Phanh ô tô (thắng) là bộ phận quan trọng đảm bảo tốc độ và an toàn khi lái xe. Xe ô tô bị mất phanh hoặc phanh kém tác dụng là một tình huống rất nguy hiểm bởi lúc này, tài xế không thể làm chủ được tốc độ, chiếc xe cũng không thể dừng ngay lại được mà trôi theo quán tính.
Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Đỗ Huy Thành - chủ gara ô tô HT Auto (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, việc một chiếc xe đang di chuyển bị mất phanh có thể đến từ nhiều nguyên nhân như má phanh quá mòn, rò rỉ dầu phanh dẫn đến mất áp suất, lỗi hệ thống ABS hoặc có không khí lọt vào hệ thống phanh,... hoặc do nguyên nhân chủ quan từ việc lái xe.
"Một trong những thói quen lái xe của tài xế hiện nay là đạp phanh liên tục trong thời gian dài khi xuống dốc, dễ khiến bố phanh bị cháy, phanh hoạt động kém hiệu quả, thậm chí xe bị mất phanh rất nguy hiểm. Thế nên, khi xuống dốc dài, lái xe không nên đạp phanh liên tục mà sử dụng cách gài về số thấp kết hợp phanh để giảm tốc độ xe. Ngoài ra, nếu phát hiện phanh xe có mùi khét, cần dừng lại kiểm tra ngay", anh Thành nói.
Theo các chuyên gia lái xe giàu kinh nghiệm, khi đang điều khiển xe trên đường mà đột nhiên phát hiện xe bị mất phanh, cần giữ bình tĩnh và ghi nhớ một số nguyên tắc xử lý như sau:
Giảm chân ga, "nhồi" phanh liên tục
Ngay khi phát hiện xe mất phanh, cần bỏ chân ga và tắt chế độ ga tự động Cruise Control (nếu có) để giảm tốc độ, đồng thời thử đạp phanh liên tục bởi có thể xe chỉ bị mất áp suất dầu phanh tạm thời. Việc "nhồi" phanh sẽ giúp tăng thêm áp suất dầu phanh, trong một số trường hợp có thể giúp lấy lại được lực phanh.
Tuyệt đối không tắt máy xe
Khi xe ô tô mất phanh tuyệt đối không tắt máy xe, bởi ngắt điện sẽ làm xe bị mất trợ lực lái và vô hiệu hoá một số tính năng an toàn của xe, khiến tài xế rất khó điều khiển xe để tránh các chướng ngại vật trên đường.
Chuyển xe về số thấp
Người lái có thể tận dụng phanh động cơ bằng việc chuyển xe về số thấp. Đối với xe hộp số sàn, người lái chỉ cần chuyển cần số về lần lượt về số 3, 2 rồi số 1 một cách tuần tự. Đối với xe hộp số tự động, hãy chuyển sang chế độ bán tự động, chế độ số thấp hoặc chuyển số qua lẫy chuyển số trên vô lăng.
Sử dụng phanh tay
Phanh tay được thiết kế để sử dụng khi xe dừng hẳn, nhưng trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể dùng phanh tay để tạo lực hãm đáng kể lên bánh xe. Tuy nhiên, một lưu ý là chỉ sử dụng phanh tay để hãm khi xe đang chạy ở tốc độ thấp. Còn nếu sử dụng phanh tay khi đang chạy nhanh có thể khiến xe bị khoá bánh, mất độ bám, có thể khiến xe bị trượt dài, mất lái hoặc văng ngang.
Quan sát và bật đèn báo khẩn cấp
Không hoảng loạn và cũng không chăm chăm vào việc giảm tốc cho xe, thay vào đó việc cần làm là quan sát diễn biến phía trước và sau xe để tránh gây va chạm. Ngay lập tức bật đèn báo khẩn cấp, nháy đèn pha và dùng còi báo liên tục để các phương tiện đang cùng lưu thông chú ý chủ động nhường đường.
Chủ động va chạm
Trường hợp đang đi đường đèo dốc mà xe bị mất phanh là cực kỳ nguy hiểm. Nếu không thể hãm được ô tô, người lái nên cố gắng đưa xe vào các con đường vắng, đường gồ ghề, nhiều sỏi đá, lái xe đánh võng,… để xe lợi dụng lực ma sát giúp giảm tốc. Ở một số đường đèo có sẵn hốc cứu nạn, hãy chú ý và sử dụng chúng nếu cần thiết.
Trong trường hợp bất khả kháng buộc phải dừng xe, tài xế nên chọn cách xử lý sao cho thiệt hại là nhẹ nhàng nhất, ví dụ như lao chéo xe vào vật cản trên đường như ta-luy dương, đống cát, bụi cỏ, ruộng lúa,... Bởi nếu cố xuống dốc dài trong tình trạng đã mất phanh có thể nguy hiểm đến tính mạng của những người trên xe và các phương tiện khác.
Kỹ sư Đỗ Huy Thành cũng khuyên rằng, để hạn chế việc xe bị mất phanh đột ngột trên đường, nên định kỳ đưa xe đến các cơ sở uy tín để kiểm tra, đảm bảo phanh hoạt động trơn tru, an toàn nhất. Thay má phanh thường xuyên, trung bình là khoảng 30.000-40.000 km hoặc 2-3 năm sử dụng.