Nhịn tắm, dùng bát nhựa một lần
Bữa cơm tối 17/10 của gia đình anh Bùi Đức Cửu (39 tuổi) bắt đầu gần 20h, sau khi anh xuống sảnh chung cư hì hục xách từng xô nước sạch lên nhà ở tầng 15, tòa HH03A, khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Thịt, canh, rau… đều được đựng trong bát nhựa, đi kèm với đôi đũa gỗ tách. Tất cả đều là loại chỉ dùng một lần, không cần rửa.
Mỗi lần cầm bát cơm nhựa trên tay, anh Cửu bỡ ngỡ, cảm thấy chiếc bát trơn, dễ rơi, nhưng không còn cách nào khác. Thấy hàng xóm dùng màng bọc thực phẩm quấn bát, đũa trước khi ăn, anh nói vợ thử áp dụng, song nhận thấy hơi phức tạp.
"Dùng bát nhựa một lần sẽ ảnh hưởng môi trường, nhưng trong tình cảnh bị cắt nước dài hạn, gia đình tôi bắt buộc dùng tạm để vượt qua giai đoạn khó khăn này", người đàn ông nói.
Bốn ngày liên tiếp mất nước sinh hoạt đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình anh Cửu. Họ mua nước đóng bình để nấu ăn và tắm giặt, đến nay không nhớ đã chi bao nhiêu tiền.
Anh nói hai ngày mới dám tắm một lần, chỉ tắm qua loa, thèm cảm giác tắm dưới vòi hoa sen - "điều vốn bình thường đã trở nên xa xỉ".
Để khắc phục, mỗi ngày sau giờ làm, anh Cửu phải đi xin nước sạch từ hàng xóm cách nhà khoảng 1km. Mỗi lần xách được xô nước lên nhà, anh đau nhức cơ thể, mồ hôi nhễ nhại, "thế là lại tốn nước cho một lần tắm nữa".
"Chúng tôi quá vất vả, đặc biệt người già và trẻ nhỏ, đều phải xách xô, chậu đi xin từng giọt nước. Nhiều khi thấy cư dân cực khổ, tôi cho họ phần nước của mình luôn", anh kể.
Khu đô thị Thanh Hà có 26 tòa nhà, với hơn 30.000 cư dân. Từ đầu tháng 10, một số chung cư tại đây bị cắt nước sinh hoạt đột ngột. Khi được cấp trở lại, nước xuất hiện tình trạng nặng mùi, gây mẩn ngứa, dị ứng da.
Nhiều cư dân phản ánh tình trạng này tới chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà và lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Ngày 10/10, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thông báo kết quả xét nghiệm hàm lượng Amoni trong nước 11,46mg/l, gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.
"Chúng tôi thấy lo lắng, bất an khi hàng nghìn cư dân ở đây phải dùng nước không đảm bảo", chị Trần Thị An (tòa HH03D, đại diện cư dân) nói và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc.
Ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà, giải thích nguồn cung nước sạch không đủ, bình thường cấp khoảng 2.000m3, giờ chỉ được 700m3 một ngày đêm.
Do vậy, công ty đã tăng sản lượng nước từ nguồn giếng khoan 1.000 lên 3.000m3 một ngày đêm. Vì lưu lượng thay đổi, đồng thời phải bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh.
Trong khi "cuộc chiến" đòi nước sạch an toàn chưa đến hồi kết, thì từ 19h ngày 14/10, hơn 10 tòa nhà thuộc khu đô thị Thanh Hà bị cắt nước đột ngột và kéo dài.
Từ hôm đó, anh Thanh Bình (36 tuổi) đề ra các quy định "hà khắc" với vợ con. Ba xô nước loại 20 lít hứng từ xe bồn "giải cứu" được sử dụng để đánh răng, rửa mặt, sau tích lại dội nhà vệ sinh.
Nước rửa rau giữ lại lau nhà và tưới cây, còn nước thải từ điều hòa dùng để rửa bát. 4 thành viên trong gia đình nhịn tắm, dùng giấy ướt để lau người.
"Nếu tình trạng này kéo dài, tôi sẽ đưa các con sang nhà người quen ở quận Thanh Xuân tắm nhờ", anh Bình nói.
Cứ nghĩ tòa HH02B không bị cắt nước thì đến tối 16/10 chị Nguyễn Thị Hoa (49 tuổi) "than trời" khi nhà không còn một giọt nước nào. Chị giục chồng xuống cửa hàng tạp hóa dưới chung cư mua bình nước loại 20 lít, nhưng đến nơi, chủ quán thông báo hết hàng, chỉ còn loại 5 lít.
"Chúng tôi mua tạm 2 bình loại nhỏ dùng vệ sinh cá nhân. Đã hai ngày trôi qua, cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn", chị Hoa cho hay.
Theo người phụ nữ, Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà không thông báo, mà sau khi cắt nước mới đưa ra văn bản, khiến người dân không kịp trở tay.
Trong văn bản, đơn vị này cho biết nguồn nước tại khu đô thị Thanh Hà được cung cấp bởi 2 nguồn khác nhau gồm nguồn khai thác ngầm tại nhà máy và nguồn nước mặt sông Đuống.
Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà đã dừng cấp nước từ nguồn khai thác ngầm tại nhà máy để kiểm tra chất lượng theo yêu cầu của cư dân. Do đó, nước cấp cho khu đô thị chỉ sử dụng từ nguồn nước mặt sông Đuống.
"Tuy nhiên, nguồn cung trên đang bị thiếu hụt và không ổn định, dẫn đến việc cư dân không có nước dùng", ông Dương Đình Trình lý giải.
Cư dân mang đủ loại vật dụng để lấy nước sạch (Ảnh: Minh Nhân).
Cuộc sống hiện đại như quay về thời bao cấp
Để giải quyết "cơn khủng hoảng nước" trước mắt, hàng nghìn cư dân tại khu đô thị Thanh Hà quyết định góp tiền, mua những xe nước mang đến sảnh chung cư, sau đó chia cho nhau như "thời bao cấp".
Ông Phan Minh Châu (tòa HH03A-B1.3, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4) cho biết mỗi xe nước 5m3 có giá 1,2 triệu đồng. Sau khi đàm phán, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông hỗ trợ tiền nước, cư dân chi trả 600.000 đồng tiền thuê xe chở.
Từ khoảng 21h ngày 15/10, khi xe bồn chở nước về tới sân chung cư, cư dân từ các tòa nhà đồng loạt chạy xuống, có cả người già, phụ nữ và trẻ em.
Trên tay họ là xô, chậu hoặc bất cứ vật dụng gì có thể đựng được nước. 2 vòi xả nước của xe bồn luôn chật kín cư dân vây quanh để chờ đến lượt.
"Họ thức xuyên đêm, kiên nhẫn xếp hàng. Nhiều người chờ đến lượt thì nước đã cạn, vội sang nhà người thân ở tạm trong đêm", ông Châu nói.
Gia đình bốn người của Quỳnh Mai (30 tuổi, tòa HH02B) thống nhất đi vệ sinh cùng một lúc, chỉ xả nước một lần. Đặc thù công việc của hai vợ chồng không thể xin nghỉ làm, chị tranh thủ về sớm để canh… nước.
"Đi làm về, hễ nghe tòa nào có nước, tôi lại mang xô đi xin. Cư dân các tòa nhà rất nhiệt tình hỗ trợ nhau trong lúc hoạn nạn này", chị Mai nói, cho biết bên cạnh việc đi xin nước, gia đình cũng mua thêm nước đóng bình, chủ yếu để vệ sinh cá nhân cho hai con.
Kết thúc ngày làm việc 16/10, chị Ngô Thị Đào (36 tuổi, tòa HH03A) về nhà, nấu bữa cơm vội vã từ nguồn nước dự trữ cuối cùng. Hai tiếng sau, vợ chồng chị đèo hai con nhỏ đến cơ quan nằm trên đường Nguyễn Xiển để tắm nhờ và giặt quần áo.
Hôm sau, chị dặn chồng cùng xuống sảnh chung cư xin nước. Người phụ nữ "khoe" mãi mới xách được 2 chậu và một bình nước, dành nấu ăn và tắm cho các con.
Sau khi đun nước sôi, chị pha thêm nước lạnh vào chậu, gọi con nhỏ vào phòng tắm. Người mẹ tắm cho bé gái trong chậu để tái sử dụng nước dội nhà vệ sinh.
"Rửa rau hay đánh răng, chúng tôi cũng tích nước bẩn để tiếp tục sử dụng", chị cho hay.
Ba ngày không có nước sạch, bà Đặng Thị Phương Hoa (60 tuổi) nói "không dám gội đầu". Trong khu bếp rộng chừng 10m2 nối liền với máy giặt, là chồng bát đũa ba ngày chưa rửa, đống quần áo ba ngày chưa giặt.
"Cuộc sống khổ quá", bà vừa than vãn, vừa chỉ vào bình nước to tích trữ mà chồng mua mang về từ huyện Thanh Trì. Phía trên là mớ rau vừa hái trong vườn, nhưng không có nước sạch để rửa.
Đôi vợ chồng già mua đồ ăn từ quán cơm; ưu tiên mua củ, quả có thể ăn ngay mà không cần rửa; tranh thủ mang rau sang nhà hàng xóm nhờ rửa hộ.
"Tôi không biết tình cảnh này còn tiếp diễn trong bao lâu, chúng tôi đang dần kiệt quệ", bà ngán ngẩm nói.
Chồng bát đũa chưa rửa, cạnh những bình nước tích trữ trong gian bếp nhà bà Hoa (Ảnh: Minh Nhân).
Cộng đồng chung tay cứu trợ nước sạch
Chiều 17/10, bà Phương Hoa nhận thông báo từ trưởng tầng, nói sẽ có những xe nước sạch của các mạnh thường quân đến "giải cứu" cư dân.
"Tôi vừa xúc động vừa phấn khởi", bà nói, ngồi đợi từ sớm dưới sảnh chung cư.
Khoảng 18h30, chiếc xe bồn đầu tiên xuất hiện, bên thành xe treo băng rôn in dòng chữ "Cộng đồng chung tay cứu trợ nước sạch cho cư dân khu đô thị Thanh Hà".
Trong tối đó, hơn 10 xe bồn chở nước sạch miễn phí, chứa từ 5 đến 10m3 nước/xe, đã liên tiếp được điều động đến khu đô thị, tỏa ra các tòa nhà - nơi hàng nghìn cư dân đã đứng đợi sẵn.
"Những lúc khó khăn mới thấy tình người, lòng tốt của cộng đồng thật đáng quý và đáng trân trọng", Quỳnh Mai tâm sự.
Anh Nguyễn Quốc Bình, quản trị viên hội nhóm xe hơi hơn một triệu thành viên trên mạng xã hội, cho biết một số thành viên hiện sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà gặp khó khăn khi bị cắt nước sinh hoạt dài ngày.
"Chúng tôi đăng tải thông tin, mong muốn lan tỏa sự cưu mang, giúp đỡ của những người dân vốn không quen biết, nhưng sẵn sàng hỗ trợ nhau", anh Bình nói, cho biết không kêu gọi ủng hộ, mà cùng một vài thành viên trong nhóm quyết định hỗ trợ nhanh nhất cho bà con.
Hai xe nước sạch của nhóm đã đến với cư dân khu đô thị Thanh Hà tối 17/10, một thành viên đã xuống tận nơi để hỗ trợ, điều phối và thanh toán tiền.
Ông Phan Minh Châu nói xúc động khi đón nhận tình cảm từ cộng đồng. Ngoài các mạnh thường quân, một số cư dân cũng đã tự bỏ tiền riêng, đóng góp mua các xe nước sạch hỗ trợ hàng xóm.
"Hơn 10 xe nước, dẫu biết không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế của toàn bộ cư dân, chúng tôi đề nghị mỗi nhà chỉ lấy một xô/chậu, nhường nhau từng giọt nước", ông Châu nói.
Anh Quốc Bình hy vọng hành động nhỏ của bản thân và các mạnh thường quân sẽ góp phần tác động cơ quan chức năng sớm giải quyết vấn đề thiếu nước sạch cho người dân. Đây cũng là nguyện vọng của hơn 30.000 cư dân tại khu đô thị Thanh Hà - họ khát khao được dùng "nước sạch đúng nghĩa".