Người dân ở huyện Nunukan thuộc tỉnh Bắc Kalimantan của Indonesisa đã mất 3 ngày phối hợp cùng cảnh sát địa phương để truy bắt con cá sấu dài gần 8m bị tình nghi là kẻ tấn công và ăn thịt một ngư dân trong vùng.
Nạn nhân là ông Samsul Bahri (45 tuổi), người cha của 3 đứa con. Ông Bahri bị con cá sấu to lớn tấn công khi đang đi bắt tôm trên sông Semaja vào ngày 19/7.
Sau vụ việc, người dân địa phương vô cùng hoảng loạn và đã phối hợp với phía cảnh sát để cùng truy tìm cũng như bắt giữ con vật hung ác. Sau 3 ngày tìm kiếm, họ đã bắt lại được con cá sấu ăn thịt ông Bahri. Trong đống thức ăn con vật nôn ra, người dân tìm thấy các mảnh thi thể của người đàn ông xấu số. Từ đây, họ xác nhận với vợ và các con của ông Bahri rằng ông đã qua đời do bị cá sấu tấn công.
Ngư dân Nelwan Krisna, một người bạn của ông Bahri và cũng là người tham gia công tác truy bắt con cá sấu, cho hay “Sông Semaja là nơi sinh sống của nhiều con cá sấu. Chúng tôi cảm thấy thương tiếc cho người hàng xóm và gia đình của ông ấy nên đã hỗ trợ đi tìm thi thể nạn nhân. Chúng tôi biết các sĩ quan cảnh sát sẽ gặp khó khăn nếu họ tự đi tìm con cá sấu”.
Trong 2 ngày đầu tiên tìm kiếm, nhóm hỗ trợ đã phát hiện một con cá sấu dài gần 4m và một con dài 4,8m. Cả hai con vật đều bị ép cho nôn ra thức ăn trong dạ dày để người dân kiểm tra liệu chúng có phải là thủ phạm ăn thịt người đàn ông đi bắt tôm hay không. Tuy nhiên, không có mảnh thi thể nào được phát hiện nằm trong số thức ăn của 2 con cá sấu.
Tới ngày thứ 3 tức ngày 22/7, nhóm tìm kiếm phát hiện con cá sấu dài 8m và đã bắn thuốc mê khiến con vật bất tỉnh sau đó trói lại. Như 2 con vật trên, con cá sấu to lớn cũng bị ép cho nôn ra thức ăn trong dạ dày. Mọi người bàng hoàng phát hiện các mảnh chi và xương người.
Người hàng xóm Krisna cho hay, “Thi thể nạn nhân được tìm thấy trong bụng con cá sấu. Chỉ một vài mảnh thi thể bị con vật nôn ra, nhưng cũng đủ để chứng minh đây là nạn nhân mà mọi người đang tìm kiếm. Thi thể anh ấy không còn nguyên vẹn”.
Người đứng đầu ban giải cứu Tarakan là ông Dede Hariana nhận định, những vụ cá sấu tấn công vẫn sẽ tiếp tục gia tăng ở khu vực này mà đặc biệt là những ngôi làng nằm sát các con sông.
Thậm chí, chỉ sau một ngày thi thể nạn nhân Bahri được tìm thấy, anh Baharudin (29 tuổi), một ngư dân địa phương, cũng đã bị cá sấu tấn công trong cùng khu vực. Anh Baharudin không may trượt chân ở chỗ cầu tạm sau đó ngã xuống sông Tabur và bị một con cá sấu cắn.
Thi thể anh Baharudin cũng được tìm thấy bên trong dạ dày của một con cá sấu vào ngày 25/7.
Indonesia là nơi sinh sống của 14 loài cá sấu với đa phần là động vật cỡ lớn và vô cùng hung tợn.
Theo các chuyên gia bảo tồn, sự xuống cấp của môi trường sống do nạn đánh bắt và biến các khu vực ven biển thành nông trại đã khiến cá sấu đi ra khỏi môi trường sống và tiến vào các khu dân sinh.
Đáng nói, người dân Indonesia vẫn còn thói quen tắm và đánh bắt trên sông nên dễ dẫn tới các vụ cá sấu tấn công con người.
Minh Thu (lược dịch)