử dụng. Từ đó, mang đến nét tươi mới cho dòng loa đã có "gốc gác" hơn 20 năm tuổi đời.

Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: huyền thoại loa

Chất lượng âm thanh cải tiến, đặc biệt là âm bass với sự bổ sung lớn về lượng, thỏa mãn các tín đồ bass head nhưng vẫn đảm bảo thể hiện trọn vẹn, không quá lấn át dải mid và treble.

Điểm mà Harman Kardon cần tiếp tục cải thiện là cho phép hệ thống đèn LED có thể "quẩy" theo nhạc, tinh chỉnh lại vị trí các nút bấm, đặc biệt là phím nguồn hoặc cho phép bật tắt từ xa.

Rõ ràng, ở mức giá 6,9 triệu đồng, Aura Studio 3 không hướng tới số đông nhưng một khi bạn đủ khả năng tài chính và cần tới một chiếc loa hội tụ đầy đủ các yếu tố về thẩm mỹ, chất âm, độ tiện dụng, đây chắc chắn là lựa chọn rất đáng lưu tâm.

Ưu điểm:

+ Thiết kế bắt mắt, sang trọng, loại bỏ lỗ thông khí dễ bám bụi, côn trùng của đời trước.

+ Hệ thống đèn LED "lung thị linh".

+ Chất âm ấn tượng, đặc biệt là dải bass, hợp nghe EDM, xem phim, chơi game hành động.

Nhược điểm:

 - Vị trí nút nguồn và Bluetooth chưa hợp lý.

- Đèn LED không cho "quẩy" theo nhạc.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá Harman Kardon Aura Studio 3: Huyền thoại loa 'xuyên thấu' trở lại, lợi hại hơn xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO