Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chưa công bố lập trường chính thức của Tokyo về cử quan chức Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc đầu năm tới. (Nguồn: AP) |
Mặc dù Mỹ, Australia, Anh và Canada tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Olympic mùa Đông 2022 tại Trung Quốc vì vấn đề nhân quyền, nhưng Nhật Bản vẫn chưa đưa ra quyết định.
Điều này khiến không ít chính trị gia nước này dần mất kiên nhẫn, đặc biệt là khi họ cho rằng tương phản với thái độ cứng rắn của phương Tây, Tokyo đang tỏ ra ngày một mềm mỏng trước Bắc Kinh. Quan điểm này đang dần phổ biến hơn trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Theo đó, ngày càng có nhiều nghị sĩ bảo thủ quan ngại về các hành động được cho là vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh tại Tân Cương và Hong Kong (Trung Quốc), thậm chí hy vọng Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết lên án chính quyền Bắc Kinh ngay trong kỳ họp hiện nay.
Ngày 8/12, 5 nhóm nghị sĩ của LDP và đảng Công minh chuyên xử lý các vấn đề về người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng đã có buổi họp chung, khẳng định mong muốn thông qua nghị quyết của Quốc hội lên án Trung Quốc. Một nhóm nghị sĩ bảo thủ khác đã đề xuất sớm thông qua nghị quyết này để trình Thủ tướng Kishida.
Các nghị sĩ bảo thủ đang đẩy mạnh hoạt động sau khi chứng kiến Mỹ và châu Âu có lập trường ngày càng cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền, trong khi Nhật Bản lại có xu hướng mềm mỏng hơn.
Sau khi chưa thể thông qua nghị quyết về Trung Quốc trong kỳ họp thường niên của Quốc hội đầu năm nay, các nghị sĩ bảo thủ đang thúc đẩy Quốc hội thông qua nghị quyết khác trong kỳ họp hiện nay.
Quan trọng hơn, lập trường ngày một cứng rắn của chính giới bảo thủ tại Nhật Bản với Trung Quốc khiến không ít người đặt câu hỏi về khả năng Nhật Bản tẩy chay ngoại giao Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh.
Tại cuộc họp của một nhóm nghị sĩ bảo thủ ở Quốc hội ngày 8/12, nói về đề xuất này, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của LDP Sanae Takaichi khẳng định Nhật Bản “cần làm điều đó”.
Phát biểu trên một chương trình truyền hình tối 7/12, cựu Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của LDP Hakubun Shimomura, nói: “(Trung Quốc) nên tổ chức một lễ hội hòa bình dựa trên tiền đề rằng các quyền cơ bản của con người được đảm bảo”.
Trong khi đó, một số thành viên khác của LDP cho rằng bên cạnh vấn đề nhân quyền, Tokyo nên tẩy chay Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ông Masahisa Sato, Giám đốc Bộ phận Đối ngoại của LDP, nhấn mạnh: “Sự tham gia của các nguyên thủ và bộ trưởng ở Thế vận hội Bắc Kinh sẽ không gửi đi một thông điệp tốt”.
Không chỉ LDP, một số chính trị gia của phe đối lập cũng kêu gọi Tokyo tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh. Phát biểu tại phiên họp Hạ viện, Chủ tịch Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) đối lập Yuichiro Tamaki cho rằng “Nhật Bản cần xem xét tham gia tẩy chay ngoại giao” vì tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida vẫn chưa có lập trường rõ ràng về vấn đề này. Điều này khiến ông trở thành mục tiêu chỉ trích của các nghị sĩ có quan điểm cứng rắn. Trước đó, họ từng nghi vấn về việc Thủ tướng Kishida bổ nhiệm ông Yoshimasa Hayashi, người từng đứng đầu Hội Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Trung, làm Ngoại trưởng.
Theo Jiji Press (Nhật Bản), phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 9/12, Thủ tướng Kishida Fumio chỉ nói Tokyo sẽ có quyết định cuối cùng về Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh sau khi xem xét thích đáng lợi ích quốc gia: “Tôi sẽ quyết định phản ứng của chính phủ Nhật Bản vào thời điểm thích hợp vì lợi ích quốc gia sau khi xem xét một cách toàn diện các nhân tố ngoại giao và các vấn đề khác”.