Ném gạch vào kiệu vua
Từ nhà Lý đến nhà Lê, kinh đô Thăng Long có ba vòng, trong cùng nơi vua ở gọi là Cấm thành, nơi làm việc của gọi là Hoàng thành và ngoài cùng dân sống gọi là Kinh thành (hay Thị thành). Bao quanh kinh đô có đê/lũy bao bọc.
Thời Lý và Trần, kinh thành có 61 phường. Thời Trần, đứng đầu kinh thành là Bình Bạc Ty (tương đương như tổng đốc). Thời Lê, Thăng Long chia lại thành 36 phường, đứng đầu kinh thành là Phủ Doãn. Vì là kinh đô nên an ninh ở kinh thành vô cùng nghiêm ngặt.
Vào triều vua Trần Anh Tông (trị vì từ 1293-1314), kinh đô Thăng Long xuất hiện các quán rượu, hát xướng ban đêm. Vốn là người hiếu động, ham vui nên cứ đêm đêm vua lại lên kiệu cùng hơn chục thị vệ rời cấm thành đi chơi khắp kinh thành đến gà gáy mới về.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Có đêm ra phố, vua bị bọn vô lại ném gạch trúng đầu, người theo hầu phải hét to: ‘Kiệu vua đấy’, bọn chúng mới tản chạy”. Vua đứng dưới trời nhưng trên thiên hạ, thấy vua không quì, không cúi mặt còn dám nhìn “long nhan” là mắc tội “khi quân”, tội này bị chém đầu. Biết người ngồi kiệu là vua mà dám ném thì chỉ có “bọn vô lại”.
Vào triều vua Lê Nhân Tông (trị vì từ 1442-1459), Lê Nhân Lập là con của Thiếu úy Lê Lan đã kết thân với tay anh chị trong kinh thành là Nguyễn Thọ Vực tổ chức đánh bạc để thu hồ. Bọn Lập và Vực lại còn họp nhau, kéo đàn em ngang nhiên trộm cướp khiến dân chúng vô cùng sợ hãi. Lập còn lợi dụng quyền lực của cha ra mặt nhũng nhiễu, ép kẻ cần cầu cạnh cha mình phải nộp tiền cho y. Trước những việc làm “coi trời bằng vung”, triều đình đã sai quân đến tận nhà Vực rồi dụ Lập và đồng bọn ra ngoài, sau đó thẳng tay chém đầu.
Lê Thánh Tông (trị vì từ 1460-1497) là vị vua anh minh, cả đời vì dân. Ông cấm vợ các quan lớn đi lại, chơi bời với nhau vì sợ họ cấu kết để buôn lậu và ăn của đút lót. Ông cũng cấm con cái các quan lớn lợi dụng chức quyền của cha làm việc phi pháp.
Phép nước nghiêm là vậy nhưng trong đám con quan vẫn nảy nòi những kẻ cậy gia thế làm càn. Một lần, con trai của Tây quân Đô đốc Lê Thiệt cưỡi ngựa phi thẳng vào chỗ đông người đã gây ra tai nạn nhưng thản nhiên bỏ mặc họ. Khi biết là con của Lê Thiệt, Thánh Tông đã sai lính nọc ra đánh 50 roi và cách chức ông bố.
Đến thời Lê Trung Hưng (1533-1789), dân kinh thành, từ tầng lớp trung lưu đến dân thường nở rộ phong trào chơi hoa, cây thế, quái thạch. Thấy có thể kiếm được tiền, ban ngày bọn hoạn quan cung giám đi dò xem nhà nào có chậu hoa, cây cảnh, chim tốt, khướu hay thì biên ngay hai chữ “Phụng thủ” vào. Đêm đến, bọn chúng trèo qua tường thành lẻn ra ngoài sai tay chân bê những thứ đã biên hai chữ Phụng thủ. Hôm sau, chúng đến nhà buộc tội gia chủ đem giấu vật cung phụng, giở giọng côn đồ ép chủ nhà phải nộp tiền, nếu không sẽ báo quan. Đúng là ỷ thế làm càn, khiến dân chúng Thăng Long bất bình nhưng phải ngậm miệng.
Nặc nô đòi nợ và chửi thuê
Cuối thế kỷ 19, Pháp chiếm Hà Nội, xã hội dở giăng, dở đèn đã sinh ra nhiều tệ nạn: trộm cướp, nặc nô, côn đồ. Đầu thế kỷ 20 ở phố Hàng Lược có mụ Tư Đòn là trùm nặc nô. Bà ta làm nghề đòi nợ thuê, có lũ đàn em hung hãn, chỉ cần mụ nháy mắt, lập tức lũ đàn em xông vào phá phách hay đánh đòn hội đồng, không ai dám can, chỉ ngó rồi vội vàng bỏ đi. Tư Đòn có thân hình cao lớn, nhiều lần dám đánh nhau với Tây khiến dân quanh chợ Đồng Xuân phải lè lưỡi, lắc đầu.
Khi Tư Đòn đã nhận lời với chủ nợ và dẫn đàn em đi đòi thì con nợ hoặc là vay mượn để trả, hoặc là quỳ lạy xin khất. Đã khất thì phải trả đúng hẹn, không thì ôm đầu máu, phục thuốc cả năm vẫn chưa khỏe. Tư Đòn làm nghề đòi nợ nhưng cũng là kẻ cho con nợ vay với lãi suất cắt cổ. Tuy nhiên “anh hùng nhất khoảnh”, địa bàn của Tư Đòn chỉ là quanh khu vực Đồng Xuân.
Không chỉ có nặc nô đòi nợ mà còn có nặc nô chửi thuê. Khi nhà này với nhà kia mâu thuẫn nhưng không hòa giải được, thế nào một bên cũng thuê nặc nô đến chửi. Làm nặc nô chửi thuê thường là kẻ đồng bóng, không biết sợ là gì. Thiên phú cho bọn họ khả năng chửi có vần, thành bài với lời lẽ cay nghiệt.
Nặc nô có thể chửi từ ngày này qua ngày khác, cho đến khi bên bị chửi đến xin dàn hòa mới thôi. Cuối thế kỷ 19, có mụ Xuân nặc nô lấy gã Tây già, khi không ai thuê thì uống rượu rồi ra đầu phố Hàng Đường chửi mua vui cho thiên hạ. Chửi nhiều cũng mệt nên đám nặc nô này thường lấy sái thuốc phiện cho vào nước uống cho có sức.
Nhưng nặc nô xuất hiện từ khi nào? Khi bình định xong Đàng Ngoài, vua Gia Long không đưa những binh lính Đàng Trong già yếu, thương tật về Huế mà để họ ở lại. Tại Hà Nội, bọn họ quây quần trong 2 xóm ở khu vực Ô Chợ Dừa. Đám lính mộ này ước chừng khoảng 500-600 người gồm đủ hạng người, trong đó có du thủ, du thực, hút xách.
Vì ngân khố hạn hẹp, không thể nuôi được nên triều đình đã nghĩ ra việc cho họ đi đốc thúc và thu thuế của nông dân. Hàng năm đến vụ thuế, bọn họ được chia thành nhiều nhóm cầm “hỏa bài” (làm bằng gỗ sơn trắng có chữ hỏa) do triều đình cấp tỏa đi khắp nơi. Triều đình qui định tỷ lệ khấu cấp lại cho họ tùy theo tiến độ thu nhanh hay chậm, nhiều hay ít. Để hưởng nhiều, bọn họ không từ thủ đoạn nào, kể cả tàn độc, vô nhân tính nên dân gọi họ là “quân lặc nô”.
Một trong những lý do mà Phan Bá Vành (còn gọi là Ba Vành) tập hợp nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ khởi nghĩa chống lại triều đình vì vua Minh Mạng dung túng lặc nô. Và để lấy lòng dân Bắc Hà, Minh Mạng đã phải bãi lệ phái lặc nô đi thúc thuế, thu thuế. Sau khi Minh Mạng bãi lệ, nhiều lặc nô đã quay ra làm ăn tử tế nhưng một số lại tiếp tục đi đòi nợ thuê, trở thành du côn chuyên nghiệp.
Lặc tiếng Hán là cưỡng bức, bắt ép, còn nô có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa: sai khiến, lặc nô có nghĩa là sai khiến đi cưỡng bức người khác. Lặc nô còn có nghĩa nữa là người đàn bà chuyên làm việc bức ép. Tại sao lặc nô lại thành nặc nô? Lý do là dân vùng đồng bằng Đàng Ngoài phát âm l thành n nên lặc nô thành nặc nô.
Biết nặc nô, dân “anh chị” gây mất an ninh trật tự nhưng cảnh sát Pháp không ngăn chặn mà còn sử dụng bọn họ. Cuối thế kỷ 19, đốc lý Hà Nội ra lệnh cho chủ các nhà tre nứa lá xung quanh khu vực Hồ Gươm phải làm nhà gạch, nếu không sẽ bị chính quyền trưng mua. Vì trưng mua với giá rẻ các gia đình đã ngầm thống nhất không bán. Để có lý do, chính quyền ngầm thuê dân “anh chị” ban đêm phóng hỏa đốt những nhà lá này, với lý do làm mất mỹ quan, chính quyền đã trưng mua rẻ.
* Kỳ tới - Những ‘anh chị’ lừng danh Hà Nội xưa: Gái Hàng Khoai, trai Hàng Lược
Nguyễn Ngọc Tiến