Nếu đúng kế hoạch, ít nhất phải đến năm sau khán giả mới có cơ hội thưởng thức Hào Quang Rực Rỡ - The King - phim điện ảnh đầu tiên kể lại cuộc đời Đàm Vĩnh Hưng, từ lúc còn là thợ cắt tóc đến lúc trở thành ngôi sao làng nhạc Việt.
Thế nhưng, dự án sớm gây ồn ào ngay từ buổi họp báo ra mắt. Hàng loạt thông tin khiến khán giả tò mò, từ chuyện Trấn Thành khóc lóc, chuyện Lệ Quyên bên tình trẻ, chuyện Hương Giang kém duyên trên thảm đỏ…
Trên tất cả, câu hỏi đặt ra là Đàm Vĩnh Hưng có gì để tự xưng là “ông hoàng”. Và liệu rằng nam ca sĩ có cần thiết phải làm phim về cuộc đời, khi mà gần đây anh liên tục ra sản phẩm nhưng chẳng có mấy ai quan tâm?
Dù chưa ra mắt, dự án phim điện ảnh của Đàm Vĩnh Hưng đã gây ồn ào ngay từ buổi họp báo đầu tiên.
Thế giới làm phim tiểu sử để tôn vinh
Làm phim tiểu sử (biographical film) về người nổi tiếng không còn là chuyện lạ trên thế giới. Tại Hollywood, mỗi năm các nhà sản xuất lại chi hàng chục triệu USD để đầu tư vào các dự án thuộc thể loại này. Song, không phải tác phẩm nào cũng thành công và được đón nhận.
Điển hình năm ngoái, Blonde từng bị giới phê bình vùi dập vì khắc họa hình ảnh quá tiêu cực về minh tinh Marilyn Monroe. Hay Lamborghini: The Man Behind the Legend gây tò mò khi khai thác cuộc đời cha đẻ hãng xe huyền thoại Lamborghini, nhưng vẫn bị đánh giá thấp, với 3.7/10 điểm trên IMDb và một đề cử Mâm xôi vàng.
Thực tế, không có bất kỳ quy định hay giới hạn nào cho phim tiểu sử. Nhưng cũng như luật bất thành văn, Hollywood thường chỉ làm phim thuộc dòng này nhằm tôn vinh những người đã mất. Để tạo được sự chú ý với khán giả, nhân vật được chọn phải là những tên tuổi phổ biến, có đóng góp lớn với văn hóa đại chúng. Nếu là diễn viên, họ phải là biểu tượng như Judy Garland, Elizabeth Taylor… Nếu là ca sĩ, họ phải ở tầm huyền thoại như Whitney Houston, Elvis Presley…
Ở Việt Nam, Đàm Vĩnh Hưng gây tranh cãi khi quyết định làm phim tiểu sử.
Ngay cả những nghệ sĩ thường được vinh danh là “huyền thoại sống” như Barbra Streisand, Joni Mitchell, Neil Young,… đến nay cũng vẫn có phim tiểu sử. Để khán giả hiểu hơn về đời tư ngôi sao hay hào quang phía sau sân khấu, các nhà làm phim thường chọn thể loại tài liệu (documentary) vì đó là phương thức lột tả chân thật, sát với thực tế nhất.
Dẫu vậy, cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Đơn cử như Elton John với Rocketman (2019). Nhưng đó là dự án để đời được ngôi sao ấp ủ suốt 2 thập niên, và những gì danh ca cống hiến là điều không cần bàn cãi. Chính vì thế, tác phẩm lập tức tạo cơn sốt khi ra mắt, thu hơn 200 triệu USD so với kinh phí 40 triệu USD, giúp nhân vật chính thắng giải “Ca khúc nhạc phim xuất sắc” tại Oscar 2020.
Liệu có đi theo “vết xe đổ” của Ngọc Trinh?
Tất nhiên, khó thể áp tiêu chuẩn Hollywood vào thị trường điện ảnh Việt, lại càng không thể trong bối cảnh doanh thu phim nội địa lên xuống thất thường, tâm lý khán giả khó đoán.
Chưa kể các nhà làm phim trong nước còn gặp khó khăn khi tìm tư liệu về các nghệ sĩ gạo cội, tên tuổi họ cũng thiếu sức hút với khán giả trẻ. Do đó, việc chọn nhân vật còn sống hay bịa thêm cho có chuyện để kể như ê-kíp Đàm Vĩnh Hưng là phương án an toàn.
Trước Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Trinh - một cái tên cũng thường gắn với những ồn ào và tai tiếng - từng tự bỏ tiền túi làm phim Vòng Eo 56 (2016). Dự án do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, với kịch bản được cho là dựa trên cuộc đời người mẫu. Bản thân nhân vật chính xác nhận có đến 70% tình tiết trong phim là đúng sự thật, còn lại là thêm thắt cho hấp dẫn.
Trước Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Trinh cũng từng tự bỏ tiền làm phim về cuộc đời.
Tuy nhiên, tác phẩm không nhận được phản hồi tốt từ giới chuyên môn. Sau khi ra mắt, phần lớn ý kiến nhận xét Ngọc Trinh và ê-kíp chỉ đang cố gắng “gột rửa” những điều tiếng gắn với sự nghiệp của cô. Họ tìm cách làm đẹp hình ảnh nữ người mẫu bằng cách vẽ ra một câu chuyện mang màu sắc cổ tích, nhưng kết quả lại không thành công.
Đến hiện tại, không có nhiều người nhớ về Vòng Eo 56. Bộ phim nhanh chóng đi vào quên lãng vì không góp nhiều giá trị cho điện ảnh Việt. Người xem không hiểu sâu hơn về cuộc đời lẫn số phận Ngọc Trinh.
Những gì thể hiện trên màn ảnh vừa xa vời thực tế lại vừa dễ đoán, chẳng cần xem phim cũng có thể mường tượng được. Sau bộ phim, nhân vật chính vẫn tiếp tục xuất hiện với hàng loạt scandal, từ ồn ào dùng đồ đạo nhái các hãng thời trang quốc tế, đến chuyện ăn mặc phản cảm tại LHP Cannes.
Như Ngọc Trinh, Đàm Vĩnh Hưng không sai khi quyết định tự bỏ tiền làm phim về đời mình. Vấn đề là anh quyết tâm thực hiện dự án với mục đích gì? Có lẽ Trấn Thành ít nhiều cũng thấy được ý đồ của đàn anh, nên mới đặt câu hỏi trong họp báo: “Có phải anh làm một bộ phim để người ta nhìn vào góc yếu đuối của anh để thương anh và thông cảm cho anh nhiều hơn?”.
Trấn Thành là người ít nhiều nhìn thấy mục đích của Đàm Vĩnh Hưng khi làm phim về cuộc đời.
Ngoài tìm kiếm sự thương cảm, giọng ca Nửa Vầng Trăng ít nhiều đã thành công trong việc “hâm nóng” tên tuổi sau một thời gian chẳng được ai quan tâm.
Xét cho cùng, việc người mẫu như Ngọc Trinh hay ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng bỏ tiền tỷ để làm phim cho thấy độ chịu chi của các ngôi sao giải trí hiện tại. Thay vì đầu tư chất xám cho nghề, họ sẵn sàng sản xuất phim điện ảnh như một cách để đánh bóng tên tuổi, tự nâng cấp hình ảnh bản thân.
Tất nhiên, chẳng ai có quyền bắt Đàm Vĩnh Hưng đem tiền đi từ thiện trong khi anh lại muốn làm phim. Nhưng trước khi làm gì cũng nên đặt lên bàn cân, xem xét trước sau. Liệu Đàm Vĩnh Hưng có cần làm phim về cuộc đời hay không, khi bản thân cuộc đời anh chưa đem đến nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội ngoài những ồn ào và tai tiếng?
Và liệu dự án điện ảnh “ông hoàng” ấp ủ có đóng góp gì cho điện ảnh Việt, hay rồi cũng chìm vào quên lãng như cách một “bà hoàng” đã từng?
Theo Tiền Phong