"Thân phận" của chiếc áo dài nam tiếp tục dấy lên những tranh cãi sau vụ việc một đại sứ chọn mặc áo dài trong ngày trình quốc thư.
Áo dài cho nam, nữ từng được đề xuất là lễ phục nhà nước, tuy nhiên nếu áo dài nữ được ủng hộ thì áo dài nam lại bị phản đối.
Trong đó, không ít người cho rằng hình thức của chiếc áo dài truyền thống đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại của nam giới Việt ngày nay.
Cụ thể, nhiều ý kiến nhận xét đàn ông mặc áo dài nhìn thiếu nam tính. Bên cạnh đó, tà áo dài cùng chiếc khăn quấn đầu (khăn xếp mặc cùng áo dài) còn gây vướng víu, không thuận tiện khi đi lại, làm việc nên ít được đàn ông Việt Nam lựa chọn dù là ngày thường hay dịp lễ tết, trọng đại.
Chia sẻ quan điểm về việc áo dài cho nam gây tranh cãi những ngày qua, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống - Đình làng Việt, thành viên giúp việc đề án lễ phục Nhà nước năm 2013-2014 thẳng thắn bày tỏ: "Những ý kiến phản đối áo dài nam thường thuộc về những người không hiểu gì về áo dài, nhiều người chê bai áo dài nam nhưng chưa từng mặc áo dài một lần (áo dài may đúng truyền thống)".
Cũng trong cuộc trò chuyện với báo Lao Động, ông Bình nhắc lại lịch sử hình thành áo dài, nhấn mạnh áo dài cho nam xuất hiện trước cả áo dài cho nữ.
Áo dài truyền thống là áo ngũ thân (áo dài 5 thân) và khăn xếp, áo chỉ dài dưới đầu gối 5-7cm, ngắn hơn rất nhiều so với tà áo dài nữ.
Áo dài ngũ thân có vạt ngắn nên vẫn thuận tiện cho nam giới đi lại, hoạt động và làm việc, lại tạo cảm giác khỏe khoắn, không thướt tha như áo dài nữ.
Theo ông Bình, phần lớn áo dài hiện nay bị may sai, may theo kiểu sân khấu, luộm thuộm nên mới kém sức thuyết phục với công chúng.
Nhiều người nghĩ mặc vest, complê theo kiểu phương Tây khiến đàn ông trở nên gọn gàng, thuận tiện hơn so với áo dài.
Nhà thiết kế Cao Minh Tiến, người có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thời trang và thiết kế áo dài đưa quan điểm: "Thuận tiện hay không là do tỷ lệ chiều dài áo và chất liệu. Tất cả điều này đều có thể khắc phục. Những năm 60, các cụ nhà ta vẫn còn mặc áo dài đi xe đạp được thì chả có gì là không thuận tiện".
Về lý do khiến đàn ông Việt "ngại" mặc áo dài, nhà thiết kế Cao Minh Tiến bày tỏ quan điểm: "Có chăng đó chính là văn hoá mặc sai lầm. Từ trước đến nay, một số người tự vạch ra rằng nam giới phải mặc thế này mới là đàn ông, mặc thế này mới là mốt.
Nam giới mặc áo dài vẫn rất mạnh mẽ, nam tính, mang vẻ đẹp truyền thống, văn hoá. Từ kiểu dáng tới chất liệu, áo dài mang cho người mặc sức mạnh, niềm tự hào về truyền thống, giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc".
Còn nhà thiết kế áo dài, Hoa hậu Ngọc Hân thì cho biết, áo dài dù đôi lúc không thuận tiện nhưng vẫn xứng đáng được phái mạnh nâng niu, sử dụng: "Nam giới không mặc áo dài thường xuyên mà sẽ diện vào những dịp trọng đại, đặc biệt. Nếu áo dài giúp thể hiện niềm tự hào, quảng bá văn hóa dân tộc thì bất tiện một chút không phải là vấn đề.
Phải mặc thế nào cho đúng phong thái, phù hợp với nơi mình đến, để mọi người đều nhận thấy áo dài không chỉ đẹp mà còn mang tính đặc trưng riêng chỉ có ở Việt Nam".
Hoa hậu Ngọc Hân cho rằng thay vì nghĩ áo dài điệu, ẻo lả, người mặc hãy tìm hiểu kỹ hơn về áo dài, lựa chọn chiếc áo phù hợp với khí chất của mình, bản chất của sự kiện sắp tham gia. Mặc áo dài với niềm tự hào về bộ trang phục truyền thống dân tộc sẽ khiến nam giới trở nên mạnh mẽ, cá tính hơn nhiều.