Đó là chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - khi nói về thực trạng sản xuất và xuất khẩu của ngành hàng trái cây Việt Nam.
Xuất khẩu quả tươi chiếm gần 76%
Tại diễn đàn “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, sản lượng cây ăn quả chính phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Hai quý cuối năm nay sẽ thu hoạch khoảng 4,1 triệu tấn trái cây.
Dù được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, song thị trường xuất khẩu chính của trái cây Việt Nam vẫn là Trung Quốc, chiếm 56,28% thị phần. Từ cuối năm 2021 đến nay, do Trung Quốc áp dụng chính sách “zero covid”, tăng các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch… đã ảnh hưởng nặng tới hoạt động xuất khẩu của nước ta.
Theo thống kê, 5 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả trái cây chỉ đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Lê Thanh Tùng chỉ rõ, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi (chiếm 75,9%). Nếu gặp vướng mắc khi xuất khẩu, việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn. Hiện thông tin về sản lượng, mùa vụ thu hoạch của các loại trái cây ở các địa phương đều có đầy đủ, kể cả thống kê về trái cây cùng loại của các nước trong khu vực. Vì vậy, các địa phương cần phải chủ động lập kế hoạch tiêu thụ và chế biến, đừng để đến lúc vào vụ thu hoạch vẫn loay hoay.
Riêng thị trường nội địa, ông Tùng dẫn thông tin FAO cho thấy nhu cầu tiêu thụ trái cây trong nước khoảng 68-70 kg/người/năm. Với dân số hơn 96 triệu người và 15-16 triệu khách du lịch tạo ra sức tiêu thụ rất lớn, các địa phương không nên bỏ qua thị trường tiềm năng này.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, trái cây là loại hàng nhạy cảm vì tính chất mùa vụ, yêu cầu cao về bảo quản, còn thị trường thì luôn biến động.
Bởi vậy, Sở NN-PTNT các tỉnh phải rà soát kỹ thời vụ, sản lượng của từng nhóm sản phẩm trái cây cụ thể, điểm rơi thu hoạch để xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp. Xác định chính xác điểm rơi mùa vụ sẽ thuận lợi cho việc phát triển thị trường tiêu thụ.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách “zero covid” vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, nhưng hiện vẫn gây khó khăn cho xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường này.
Thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, trừ mặt hàng chuối có bước phát triển vượt bậc. Ông Nguyên khẳng định Trung Quốc là một thị trường quan trọng, để gia tăng thị phần tại đây các mặt hàng của Việt Nam cần cải thiện chất lượng.
Người Thái ở đẳng cấp làm tiệc buffet từ trái cây
Để tiêu thụ trái cây bền vững, tránh được mùa rớt giá, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ Thái Lan. Theo bà, giải pháp hiệu quả nhất là phải thay đổi tư duy của người nông dân. Chính họ là người tự quyết định sự thành công hay thất bại. Họ phải tự trăn trở với chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức một hệ sinh thái đồng hành xuyên suốt, hỗ trợ, giúp đỡ người dân.
Bà cho rằng, nông dân Thái Lan có những bước phát triển hơn hẳn khi đi vào chế biến sâu, với trình độ cao hơn. “Trong khi chúng ta còn đang bán sầu riêng tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng đông lạnh thì Thái Lan đã tổ chức được những bữa tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng”, bà chia sẻ.
Thái Lan đã đầu tư mạnh tay cho công tác nghiên cứu và phát triển thị trường. Khâu marketing cũng chuyên nghiệp hơn và đem lại hiệu quả cao, trong khi đây lại là điểm yếu của Việt Nam.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, lưu ý, các doanh nghiệp Việt nên học hỏi DN các nước về tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia.
Ví như, sầu riêng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước. Tuy nhiên, ngoài sự tự tin nên học hỏi những cách làm hay ở các nước, như Thái Lan... trong việc từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm.
Còn thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, nếu các địa phương không lan tỏa đến nông dân, không thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu sẽ gặp khó khi tiêu thụ. Do đó, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc thì mới có thể thành công.
Trước đó, trả lời tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 7/6, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khi cung được mùa, thì giá xuống, đó là quy luật kinh tế. Vấn đề là chúng ta khống chế quy luật đó như thế nào? Khi được mùa thì phải trữ lại để chế biến, giảm lượng đưa ra thị trường. Hơn nữa, cần chuẩn hóa các mặt hàng nông sản trong suốt chuỗi tiêu thụ, giảm áp lực tại một thời điểm.
“Đó là phải tổ chức lại sản xuất để đồng nhất được nguyên liệu nông sản. Không đồng nhất nguyên liệu thì không thể xây dựng được thương hiệu. Tôi nhấn mạnh lần nữa là cần tổ chức lại sản xuất nhằm xây dựng thị trường nông sản minh bạch, chính quy, phân bổ từng thị trường xuất khẩu, nội địa cụ thể”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, khi tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, chúng ta sẽ có những vùng nguyên liệu đủ lớn để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường. Từ đó, việc đưa bớt vào chế biến, hay xây dựng trung tâm logistics... cũng thuận lợi hơn.
Tâm An