Trả lời VTC News, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (thương hiệu Sao Việt) - nhận xét, con số nêu trên của Tổng cục Thống kê tương đối chính xác, thậm chí theo cảm quan của cá nhân ông, có thể còn nhiều hơn thế và là điều hoàn toàn dễ hiểu.
“Nguyên nhân là do suy thoái của kinh tế toàn cầu quá lớn, bắt đầu từ năm 2021. Do có độ trễ nên kinh tế Việt Nam đã và đang phải đón nhận ảnh hưởng từ cuối năm 2022, đầu năm 2023. Tôi cho rằng, từ giờ đến cuối năm 2023, sẽ còn nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn như thế. Vì hiện chúng ta vẫn chưa xác định được đến lúc nào sẽ chạm đáy của suy thoái”, ông Bằng nói.
Nói rõ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Bằng cho biết, hiện lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Do vậy, muốn đầu tư để thay đổi lúc này cũng khó, bắt buộc doanh nghiệp phải co cụm lại, thu hẹp quy mô.
Ông Bằng cũng dẫn chứng về doanh nghiệp của mình. Hiện doanh nghiệp vận tải này đối diện tình trạng người dân hạn chế đi lại, hạn chế đi du lịch để thắt chặt hầu bao. Trong khi nguồn thu giảm sút thì doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí cho lương, bảo hiểm xã hội, các nguồn chi phát sinh hàng ngày, hàng giờ khác.
“Bây giờ, doanh nghiệp cố gắng trụ lại bằng cách thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi phí để gắng gượng vượt qua cảnh này. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng hàng Nhà nước kiềm chế lãi suất của ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Bằng nói.
Không chỉ lĩnh vực vận tải, nhiều doanh nghiệp khác cũng đồng loạt nêu khó khăn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, tuy đã "cắn răng" cắt lỗ dự án tới 30 - 40% nhưng vẫn không có thanh khoản, không có nhà đầu tư.
Ông Trần Hữu Nam, một cán bộ có kinh nghiệm lâu năm về bán các dự án chung cư, biệt thự của tập đoàn lớn nói: “Trước đây, các doanh nghiệp bất động sản hay phát hành trái phiếu, huy động vốn để làm dự án. Nhưng bây giờ thị trường trái phiếu bị đóng băng khiến nguồn vốn bị cạn kiệt, gây ách tắc khi triển khai dự án. Trong khi vừa phải đối diện với khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp còn phải đối đầu với chi phí lãi suất ngân hàng tăng cao, cùng với thị trường trầm lắng vì nhà đầu tư hạn chế giao dịch. Do vậy, các doanh nghiệp có dự án nào đang bán sẽ phải cố gắng bán hết, hạ giá bán để thu dòng tiền về. Các dự án sắp ra được pháp lý thì triển khai bán luôn, thậm chí phải chấp nhận bán bớt tài sản, bán bớt các dự án cho chủ đầu tư khác”.
Cũng theo ông Nam, để giảm bớt khó khăn, từ đầu năm đến nay, không ít doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô nhằm tránh cảnh phá sản. Do đó, con số doanh nghiệp rời thị trường tăng là điều dễ hiểu và phù hợp với thực trạng hiện nay.
Mới đây nhất, Sở Xây dựng TP.HCM công khai thông tin hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Theo đó, 9 sàn giao dịch công bố chấm dứt hoạt động. Các sàn này bao gồm: Sàn giao dịch bất động sản Vieland của Công ty TNHH Dịch vụ bất động sản Vieland (quận 3), thành lập tháng 4/2021; Sàn giao dịch bất động sản Goland của Công ty CP Đầu tư Phát triển quỹ đất Goland (quận 1), thành lập tháng 3/2019; Sàn giao dịch bất động sản Kim Cúc Land của Công ty CP Đầu tư Kim Cúc Land (quận Bình Thạnh), thành lập tháng 5/2022.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nhiều tháng qua đã khiến các sàn môi giới phải tìm nhiều cách xoay xở, thậm chí giải thể dù vừa mới thành lập được 8 tháng.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công ty TNHH thép Vina Kyoei nói: “Từ giữa năm 2022 cho đến bây giờ, khó khăn liên tục đeo bám doanh nghiệp. Lượng tiêu thụ quá thấp, trong khi lượng thép trong nước đang dư thừa. Để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp buộc phải giảm giá bán trong khi nguyên liệu đầu vào vẫn cao nên dẫn tới thua lỗ. Cùng với đó là lãi suất ngân hàng tăng cao, tỷ giá ngoại tệ cũng cao…Những yếu tố này tác động tiêu cực tới ngành thép, bởi nguyên liệu sản xuất thép trong nước chủ yếu nhập từ nước ngoài bằng đồng ngoại tệ”.
Ông Quang cho biết thêm: “Trong tháng 1 vừa qua, doanh nghiệp chỉ hoạt động sản xuất được 20% công suất, tháng 2 hoạt động được 50% và dự báo tháng 3 hoạt động cũng chỉ đạt 50%. Như vậy, với số lượng 650 công nhân viên, người lao động buộc phải nghỉ luân phiên”.
Ông Quang dự báo, năm 2023 này vẫn còn khó khăn, trong khi kịch bản phục hồi kinh tế tích cực nhất được đưa ra cũng phải đến hết nửa năm 2023 mới phát huy kết quả.
“Công ty Vina Kyo của tôi làm thép xây dựng, thép bê tông. Nếu thị trường bất động sản không được gỡ khó thì nguồn vốn sẽ không lưu chuyển được, ngành xây dựng sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo khó khăn của doanh nghiệp thép”, ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (VINA CLEANFOOD) cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, cuộc chiến Nga - Ukraina đã tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và xu hướng của người tiêu dùng. Ông Phục cũng cảnh báo, những khó khăn do việc tăng lãi suất của các ngân hàng, khó tiếp cận vốn vay, thị trường tiêu thụ hạn hẹp…sẽ còn kéo dài.
Nói riêng về doanh nghiệp của mình, ông Phục cho biết, trong 2 tháng qua, số lượng đơn hàng giảm 30%. Doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ luận phiên và giảm hơn 40% giờ làm, kéo theo giảm 40% thu nhập của người lao động. Doanh nghiệp cũng phải giảm hơn 1.000 lao động trong số hơn 4.000 lao động của doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải chấp nhận mức tăng trưởng thấp và giảm, đồng thời thực hiện tái cấu trúc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải tự tìm được giải pháp để vượt qua khó khăn bằng việc áp dụng khoa học công nghệ với chi phí thấp, chất lượng và hiệu quả cao. Với những doanh nghiệp sản xuất thật, kinh doanh thật sẽ cơ bản vượt qua khó khăn, còn những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả sẽ gặp khó khăn về vốn, nguy cơ bất ổn và phá sản rất cao”, ông Phục nói.
Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 51,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây nhất, Sở Xây dựng TP.HCM công khai thông tin hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Theo đó, 9 sàn giao dịch công bố chấm dứt hoạt động. Các sàn này bao gồm: Sàn giao dịch bất động sản Vieland của Công ty TNHH Dịch vụ bất động sản Vieland (quận 3), thành lập tháng 4/2021; Sàn giao dịch bất động sản Goland của Công ty CP Đầu tư Phát triển quỹ đất Goland (quận 1), thành lập tháng 3/2019; Sàn giao dịch bất động sản Kim Cúc Land của Công ty CP Đầu tư Kim Cúc Land (quận Bình Thạnh), thành lập tháng 5/2022.