Theo trang Sixthtone, làn sóng "bài Nhật" trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, đặc biệt là Weibo, đã gia tăng mạnh mẽ khi các vận động viên hai nước tranh tài ở nhiều bộ môn nổi tiếng, bao gồm bóng bàn, thể dục dụng cụ và cầu lông. Người dùng Weibo đã nhiều lần lăng mạ, cáo buộc các vận động viên Nhật Bản gian lận để giành chiến thắng.
Loạt tấn công lần đầu tiên bắt đầu trên Weibo khi đôi vận động viên nam nữ Nhật Bản Jun Mizutani và Mima Ito giành HCV, sau khi đánh bại hai ngôi sao Trung Quốc Xu Xin và Liu Shiwen trong môn bóng bàn - môn thể thao từng bị Trung Quốc thống trị.
Người dùng Weibo Trung Quốc đã đổ lỗi cho trọng tài không thổi phạt hai vận động viên Nhật Bản, liên quan đến các nguyên tắc chống virus. Các cầu thủ được khuyến cáo không thổi vào bóng hoặc lau bàn, điều mà dân mạng Trung Quốc cáo buộc đối phương đã làm.
Các cuộc tấn công trực tuyến nhanh chóng lan đến tài khoản mạng xã hội của nhiều cầu thủ Nhật Bản. Trong một tweet hiện đã bị xóa, Mizutani viết rằng anh ấy bị"người hâm mộ từ một quốc gia nhất định"đe dọa, còn tài khoản Weibo của Ito tràn ngập những bình luận gay gắt về kỹ năng và ngoại hình của cô ấy.
Mima Ito trong trận bán kết đơn nữ môn bóng bàn tại Thế vận hội mùa hè 2020 Tokyo, ngày 29/7/2021
Chủ đề được gắn hashtag trên Weibo liên quan đến vận động viên bóng bàn Nhật Bản có hơn 800 triệu lượt xem, tính đến thứ Sáu vừa qua. Trong khi hàng chục thẻ hashtag khác cũng được đưa ra, gắn với làn sóng bài Nhật đang thịnh hành.
Các hành vi bắt nạt trực tuyến của người hâm mộ Trung Quốc nhắm vào cầu thủ Nhật Bản và trọng tài trận đấu diễn ra trên phạm vi rộng hơn. Nó không còn mang tính cá nhân nữa, vì nhiều người hùa vào dàn đồng ca chế nhạo Nhật Bản, với nhiều ý kiến phản bác văn hóa và con người Nhật Bản.
"Sau bao ngày theo dõi Thế vận hội, tôi không thấy một chút tinh thần Olympic nào. Thay vào đó, tinh thần chống Nhật đã được khơi dậy", một người dùng bình luận dưới bài đăng của vận động viên thể dục dụng cụ Trung Quốc Xiao Ruoteng, người đã để mất HCV trước Dakai Hashimoto của Nhật Bản.
Tuần này, nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã ám chỉ đến cụm từ "tinh thần chống Nhật", có nguồn gốc lịch sử từ cuộc Chiến tranh Trung-Nhật giai đoạn 1931-1945. Theo ước tính chính thức, hơn 35 triệu người Trung Quốc đã bị thương và thiệt mạng trong thời kỳ.
Sony xin lỗi Trung Quốc vì chọn sự kiện thiếu tinh tế
Zhang Chenchen, giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Belfast ở Bắc Ireland, cho rằng tình cảm bài Nhật Bản trên mạng xã hội Trung Quốc là do "ký ức tập thể được xây dựng trên phương diện xã hội trung gian". Ký ức tập thể đó chính là cuộc chiến tranh trong quá khứ trên các phương tiện truyền thông chính thống phổ biến, bao gồm phim điện ảnh và phim truyền hình vẫn được khán giả Trung Quốc yêu thích.
Trong khi những vết tích lịch sử của chiến tranh vẫn còn, làn sóng chống Nhật cũng nhiều lần xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc. "Đất nước nhỏ bé, hèn mọn và thấp kém sẽ không bao giờ có thể sánh vai với chúng ta, một quốc gia đã có 5.000 năm lịch sử" - một bình luận quá khích trên mạng.
Đầu năm nay, gã khổng lồ Nhật Bản Sony đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi người dùng Internet Trung Quốc phản đối. Do công ty lên lịch ra mắt sản phẩm trùng với ngày Nhật Bản phát động cuộc xâm lược năm 1937.
Sự gia tăng của các bài hùng biện về chủ nghĩa dân tộc trên mạng thể hiện bầu không khí chống chủ nghĩa đa nguyên trên mạng xã hội Trung Quốc, bất kể vấn đề đang được thảo luận là gì. Điều này cho thấy các quan điểm cực đoan có xu hướng được khuếch đại. Mặt khác, sự khoan dung ngày càng hiếm hoi.
Người Trung Quốc biểu tình chống Nhật Bản nhiều năm trước
Shirley Zhou, một sinh viên đến từ phía đông thành phố Tô Châu, cho biết cô không ngạc nhiên trước những bài diễn văn vẫy cờ và ngôn từ chỉ trích của các "anh hùng bàn phím" ngày càng tăng.
"Thật đau lòng nhưng không còn ngạc nhiên nữa", cô nói. "Lòng yêu nước là yêu công dân của đất nước, hàng xóm của một người, họ hàng xa, cũng như những người xa lạ", Zhou viết trên mạng sau khi chứng kiến những tình cảm chống Nhật trên Weibo.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nuôi dưỡng thái độ thù địch trên mạng, thay vào đó, một số người sử dụng sự hài hước để xoa dịu căng thẳng. Sau khi vận động viên bóng bàn người Trung Quốc Sun Yingsha đánh bại Ito trong trận đấu đơn nữ hôm thứ Năm, một người dùng Weibo đã chế giễu những trò troll.
"Tôi rất mừng vì Sun đã đánh bại Ito, nếu không thì tôi nghĩ rằng cư dân mạng sẽ tiến gần hơn đến Thế chiến III", người dùng Weibo viết. "Tôi đề cử Sun cho giải Nobel Hòa bình - cô ấy đã cứu nền văn minh nhân loại".
Hoàng Lan