Đằng sau vụ trao đổi tù nhân Nga - Mỹ

10/12/2022 23:00

Vụ trao đổi tù nhân giúp trả lại tự do cho vận động viên bóng rổ Brittney Griner kéo dài suốt nhiều tháng, do những tính toán về lợi ích chiến lược giữa cả Mỹ và Nga.

griner trao doi tu nhan anh 1

Suốt nhiều tháng ròng rã, giới ngoại giao Mỹ tìm cách đạt được một thỏa thuận với Moscow để trao trả tự do cho Brittney Griner và Paul Whelan, hai công dân Mỹ bị Nga bắt giam. Nhưng câu trả lời duy nhất mà Washington nhận được là nếu muốn cả hai người này, Mỹ phải giao cho Nga Vadim Krasikov, theo New York Times.

Thế khó của Mỹ

Krasikov là sát thủ đứng sau vụ ám sát một chiến binh gốc Chechnya tị nạn ở Đức, vụ việc xảy ra tại Berlin năm 2019. Vụ ám sát gây chấn động nước Đức, Berlin cáo buộc tình báo Nga đứng sau Krasikov.

Sát thủ người Nga sau đó bị truy tố và lĩnh án tù chung thân tại Đức. Bởi vậy, Washington không có quyền, cũng không có người để giao Krasikov cho Moscow.

Khi nhận được yêu cầu của Nga, giới chức Mỹ hiểu không dễ để Đức chấp nhận một thỏa thuận như vậy. Trên thực tế, Berlin từ chối trả tự do cho người mà Đức coi là sát thủ máu lạnh.

Phía sau hậu trường, một số quan chức ngoại giao Mỹ tin rằng yêu sách liên quan Krasikov chỉ là một chiến thuật câu giờ của Điện Kremlin. Washington tin rằng Moscow quyết tâm không trao cho Tổng thống Joe Biden bất cứ điều gì có thể được coi là chiến thắng chính trị trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ.

griner trao doi tu nhan anh 2
Brittney Griner khi bị giam tại Nga. Ảnh: Reuters.

Những ý kiến khác cho rằng Moscow đang nghiêm túc. Việc đòi lại Krasikov có thể là cách để cơ quan tình báo Nga giữ thể diện nếu Washington muốn giải phóng cho Whelan, người Moscow coi là gián điệp dù Nhà Trắng nhiều lần bác bỏ.

Dù trắng đen thế nào, việc Tổng thống Biden cuối cùng chấp nhận trao đổi tù nhân mà chỉ trả tự do cho một mình Griner là kết quả của những cuộc đàm phán trong bí mật, và quyết định cuối cùng không phải điều dễ dàng cho Nhà Trắng.

Ngôi sao bóng rổ Griner trở về Mỹ hôm 9/12. Trong khi đó, cựu lính thủy đánh bộ Whelan vẫn tiếp tục ngồi tù ở Nga. Đã gần 4 năm kể từ khi Whelan bị Nga bắt giữ với cáo buộc gián điệp. Tương lai số phận của Whelan vẫn là ẩn số, dù Tổng thống Biden cam kết sẽ nỗ lực đưa ông về nước.

Theo AP, Tổng thống Putin hôm 9/12 tuyên bố Nga vẫn tiếp tục giao thiệp với Mỹ về trao đổi tù nhân và "mọi kịch bản đều khả thi". Washington đưa ra tuyên bố tương tự, cam kết tiếp tục thảo luận với Moscow để sớm trả tự do cho ông Whelan.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov trả lời trên TASS quan điểm của nước này: "Chúng tôi đơn giản là muốn càng nhiều công dân Nga trở về nước càng sớm càng tốt. Nhiều người trong số họ có vấn đề sức khỏe".

Nói về cuộc trao đổi Griner và Bout, Thứ trưởng Ryabkov cho biết các chi tiết được trao đổi trực tiếp giữa hai bên thông qua kênh đặc biệt, không có sự tham gia của trung gian. Đây cũng sẽ là cách các thảo luận tương tự trong tương lai được tiến hành.

Thỏa thuận một đổi một

Ngôi sao bóng rổ Griner bị bắt với cáo buộc về ma túy chỉ một tuần trước khi Nga đưa quân vào Ukraine. Trong mắt Washington, Griner giống như một con tin trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây.

Ngay từ cuối tháng 4, phác thảo thỏa thuận trao đổi tù nhân đã thành hình. Thông qua trao đổi giữa các cơ quan tình báo, Nga đánh tiếng muốn đổi Griner lấy Viktor Bout, ông trùm buôn lậu vũ khí bị bắt ở Thái Lan năm 2008. Bout lĩnh án 25 năm tù giam tại Mỹ. Dù vậy, Moscow không có ý định đưa Whelan vào thỏa thuận trao đổi.

Giới chức Mỹ cho rằng Bout có giá trị với Moscow bởi người này có liên hệ chặt chẽ với các cơ quan tình báo Nga và nhiều nhân vật đầy quyền lực tại Moscow. Trong 14 năm qua, Moscow miêu tả Bout là kẻ tử vì đạo. Do đó, việc trả tự do cho trùm buôn lậu vũ khí sẽ là một chiến thắng cho Điện Kremlin.

Với Moscow, trao đổi Griner và Bout chỉ là một vụ trao đổi hai tội phạm thông thường. Trong khi đó, Whelan bị Nga coi là gián điệp, vì vậy chỉ có thể trao đổi với một tù nhân khác có mức độ quan trọng tương ứng.

griner trao doi tu nhan anh 3
Viktor Bout sau phiên tòa ở Thái Lan năm 2010. Ảnh: Reuters.

Vấn đề ở chỗ Mỹ hiện không giam giữ bất cứ đối tượng nào được coi là gián điệp Nga. Vì vậy, cái tên Krasikov được nhắc đến.

Theo Reuters, Krasikov bị bắt sau khi nổ súng bắn chết Zelimkhan Khangoshvili tại Berlin năm 2019. Khangoshvili là một thủ lĩnh lực lượng ly khai ở Chechnya sống lưu vong ở Đức trước khi bị ám sát. Truyền thông nhà nước Nga gọi Khangoshvili là khủng bố.

Đòi hỏi của Moscow khiến Washington thất vọng. Mỹ sau đó có hành động hiếm thấy là công khai với công chúng về danh tính những tù nhân mà Washington đề nghị trao đổi, Griner và Whelan đổi lấy Bout. Nhà Trắng kỳ vọng sử dụng sức ép công luận để buộc Nga từ bỏ yêu sách về Krasikov.

Nga im lặng trong nhiều tháng. Chỉ tới khi bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ qua đi, Moscow mới phản hồi. Nhưng thay vì chấp nhận đề xuất của Mỹ, Moscow muốn loại bỏ Whelan khỏi thỏa thuận.

Trong khi Nga coi đổi Griner lấy Bout là trao đổi công bằng, nhiều người Mỹ lại nghĩ khác.

Bout bị bắt vì buôn lậu vũ khí trái phép, dính dáng tới hàng loạt cuộc xung đột vũ trang đẫm máu nhất thế giới. Trong khi đó, Griner bị cáo buộc vận chuyển trái phép tẩu có chứa dầu cần sa vào Nga. Mức độ và hành vi phạm tội của hai người này hoàn toàn khác nhau.

Dù vậy, đây cũng là lần đầu tiên Moscow phản hồi đề nghị trao đổi tù nhân của Mỹ. Tại Nhà Trắng, hàng loạt cuộc họp cấp cao được tổ chức nhằm xác định liệu Nga có thực sự nghiêm túc trong vụ trao đổi một - một hay không.

Sức ép đè nặng lên Nhà Trắng bởi Washington không có đủ thông tin. Khi các cuộc thảo luận đang diễn ra, gia đình Whelan thông báo công khai họ không thể liên lạc với ông này, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe và tính mạng của tù nhân Mỹ.

Nếu tính mạng ông Whelan có vấn đề, tất cả đều hiểu mọi thỏa thuận để trả tự do cho Griner sẽ bất khả thi. Nhưng phía Nga lúc đó dường như là bên sốt sắng tiến hành trao đổi tù nhân hơn.

Nhiều ngày sau đó, thỏa thuận trả tự do cho Griner rơi vào bế tắc bởi giới chức Mỹ phải tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra với cả hai tù nhân. Cuối cùng, tình hình chỉ dịu lại như ông Whelan liên lạc với gia đình từ nhà tù.

Toan tính vào phút chót

Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục cuối tháng 11, Tổng thống Biden khi đó đã sẵn sàng thỏa thuận với Nga. Bộ Tư pháp vẫn tiếp tục phản đối thỏa thuận trao đổi tù nhân, cho rằng điều này trái với hệ thống tư pháp Mỹ.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao và nhiều quan chức khác ủng hộ thỏa thuận, cho rằng Moscow sẽ không bao giờ thay đổi phương án đánh đổi. Tổng thống Biden cuối cùng nhất trí với kế hoạch trao đổi tù nhân.

Tuy vậy, nỗ lực đàm phán suýt chút nữa đã đi chệch hướng chỉ vài ngày sau đó khi Tổng thống Biden tổ chức quốc yến chiêu đãi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 1/12. Một phóng viên của CBS News liên hệ Nhà Trắng khi nắm được thông tin Washington chuẩn bị trao đổi Bout lấy Griner.

Lo sợ việc thông tin bị tung ra quá sớm có thể phá hỏng thỏa thuận, Nhà Trắng đề nghị CBS News chưa đưa tin.

Giới chức Mỹ sau đó hối thúc Nga hành động. Moscow phản hồi xác nhận nhất trí với kế hoạch trao đổi tù nhân.

griner trao doi tu nhan anh 4
Brittney Griner tại sân bay Kelly Field, San Antonio hôm 9/12. Ảnh: AP.

Một ngày sau quốc yến, Tổng thống Biden ký lệnh ân xá cho Bout. Trước khi chuyển giao cho Nga lệnh ân xá này, Washington một lần nữa đề nghị Moscow cân nhắc phương án trao đổi một người khác để trả tự do đồng thời cho Griner và Whelan. Nhưng Nga một lần nữa từ chối.

Hai bên sau đó chuẩn bị phương án vận chuyển tù nhân, với một máy bay từ Moscow dành cho Griner, và một máy bay từ Mỹ dành cho Bout.

Câu hỏi còn lại là địa điểm hai bên thực hiện trao đổi. Trong các cuộc trao đổi tù nhân trước giữa Washington và Moscow, châu Âu thường được lựa chọn. Nhưng lúc này, châu Âu và Nga đang đối đầu gay gắt vì chiến sự ở Ukraine. Moscow lo sợ máy bay chở Bout sẽ bị chặn lại tại châu Âu.

Hai bên sau đó thỏa thuận chọn UAE, một đồng minh của Mỹ nhưng đang có quan hệ tốt với Nga. Quốc gia Trung Đông cũng sẵn sàng làm trung gian cho vụ trao đổi tù nhân. Thỏa thuận cuối cùng là hai máy bay sẽ cùng đáp tại Abu Dhabi, thủ đô UAE.

Bài liên quan
  • Chuyện chưa kể về Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
    Bà cũng kể lại những kỷ niệm về Bác Hồ và “cụ Nghĩa nhà ta” từ ngày gặp nhau bên Pháp cho đến chiến khu Việt Bắc. “Ông nhà tôi luôn nói rằng Bác Hồ là bậc thầy về tuyển chọn và trọng dụng nhân tài. Tài năng và đức độ của Bác đã cảm hóa và ảnh hưởng rất lớn đến những nhân sĩ yêu nước, cho dù họ ở đâu, làm gì…” -Bà Khánh nói.
  • Tròn 1 năm Hamas tấn công Israel, Trung Đông biến thành 'địa ngục'
    Một năm sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hy vọng cho hòa bình ngày càng mờ nhạt, còn Trung Đông bị đẩy đến "bờ vực" xung đột toàn diện.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau vụ trao đổi tù nhân Nga - Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO