Dân binh biển Trung Quốc - Lực lượng 'vùng xám' ở Biển Đông

Đinh Anh| 29/11/2023 10:25

Thời gian qua, tâm điểm chú ý ở Biển Đông là căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây. Tàu Trung Quốc nhiều lần tìm cách ngăn cản, đâm va, thậm chí phun vòi rồng vào các tàu Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây.

Dân binh biển Trung Quốc - Lực lượng 'vùng xám' ở Biển Đông
Tàu dân binh biển Trung Quốc ngăn chặn tàu cảnh sát biển Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây ngày 10/11/2023. (Nguồn: AP News)

(Kỳ 1)

Việc Trung Quốc tăng cường triển khai lực lượng dân quân biển ở Biển Đông đã và đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Trong vài tháng qua, tâm điểm chú ý ở Biển Đông là căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây. Tàu Trung Quốc nhiều lần tìm cách ngăn cản, đâm va, thậm chí phun vòi rồng vào các tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho binh sĩ trên con tàu cũ BRP Sierra Madre mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây.

Trong các vụ việc trên, lực lượng dân binh biển Trung Quốc luôn sát cánh cùng với tàu hải cảnh ở thực địa. Philippines nhiều lần chỉ trích các hành động của tàu hải cảnh và dân binh biển là nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế đối với các hoạt động tiếp tế thường lệ của nước này[1]. Dân binh biển Trung Quốc rõ ràng đóng vai trò ngày càng quan trọng để thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông.

Sự phát triển dân binh biển Trung Quốc

Sự hình thành dân binh biển Trung Quốc có thể bắt đầu từ năm 1950 khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và chú trọng nhiệm vụ kiểm soát vùng ven biển. Từ những năm 1960, hải quân Trung Quốc bắt đầu huấn luyện dân binh biển và sử dụng để hỗ trợ trong nhiều nhiệm vụ.

Từ những năm 1980, nhiều diễn biến mới như Trung Quốc chuyển đổi lực lượng bảo vệ bờ biển thành các chi đội dân binh biển; thành lập dân binh biển ở Đàm Môn năm 1985; thiết lập các căn cứ đầu tiên tại Trường Sa vào năm 1988… đã tạo điều kiện để thúc đẩy vai trò của dân binh biển.

Dân binh biển là lực lượng thuộc các doanh nghiệp, hội đoàn, cơ sở có hoạt động liên quan tới biển ở các tỉnh, thành, địa phương (như đánh bắt, chế biến hải sản, đóng tàu, xây dựng công trình cảng). Ngoài lực lượng nòng cốt trên, Trung Quốc còn tuyển dụng các cựu binh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có kinh nghiệm vào dân binh biển.

Theo học giả Erickson và Kennedy thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, dân binh biển Trung Quốc gồm hai loại: thông thường và chủ chốt. Trong khi dân binh thông thường là lực lượng dự bị, dân binh biển chủ chốt được huấn luyện thường xuyên và có kỹ năng cao hơn để tiến hành các nhiệm vụ trên biển.

Việc Trung Quốc nâng vị thế biển trong chiến lược phát triển, với mục tiêu thành cường quốc biển là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của dân binh biển. Sau chuyến thăm biểu tượng của Chủ tịch Tập Cận Bình tới thị trấn Đàm Môn năm 2013, lực lượng này được quan tâm đầu tư và là thành tố quan trọng trong tổng thể tầm nhìn của Bắc Kinh về cường quốc biển.

Cộng đồng quốc tế lo ngại

Việc Bắc Kinh tăng cường triển khai lực lượng dân quân biển ở Biển Đông đã và đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. "Những người lính áo xanh nhỏ bé" (Little Blue Men) - như cách gọi của Phó Giáo sư Andrew Erickson - đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các chiến dịch không tên của Trung Quốc ở Biển Đông. Giới phân tích cho rằng, lực lượng này có thể có hàng trăm tàu thuyền và hàng nghìn thành viên.

Dân binh biển Trung Quốc - Lực lượng 'vùng xám' ở Biển Đông
Giới phân tích cho rằng, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có thể có hàng trăm tàu thuyền và hàng nghìn thành viên. (Nguồn: Reuters)

Mặc dù Trung Quốc không thừa nhận sự tồn tại của họ, nhưng các chuyên gia cho rằng dân quân biển là một phần không thể thiếu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông và hơn thế. Đáng chú ý, lực lượng này giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện trái phép xung quanh các bãi đá ngầm và các đảo mà không khơi mào xung đột quân sự.

Năm 2021, Lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế sau khi hơn 200 tàu Trung Quốc tập trung neo đậu tại Đá Ba Đầu (ở cụm đảo Sinh Tồn tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của việt Nam) từ ngày 7/3/2021. Sự kiện này được hai nhà phân tích của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore (IISS) là Samir Puri và Greg Austin cho là hoạt động triển khai lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực từ trước đến nay.

Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối "sự hiện diện ồ ạt và mang tính đe dọa" của hơn 200 tàu cá này của dân quân hàng hải Trung Quốc. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/3/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó là Lê Thị Thu Hằng cũng đã nhấn mạnh rằng hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

(Còn tiếp)

-----------------------

[1] https://www.france24.com/en/live-news/20231023-manila-says-chinese-vessels-intentionally-hit-philippine-boats

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dân binh biển Trung Quốc - Lực lượng 'vùng xám' ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO