Ít ai biết rằng, một trong những ứng viên được bầu vào HĐQT CTCP Vận tải đa phương thức Duyên Hải (Mã CK: TCO) tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2021 (hôm 25/9) cũng chính là cựu giám đốc của CTCP Gavi (Gavico): ông Trần Hoàng Anh Tuấn (SN 1981).
Theo tìm hiểu của VietTimes, vào tháng 3/2015, ông Trần Hoàng Anh Tuấn đã nhận chuyển nhượng 50% vốn Gavico từ Công ty TNHH Thương mại đầu tư Tín Thương (Tín Thương). Sau giao dịch này, cơ cấu cổ đông của Gavico bao gồm: ông Trần Hoàng Anh Tuấn (50% VĐL), công ty Tín Thương (30% VĐL), ông Trần Huy Cường (10% VĐL) và bà Lê Thị Hoàng Trinh (10% VĐL).
Ông Hoàng Anh Tuấn đảm nhiệm vai trò Giám đốc kiêm người đại diện của Gavico từ tháng 11/2017 tới tháng 1/2018, rồi chuyển giao cho ông Huỳnh Khánh Vinh (SN 1980). Vị trí này sau đó lần lượt được trao cho ông Nguyễn Văn Tính (SN 1966) và Nguyễn Thanh Phong (SN 1993).
Đến tháng 5/2020, ông Trần Anh Tuấn đã nắm giữ tới 64% cổ phần Gavico, trong khi các cổ đông còn lại đã triệt thoái vốn. Cập nhật tới tháng 9/2021, Gavico đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 155 tỉ đồng lên 400 tỉ đồng.
Ngoài Gavico, ông Tuấn cũng được biết tới trong vai trò là Chủ tịch HĐQT/HĐTV của một loạt pháp nhân khác, như: CTCP Dịch vụ TaZon; CTCP Oriental Cove; CTCP AllFarm; Công ty TNHH Thương mại DeliFarm.
Bước ngoặt của TCO
Thành lập từ tháng 1/2012, Gavico là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực (chủ yếu là bán buôn gạo), đặt trụ sở chính tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Đây cũng là công ty mục tiêu mà TCO muốn thâu tóm sau khi hoàn thành các đợt chào bán 25,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ 15,8 triệu cổ phiếu cho ông Trần Hoàng Anh Tuấn và CTCP HQ Investment Group, cùng với mức giá 11.000 đồng/cp.
CTCP HQ Investment Group tiền thân là CTCP Sài Gòn HQ Investment, được sáng lập bởi Công ty TNHH Eco United Holdings (34% VĐL), Công ty TNHH Uy Nghi Investment (40% VĐL) và ông Lương Văn Quang (26% VĐL).
Trong đó, tính đến tháng 12/2019,
Công ty TNHH Uy Nghi Investment (UNI) có vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Trong đó, ông Lại Minh Hậu sở hữu 10% vốn, bà Võ Diệp Cẩm Vân – con gái ông Võ Trường Thành – sở hữu 90% cổ phần còn lại.
Kết hợp với nguồn vốn tự có, TCO dự kiến dành ra 601,8 tỉ đồng để mua lại 20,4 triệu cổ phần (tương đương 51% vốn) Gavico từ các cổ đông hiện hữu với giá 29.500 đồng/cp.
Việc chào bán cổ phần để thâu tóm Gavico là một trong những diễn biến đáng chú ý ở TCO sau một loạt sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông kể từ đầu năm 2021 tới nay.
Các cổ đông lớn như CTCP Hàng hải MACS, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Capital), ông Nguyễn Thành Lê và bà Nguyễn Thị Nhung đã bán ra tổng cộng 6,7 triệu cổ phiếu TCO, chiếm khoảng 35,8% vốn điều lệ.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân như Đàm Mạnh Cường, Phạm Duy Như Quỳnh và Lê Hồng Ngọc tích cực gom mua cổ phần TCO, hiện nắm giữ khoảng 7,2 triệu đơn vị, tương đương 43,59% vốn điều lệ.
Xen giữa các giao dịch nói trên là sự xuất hiện của CTCP HQ Investment Group với hoạt động ‘trading’ hàng triệu cổ phần TCO.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2021, TCO cũng tiến hành triệt thoái vốn ở cả 8 công ty con. Hoạt động tái cơ cấu giúp TCO thu về 208,2 tỉ đồng từ thu hồi đầu tư góp vốn.
Ở chiều hướng ngược lại, TCO đã chi 19,9 tỉ đồng để mua cổ phiếu DGT của CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai và 11,1 tỉ đồng mua cổ phiếu HTP của CTCP In sách giáo khoa Hoà Phát.
Bên cạnh đó, TCO còn dành ra 140 tỉ đồng tham gia góp vốn vào một loạt hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Thương mại TTRice (TTRice), Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát (Hưng Phát) và CTCP Bất động sản Hoà Phú (Hoà Phú).
Cùng tham gia HĐQT TCO với ông Trần Hoàng Anh Tuấn, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh sẽ đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT độc lập.
Sinh năm 1990, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh có nhiều năm công tác tại các công ty chứng khoán. Bà Hạnh từng có ít tháng đảm nhiệm vai trò Trưởng bộ phận Quản lý giao dịch trái phiếu của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (Mã CK: ORS), rồi chuyển sang làm giám đốc đầu tư của CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (Việt Cát) kể từ tháng 3/2021.
Ở một chi tiết đáng chú ý, Việt Cát cũng đang lên kế hoạch đổi tên thành Công ty Quản lý quỹ Tiên Phong (TPFM), đồng thời chuyển trụ sở chính về toà nhà Doji Tower ở số 5 đường Lê Duẩn (Hà Nội)./.