Nghệ sĩ ưu tú Y Phôn Ksơr sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đliê Yang (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) - nơi giao thoa giữa văn hóa Nam Trung bộ và các tỉnh Nam Tây Nguyên.
Y Phôn Ksơr là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dân tộc Ê Đê nói riêng và của cả vùng Tây Nguyên nói chung. Nhiều ca khúc của ông đã làm say đắm, thổn thức bao trái tim như “Chim phí bay về cội nguồn”, “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Đôi chân trần”.
Nổi bật hơn cả trong số các ca khúc được ông sáng tác chính là bài hát “Đôi chân trần” – một bài hát sau này được nhiều ca sĩ trẻ Tây Nguyên thể hiện trong các cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước.
Bài hát được sáng tác vào một chiều tháng 4 năm 1995. Thời điểm đó, Y Phôn cùng cố Nghệ sĩ nhân dân Y Moan (mất năm 2010), ca sĩ Y Zack trên đường đi tìm cảm hứng sáng tác tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk).
Trời chiều ngả vàng oi ả, bỗng dưng Y Phôn bắt gặp một ông cụ từ trên rẫy đi về nhà. Ông cụ đi chân trần, da ngăm đen, dáng đi khắc khỏi, nhọc nhằn.
Cố Nghệ sĩ nhân dân Y Moan vốn nghiện thuốc lá liền bắt chuyện, hỏi mượn bật lửa của ông cụ. Cuộc trò chuyện chớp nhoáng ấy vậy lại trở thầy cảm hứng để nhạc sĩ Y Phôn sáng tác tác phẩm nổi tiếng về sau.
“Nhìn dáng hình khắc khổ của người đàn ông lớn tuổi, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh “cồng kềnh” mà sau này sử dụng làm lời bài hát. Tôi nhận ra rằng, những ông cụ Ê Đê như vậy mình vẫn gặp hằng ngày. Đó là bố tôi, anh ông tôi, là những người lớn tuổi ở khắp buôn làng. Họ đều có một điều chung. Đi chân trần và khắc khổ” – nhạc sĩ Y Phôn kể lại.
Trên đường từ huyện Krông Năng về lại TP.Buôn Ma Thuột, giai điệu cùng lời hát bắt đầu vang lên trong đầu ông. Rồi ngay tối hôm đó, người nhạc sĩ một mình ôm đàn ghi ta ngân nga lời ca, rồi chép vào giấy. Mọi thứ đều theo mạch cảm xúc tự nhiên. Ông đặt tên bài hát là "Đôi chân trần."
“Lúc ấy tôi có cảm xúc cất lên lời hát: Tôi muốn quên đi. Tháng với ngày. Cha đi lượm quả ngọt rừng. Cho con đỡ đói qua đêm... Lời hát vừa cất lên, nước mắt tôi tự trào bởi vô vàn cảm xúc lận lộn về quê hương” – người nhạc sĩ nhớ lại.
Theo lời Y Phôn, lời ca khúc ban đầu là: “Tôi muốn quên đi, tháng với ngày. Cha đi lượm quả ngọt rừng, cho con ngủ qua đêm. Tôi muốn quên đi, đôi chân trần, cha đi lượm từng hạt thóc, cho con một bác cơm chiều…
Ôi ngày tháng, đôi tay gầy, run run tựa vào hàng cây. Ôi thời gian, hãy quên đi, đôi chân gồng ghềnh. Đi giữa rừng hoang vu… Lưng cha gội nắng gầy. Ôi tóc bạc tựa trăng soi…”
Rồi sáng hôm sau, cố NSND Y Moan lại thèm thuốc lá lân la đến nhà rủ Y Phôn rủ cà phê sáng. Tại đây, nhạc sĩ Y Phôn giới thiệu bài hát mới sáng tác. Nghe qua cái tên "Đôi chân trần", cố ca sĩ Y Moan tỏ ra hào hứng. Chỉ cần 5 phút đọc, ông đã thuộc lời.
Theo lời kể nhạc sĩ Y Phôn, cố ca sĩ Y Moan có lẽ là một trong những viên ngọc sáng chói trong âm nhạc ở Tây Nguyên.
Giọng ca Y Moan bình dị nhưng nội lực và chất giọng riêng, không lẫn vào bất cứ đâu. Cũng vì giọng hát đặc biệt này nên khi nghe ca sĩ Y Moan đề nghị được hát bài “Đôi chân trần”, nhạc sĩ Y Phôn không ngần ngại đồng ý.
Thế nhưng sau này khi đưa lời hát cho cố ca sĩ Y Moan hát, ông lại cảm nhận bằng bản năng và tự sửa luôn lời bài hát.
“Tôi muốn quên đi, tháng với ngày. Cha đi lượm quả ngọt rừng, cho con đỡ đói qua đêm. Tôi muốn quên đi, đôi chân trần. Cha đi lượm, từng hạt thóc. Cho con một bữa cơm chiều.
Ôi ngày tháng, đôi vai gầy, run run tựa vào hàng cây. Ôi thời gian, hãy quên đi. Đôi chân cồng kềnh. Cha đi giữa rừng hoang vu. Lưng cha thì đội nắng ghềnh. Ôi tóc bạc, tựa trăng soi..."
Tuy tự ý sửa lời ca khúc nhưng những gì cố ca sĩ Y Moan hát lên lại được mọi người đón nhận nồng nhiệt.
Đầu những năm 2000, bài hát “Đôi chân trần” được ca sĩ Y Moan hát tại các phòng trà, các đêm văn nghệ đã tạo thành một hiệu ứng vang dội.
Khắp nơi, từ người già cho đến trẻ con, thanh niên Tây Nguyên đều ngân nga ca khúc từ những buôn làng xa xôi cho đến các nương rẫy nắng gió. Bài hát “Đôi chân trần” tiếp tục khuynh đảo khán giả cả nước thông qua cuộc thị Sao Mai điểm hẹn năm 2001.