Trong nhóm chat của gia đình chị Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội), mọi người vội vã giục nhau mua gấp thang dây thoát hiểm và kìm cắt lưới an toàn. Sau khi đọc báo về vụ cháy đêm qua, đặc biệt là chi tiết một gia đình ở tầng 3 toà nhà thoát hiểm nhờ thang dây, chị Thanh nghĩ nhà mình cũng phải trang bị một bộ vì chị cũng đang sống ở chung cư.
Cùng tâm lý đó, sáng nay, chị Hoà (quận Nam Từ Liêm) nhắn cho chồng, đặt tình huống giả định hoả hoạn xảy ra thì nhà mình sẽ thoát hiểm bằng cách nào. Nhà chị Hoà ở tít trên tầng 14 của chung cư, cửa sổ đã đóng song sắt chắc chắn, ban công cũng đã trang bị lưới an toàn.
“Nếu muốn thoát thân, chắc phải dùng kéo cắt lưới an toàn hoặc dùng tuốc-nơ-vít tháo ốc song sắt. Nhưng ở độ cao ấy, có lẽ lực lượng cứu hoả cũng khó tiếp cận được bằng đường cửa sổ hay ban công. Chỉ còn cách chạy xuống các tầng dưới may ra mới dùng được đến thang dây”, chị Hòa băn khoăn.
Còn ở nhà chị Nga (quận Hà Đông), sáng nay, chồng chị vội vàng tháo lỏng các con ốc ở cửa sổ, làm cánh cửa long sòng sọc mỗi khi động vào, khiến chị dở khóc dở cười. “Anh trai chồng thì nhắn tin dặn dò đủ kiểu vì nhà tôi có cả người già lẫn trẻ con, lại ở khu vực cũng từng xảy ra hoả hoạn”.
Chị Minh Phương (quận Thanh Xuân) chia sẻ, không đợi đến khi xảy ra vụ việc đau lòng ở Khương Hạ, trước đó chồng chị đã sắm đủ bộ phòng cháy chữa cháy cho gia đình. Ở mỗi tầng, anh đều trang bị bình cứu hoả mini, thang dây, mua thêm quả bóng dập lửa. Khi nào nhiệt độ từ 80 độ trở lên, bóng sẽ tự nổ, bắn ra loại bột có tác dụng dập lửa.
“Ở mỗi khung cửa sổ, nhà tôi đều làm chấn song inox có thể mở ra đóng vào được và không để khoá. Mở cửa ra là có thể leo thang dây xuống” – chị Phương chia sẻ.
Ban đầu, khi thấy chồng cẩn thận trang bị những dụng cụ này, chị còn cười, cho rằng anh lo xa quá. “Nhưng đúng là khi có vụ hoả hoạn đêm qua, tôi không còn dám chủ quan nữa”.
Sáng nay, anh Trần Văn Nam (Hà Nội) - một chủ đại lý chuyên bán đồ bảo hộ, cứu hộ - cũng đăng bài bán hàng trên mạng xã hội, trong đó anh đặc biệt giới thiệu các loại thang dây, dây cứu sinh.
Anh Nam cho biết, thực ra thang dây thoát hiểm chỉ nên dùng cho độ cao 10-20m và phù hợp với thanh niên, người có tâm lý vững, sức khoẻ tốt, đủ để bám chắc vào thang.
“Tâm lý con người thường sợ độ cao, nên không phải ai cũng dám bám vào thang để leo xuống ở một độ cao lớn, nhất là người già và trẻ nhỏ. Vì thế, phương án dùng dây cứu sinh và dây hạ chậm sẽ an toàn hơn vì nó có thiết kế để đỡ cơ thể. Tuy nhiên, dây cứu sinh sẽ tụt xuống với tốc độ nhanh hơn và cần dùng găng tay để bám chắc vào dây. Tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào người bám dây. Dây hạ chậm vẫn là an toàn nhất, nếu muốn tụt xuống nhanh hơn, chỉ cần đạp chân vào tường”.
Anh Nam cho biết, giá thành của các loại dây và thang dây rất đa dạng, tuỳ thuộc vào nguồn gốc và chất liệu. “Thang dây có giá giao động trên dưới 100 nghìn đồng/m, cũng có loại vài trăm nghìn. Dây hạ chậm có giá thành đắt nhất - một bộ dây 10-20m có giá khoảng hơn 5 triệu đồng”.
Ông chủ có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho biết, tuỳ thuộc vào độ cao nhà ở, mỗi gia đình nên chọn một loại thiết bị phù hợp để đề phòng các trường hợp khẩn cấp.