Đằng sau cuộc đua doanh thu nghìn tỷ đồng của các ông lớn địa ốc

13/04/2024 13:06

Thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến, các doanh nghiệp như Vinhomes, Novaland, Nam Long, Khang Điền.... lên kế hoạch doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, ra mắt các dự án quy mô khác nhau.

Những con số bứt phá

Với kỳ vọng phục hồi của ngành bất động sản, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng bắt đầu công bố kế hoạch kinh doanh năm nay cùng những con số doanh thu nghìn tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước.

Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 16% lên mức kỷ lục 120.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,77 tỷ USD. Lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 4,3% lên 35.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các dự án đã mở bán trước đó tại Hà Nội, Hưng Yên, TPHCM, Quảng Ninh, năm nay công ty này tập trung mạnh mẽ vào việc triển khai các dự án mới tiềm năng đã hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ngoài ra, công ty triển khai các dự án mới, nhất là nhà ở xã hội. Đầu tháng 1, công ty khởi công dự án nhà ở xã hội Tràng Cát - Hải Phòng. Tháng 3, công ty đã mở bán dự án ở Vũ Yên, Hải Phòng).

Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) công bố tài liệu họp cổ đông với doanh thu mục tiêu đạt 32.587 tỷ đồng, tăng 585% so với năm trước. Kế hoạch lãi sau thuế 1.079 tỷ đồng, tăng 122%.

Tập đoàn này dự kiến tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện 16 dự án ở nhiều phân khúc khác nhau, bao gồm nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài 3 dự án đang thực hiện thì công ty còn lên kế hoạch triển khai tiếp 5 dự án ở TPHCM. Doanh nghiệp cũng dự kiến bàn giao các sản phẩm thuộc 14 dự án, trong đó 50% tại TPHCM.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) đặt kế hoạch 6.657 tỷ đồng doanh thu và 506 tỷ đồng lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ, lần lượt tăng 111% và 5% so với thực hiện năm trước. Doanh thu dự kiến đến từ việc bàn giao các dự án nhà ở trọng điểm ở TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An.

Đằng sau cuộc đua doanh thu nghìn tỷ đồng của các ông lớn địa ốc - 1

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đặt kế hoạch doanh thu nghìn tỷ đồng năm nay (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng, tăng gần 87% so với mức thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu 790 tỷ đồng, tăng 10%.

Công ty dự kiến hoàn tất xây dựng, bàn giao nhà và cấp sổ hồng cho cư dân tại dự án tại quận Bình Tân (TPHCM), lên kế hoạch xây dựng dự án tại quận Thủ Đức, dự kiến đưa vào kinh doanh cuối năm nay khi đủ điều kiện theo quy định.

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) đặt mục tiêu doanh thu 2.982 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng, gấp lần lượt 5 lần và 1,3 lần năm trước.

Ban tổng giám đốc Phát Đạt đánh giá cuối quý II là thời điểm tốt nhất để bắt đầu tung sản phẩm nên các kế hoạch bán hàng dự kiến được triển khai từ tháng 6, đẩy mạnh đến cuối năm. Công ty sẽ ưu tiên 4 dự án gồm 2 dự án nhà ở tại Bình Dương, Bình Định, 2 dự án căn hộ du lịch tại Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) đặt mục tiêu doanh thu 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 226 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 31% so với năm trước. Công ty xác định vẫn tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi gồm phát triển bất động sản và dịch vụ bất động sản, ngoài ra tìm kiếm phát triển quỹ đất.

Kế hoạch táo bạo nhưng còn đó các rào cản

Thị trường bất động sản dường như đang đi vào quỹ đạo hồi phục khi các doanh nghiệp có vẻ đã sẵn sàng cho đường đua mới, đón đầu chu kỳ mới. Sau thời gian dài án binh bất động, quý I vừa qua, nhiều chủ đầu tư đã kịp tung ra thị trường nhiều dự án thuộc các phân khúc khác nhau, đa dạng về quy mô.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) thống kê nguồn cung nhà ở phía Nam đứng đầu cả nước, chiếm khoảng 49%%, tương đương 22.000 sản phẩm. Các tỉnh lân cận và Hà Nội ghi nhận nguồn cung khoảng 15.000 sản phẩm, chiếm 33% toàn thị trường.

Đằng sau cuộc đua doanh thu nghìn tỷ đồng của các ông lớn địa ốc - 2

Thị trường bất động sản được kỳ vọng phục hồi tích cực năm nay (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình triển khai dự án. TPHCM có 77 dự án được gỡ vướng, Hà Nội có 81 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, Hải Phòng gỡ vướng 11 dự án, Bình Định tháo gỡ khó khăn 26 dự án, Cần Thơ đã gỡ vướng cho 17 dự án…

Việc hàng loạt dự án được gỡ vướng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm nguồn cung mới, cũng như góp phần khôi phục dần niềm tin của các nhà đầu tư, bước đầu tác động tích cực đến việc dần "phá băng" thị trường bất động sản.

Xu hướng chung đang được ghi nhận trên thị trường là các chủ đầu tư tiếp tục duy trì chính sách tốt dành cho sản phẩm trong rổ hàng tồn của nhiều đợt mở bán trước đó; đồng thời cắt giảm dần chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm thuộc rổ hàng mới, dự án mới.

Ông Phạm Anh Khôi - Viện trưởng DXS-FERI - cho rằng thị trường bất động sản hiện đang có nhiều dấu hiệu tích cực và được đánh giá là đang trên đà phục hồi. Dự báo thị trường sẽ dần phục hồi từ đáy chữ U, thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào các yếu tố tác động cả vĩ mô và vi mô, trong đó quan trọng nhất vẫn là sự cải thiện niềm tin.

Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group - nhận định nhiều công ty bất động sản đặt kế hoạch doanh thu nghìn tỷ năm nay phản ánh sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về những tín hiệu khởi sắc của ngành.

Giữa bối cảnh nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý, lãi suất thấp, các luật liên quan vừa được thông qua, các doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch táo bạo trong việc triển khai, bàn giao nhiều sản phẩm khác nhau nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường.

Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý một số doanh nghiệp có quỹ dự án thuộc phân khúc bất động sản nhà ở như căn hộ, đất nền, nhà phố có mức giá hợp lý, phục vụ nhu cầu ở thực thì khả năng sẽ đạt mục tiêu nếu thị trường phục hồi như dự báo.

Còn nếu kế hoạch đến từ việc bán hàng đơn thuần nhưng quỹ dự án phần nhiều đến từ bất động sản nghỉ dưỡng thì "có vẻ căng", khi thị trường này còn đang trong cảnh "nghỉ dưỡng" dài hạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cũng còn phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu còn đè nặng. Năm nay, giới phân tích đánh giá là năm có áp lực đáo hạn trái phiếu cao nhất trong 3 năm, kể từ 2022. Theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 9 tháng còn lại của năm nay, khoảng 101.000 tỷ đồng trái phiếu cần được đáo hạn đến từ ngành bất động sản, chiếm 42% toàn thị trường.

Vì thế, ông Thắng cho rằng doanh nghiệp cần thận trọng trong việc triển khai kinh doanh, cân nhắc xu hướng dòng tiền để có thể vừa giải được bài toán nguồn thu vào, vừa xử lý được nợ vay.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/bat-dong-san/dang-sau-cuoc-dua-doanh-thu-nghin-ty-dong-cua-cac-ong-lon-dia-oc-20240409113011381.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/bat-dong-san/dang-sau-cuoc-dua-doanh-thu-nghin-ty-dong-cua-cac-ong-lon-dia-oc-20240409113011381.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau cuộc đua doanh thu nghìn tỷ đồng của các ông lớn địa ốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO