Đại tá 89 tuổi kể hồi ức vượt đèo Pha Đin, làm báo ở hầm Điện Biên Phủ

07/05/2024 10:45

Đại tá Nguyễn Xuân Mai kể lại những ký ức không bao giờ quên khi ông trực tiếp chiến đấu, cận kề cái chết trong những ngày tháng khói lửa ở Điện Biên Phủ năm 1954.

dai-ta.jpg

Làm báo trong hầm rộng 20m2 ở Điện Biên Phủ

Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai nay đã 89 tuổi, mặc dù chân bị đau, muốn đi đâu cũng phải có con trai giúp nhưng ông vẫn tham gia các cuộc gặp gỡ của Ban liên lạc Cựu Chiến binh và các tọa đàm của nhiều hãng phim nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đây.

Cách đây 70 năm, ông đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiều ký ức đáng nhớ. Với ông, được tham gia chiến dịch lịch sử là sự tự hào mà mỗi khi kể lại, ông đều xúc động.

Đại tá 89 tuổi kể hồi ức vượt đèo Pha Đin, làm báo ở hầm Điện Biên Phủ - 1

Đại tá Nguyễn Xuân Mai mặc bộ quần áo do chị gái mua, khai tăng tuổi để được đi tòng quân vào năm 1951 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Xuân Mai cho biết, ông sinh ra ở Lương Yên, Hà Nội. Vì mồ côi bố mẹ từ nhỏ nên 3 chị em ông được một người bác làm nghề thủ công ở chợ Mễ (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) nhận nuôi.

Khi đó, quân Pháp cũng tràn về Hưng Yên để xây đồn bốt, lập chính quyền tề ngụy, người dân ở đây phải sống trong vùng địch tạm chiếm. Ông tận mắt chứng kiến cảnh quân Pháp vây càn, đốt nhà, bắt phu, bắt và giết người man rợ nên ông rất muốn vào bộ đội.

Cuối năm 1951, quân ta về tiêu diệt hàng loạt đồn bốt địch trong huyện Khoái Châu. Thanh thiếu niên ở địa phương rất háo hức đi theo bộ đội, ông cũng làm đơn tình nguyện tòng quân.

Đại tá Nguyễn Xuân Mai kể: "Hồi đó, tôi 17 tuổi, người nhỏ thó. Khi được kiểm tra, tôi đã khai thêm tuổi, còn mượn bác lò rèn mấy cục sắt to để bỏ vào người cho đủ 45kg. Chị gái tôi cũng mua cho một bộ quần áo khá đẹp, tôi mặc vào trông rất chững chạc, nói năng rất lưu loát nên đã trúng tuyển.

Sau đó, chúng tôi được phân ra ở các tiểu đội, trung đội, đại đội... bắt đầu hành quân qua vùng địch tạm chiếm, lên Việt Bắc. Tiểu đoàn tân binh của chúng tôi phải hành quân đêm, băng qua những cánh đồng, xung quanh hướng nào cũng có đồn giặc và ánh đèn pha chiếu sáng rực. Thỉnh thoảng lại có loạt đạn pháo địch bắn ra, mọi người đều phải nằm xuống tránh đạn…

Chúng tôi hành quân bí mật, không ai được nói chuyện, không được phát ra ánh sáng, vì phải tuyệt đối giữ bí mật. Tín hiệu gọi nhau chỉ là chép miệng, hoặc huýt sáo khẽ. Chúng tôi vượt qua quốc lộ số 5 lên Thái Nguyên rất vất vả, đi gần như chạy mấy km mới được dừng lại để kiểm tra quân số".

Theo đó, ông Mai đã tham gia 3 chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp: Chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952; chiến dịch Thượng Lào xuân hè 1953; chiến dịch Điện Biên Phủ đông xuân 1953-1954.

Đại tá 89 tuổi kể thêm, cho đến bây giờ ông luôn nhớ về câu chuyện vượt đèo Pha Đin. Vào tháng 11/1953, ông và đồng đội đi từ Hòa Bình, phải lội qua suối Rút sang đường số 41, ngược lên Sơn La.

Ngày 17/11 đến Mộc Châu, tỉnh Sơn La, ông mới được nghe phổ biến nhiệm vụ tiến quân lên Tây Bắc lần thứ 2, đánh địch ở thị xã Lai Châu, giải phóng toàn bộ khu Tây Bắc.

"Tôi và đồng đội lại vượt núi, băng rừng để đi tiếp, trời mùa đông rét cóng, anh em đi sát vào nhau để ấm hơn. Một đêm qua đèo Chiềng Đông, máy bay địch ào đến trút bom. Một quả bom rơi trúng cuối hàng quân làm 2 đồng đội tôi hy sinh nhưng vượt qua đau thương, chúng tôi lại phải đi tiếp.

Ngày 7/12/1953 sau 2 đêm hành quân vượt đèo Pha Đin, chúng tôi đến ngã 3 Tuần Giáo vào sáng sớm, khi trời còn mù sương. Lúc này mới được phổ biến địch đã nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, chúng đang rút quân từ Lai Châu về tăng cường phòng ngự Điện Biên. Dù gian khổ nhưng chúng tôi luôn động viên nhau và tin ngày chiến thắng đang đến rất gần", ông Nguyễn Xuân Mai xúc động cho biết.

Đại tá chia sẻ, dù chiến dịch Điện Biên Phủ có 56 ngày đêm nhưng ông và đồng đội đã có 5 tháng ở đó. Ông thuộc quân số của Đại đoàn 316. Nhiệm vụ của Đại đoàn là chia làm hai cánh: Một bên vượt đèo Cơ-la-vô lên giải phóng Lai Châu, một bên là cắt rừng, lội suối để chặn địch rút từ Lai Châu về Mường Pồn, huyện Điện Biên.

Đại tá 89 tuổi kể hồi ức vượt đèo Pha Đin, làm báo ở hầm Điện Biên Phủ - 2

Đơn vị của ông Nguyễn Xuân Mai tập kết ở ngã ba Tuần Giáo sáng 7/12/1953 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Chúng tôi đã chiến đấu rất quyết liệt và chiến thắng địch lần này. Một số lực lượng quân Pháp từ Điện Biên lên yểm hộ cho lực lượng rút từ Lai Châu về cũng bị đánh bại.

Sau đó, chiến dịch thay đổi từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", lúc đó lực lượng quân ta thay đổi vị trí trú quân. Khi đó, tôi ở Tiểu đoàn phòng không trợ chiến thuộc Đại đội 677, làm nhiệm vụ bắn máy bay địch để bảo vệ bộ binh của ta, ban đêm thì hạ súng, dùng hỏa lực bắn vào địch, để yếm hộ bộ binh vào chiếm lĩnh trận địa", ông kể lại.

Đại tá Mai nhớ lại, Đại đội phòng không trợ chiến của ông được bố trí trên đồi Tà Lèng, chỉ cách cứ điểm A1 hơn 1.000m. "Tất cả đều đào hầm dưới mặt đất, ngày nào chúng tôi cũng chiến đấu. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ trận địa sơn pháo 75mm của ta dưới chân đồi và phòng tuyến các Trung đoàn 174, 98 của Đại đoàn 316 từ Tà Lèng qua dãy Đồi Xanh, đến Khe Chít.

Chiến dịch Điện Biên Phủ chưa mở màn nhưng máy bay Pháp vẫn nhào lộn, bắn phá suốt ngày đêm. Đạn pháo địch bắn ra vẫn nổ giòn quanh trận địa. Để giữ bí mật đến cùng, đại đội trưởng Trần Lang quy định: "Chỉ được nổ súng khi máy bay địch trực tiếp tập kích đội hình quân ta!". Chúng tôi cứ lặng im chờ đợi…", ông Mai cho biết.

Đại tá 89 tuổi kể hồi ức vượt đèo Pha Đin, làm báo ở hầm Điện Biên Phủ - 3

Ông Mai chụp ảnh sau chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông Mai là chiến sĩ liên lạc của Đại đội nhưng được giao thêm nhiệm vụ làm báo trong những ngày tháng khốc liệt ấy. Ông và đồng đội ở dưới căn hầm rộng 20m2, làm tờ báo mang tên Quyết thắng.

Thời đó, ông Lê Quang Tôn là người vẽ rất đẹp. Ông đã vẽ hình Bác Hồ treo trên đầu tờ báo, sau đó ông Mai và đồng đội làm thêm các khẩu hiệu trên báo, thông tin của "báo hầm" (tờ báo được làm ở trong hầm) được tổng hợp từ báo Quân đội nhân dân.

"Báo hầm" trở thành món ăn tinh thần vô giá của cán bộ chiến sĩ trên mặt trận, báo ra số đầu tiên là ngày 3/2/1954. Hằng ngày, anh em bộ đội xuống nhà ăn phải qua hầm đó được tiếp xúc với tờ báo nội bộ và xem văn nghệ ở ngay hầm.

Đầu tiên, ông Mai viết bài Điếu thuốc lào mừng năm mới nhân dịp đêm 30 Tết, đồng chí Chính trị viên tiểu đoàn đến chúc Tết và tặng mỗi tiểu đội một điếu thuốc lào. Trước Tết, ông và đồng đội có đi lấy lương thực để chuẩn bị đón năm mới. Đường đi phải qua khe suối rất hiểm trở, lúc về ông nhìn thấy ảnh lửa soi đường, thì ra có một ông cụ người dân tộc Thái đã chủ động soi đường cho bộ đội đi.

Sau đó, ông viết bài Nhớ ngọn đuối tình dân, bài viết này được đăng trên báo Quân đội Nhân dân và "báo hầm".

Theo đó, mỗi trung đội có một nhân viên nằm trong tổ "báo hầm". Hằng ngày những người này đến gặp ông Mai để làm nhiệm vụ mang báo về đọc cho đồng đội nghe. "Báo hầm" không chỉ phản ánh tình hình đơn vị ông Mai mà có thông tin bao quát từ khắp mặt trận Điện Biên Phủ. Các cán bộ, chiến sĩ đều hứng khởi tiếp thu các thông tin từ bên trên qua báo, tạo ra tinh thần phấn khởi, tin tưởng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

"Ngày đó, chúng tôi có 5 tháng sống kham khổ, ăn cơm nắm với riềng, quần áo quân trang cũng ít nên rất tiết kiệm. Chỉ đến dịp Tết năm 1954, chúng tôi được phát 1 chiếc bánh chưng chay, không có nhân vì chỉ có ít thịt ướp đóng thùng từ hậu phương chuyển đến, không thể làm nhân bánh.

Mỗi người được chia 2 miếng thịt lợn kho mặn chát bằng 2 ngón tay. Đặc biệt mỗi tiểu đội có một máng nứa đựng hoa chuối rừng nộm vừng, gọi là có chất "tươi" ngày Tết. Tuy nhiên, anh em rất vui vì đời sống được cải thiện hơn", Đại tá Xuân Mai nói.

Vị Đại tá làm báo đến năm 73 tuổi

Ông Nguyễn Xuân Mai kể lại, ngày mùng 3 Tết, một tiểu đoàn của địch mang xe tăng, máy bay và pháo binh phối hợp, từ Him Lam tiến ra Khe Chít, đánh lên trận địa ta ở Đồi Xanh.

Ngày mùng 4 Tết, quân Pháp lại tiếp tục tiến công. Chúng cho một bộ phận luồn rừng đánh thẳng vào trận địa pháo 75mm dưới chân đồi Tà Lèng nhưng chúng đã bị các chiến sĩ pháo binh và bộ binh ta đánh bật ra ngoài.

Những chiến công ban đầu ấy đã cổ vũ cho khí thế chiến đấu của quân ta, làm quân thù khiếp sợ. Hôm đó và cả những ngày tiếp theo, thế trận phòng ngự Đồi Xanh được giữ vững, trận địa pháo của ta được bảo vệ an toàn.

"Từ tháng 3 đến tháng 4/1954, địch phản kích và chúng ta cũng chiến đấu rất anh dũng. Trận chiến đấu ở đồi A1 rất ác liệt, chúng ta đã phải tấn công tới 4 lần. Địch và ta giằng co nhau từng tấc đất. Các cứ điểm A1, C1... vừa thuộc về ta, địch đã chiếm lại. Bộ đội bị bom vùi tối tăm mặt mũi, lại phải tự bới đất chui lên, nhìn lại hầm mình vừa trú đã tan tành.

Bi đông nước đeo bên hông bị trúng mảnh bom, thấy ướt tưởng mình bị thương. Cái chết luôn luôn cận kề. Nhưng chúng tôi xác định dù thế nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ", Đại tá Nguyễn Xuân Mai chia sẻ.

Đại tá 89 tuổi kể hồi ức vượt đèo Pha Đin, làm báo ở hầm Điện Biên Phủ - 4

Ông Nguyễn Xuân Mai từng tham gia làm tờ báo mang tên "Quyết thắng" ở Điện Biên Phủ (Ảnh: Lạc Thành).

Chiều 7/5/1954, quân ta đánh vào Sở Chỉ huy địch ở Mường Thanh. Quân Pháp còn sống sót kéo cờ trắng đầu hàng. Tướng De Castries cùng Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ bị bắt sống, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.

"Có 3 đồng chí lúc ấy vào hầm De Castries là Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh và Nguyễn Văn Nhỏ. Khi đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh vào bắt sống tướng địch, bên trong hầm khoảng hai chục sĩ quan Pháp lui dần về phía cuối.

De Castries ban đầu định bắt tay anh Vinh nhưng anh ấy hô một câu tiếng Pháp "Hô-lê-manh!" (đầu hàng đi). Rồi anh Vinh dí mũi súng vào bụng tướng de Castries, ông ta vội lùi hai bước, giơ cả hai tay và nói một câu tiếng Pháp là xin hàng", ông Mai kể lại câu chuyện bắt tướng De Castries trong hầm ở Điện Biên Phủ.

vo-nguyen-giap.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) và Đại tá Nguyễn Xuân Mai (phải) trong một lần gặp mặt (Ảnh: Chụp màn hình).

au chiến thắng ở Điện Biên Phủ, ngày 19/5/1954, những người lính anh dũng ấy đã được Bác Hồ mời lên chiến khu Việt Bắc. Bác trực tiếp gắn huân chương cho các chiến sĩ: Bạch Ngọc Giáp, Hoàng Đăng Vinh, Nguyễn Quang Thuận, Tạ Quốc Luật…

Ông Nguyễn Xuân Mai đánh giá, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng là do bộ đội ta chiến đấu với tinh thần quyết chiến quyết thắng, dù gian khổ, vẫn quyết chiến đến cùng.

"Chúng tôi đã thể hiện quyết tâm của mình trong thực tế chiến đấu. Từ đó, chúng tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều, dù cận kề cái chết nhưng ai cũng dũng cảm chiến đấu. Từ một chàng trai 17 tuổi còn non nớt, tôi thấy mình đã mạnh dạn hơn, sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt địch", ông bộc bạch.

Đại tá 89 tuổi kể hồi ức vượt đèo Pha Đin, làm báo ở hầm Điện Biên Phủ - 6

Vị Đại tá 89 tuổi sử dụng điện thoại thông minh và các mạng xã hội thành thạo (Ảnh: Lạc Thành).

Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Xuân Mai trở về Hà Nội và công tác tại sân bay Bạch Mai, sau đó ông sang công tác tại phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân và làm báo đến năm 73 tuổi.

Với ông, những tháng ngày chiến đấu ở chiến trường đã tôi rèn tính cách mạnh mẽ, quyết liệt cho mình. Ở tuổi U90, ông vẫn dùng điện thoại thông minh và các mạng xã hội thành thạo. "Những tháng ngày gian khổ của chiến tranh khốc liệt, thậm chí cái chết cận kề mà chúng tôi cũng vượt qua được thì chỉ cần mình kiên trì, học hỏi công nghệ mới, sẽ làm được thôi", ông tâm sự.

Đại tá Nguyễn Xuân Mai sinh năm 1935 tại Hà Nội, ông là người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Lúc đó, ông Mai là chiến sĩ liên lạc nhưng được giao thêm phụ trách tờ "báo hầm" của đại đội.

Sau này, ông về công tác tại Báo Phòng không - Không quân với vai trò là Tổng biên tập. 53 tuổi, ông nghỉ hưu và được mời về làm Tổng biên tập báo Cựu Chiến binh đến năm 73 tuổi.

Bài liên quan
  • Nghi thức tắm Phật trong đại lễ Phật đản ở ngôi chùa lớn nhất Việt Nam
    Trong ngày đại lễ Phật đản, các phật tử sẽ cùng nhau cử hành nghi thức tắm Phật để niệm ân Đức Phật, gột rửa ba nghiệp thân, khẩu, ý...
  • Vì đâu ra nỗi này?
    "Chùa dạo này vắng quá!" - Đó là lời than của một vị Tăng ở Cao nguyên, Đại đức Thích Lệ Đạo (trụ trì chùa Phước Duyên ở Krông Ana, Đắk Lắk). Vị này cho biết ở ngôi chùa nơi Thầy đang hành đạo, trong dịp rằm tháng Giêng vừa rồi, chỉ trên dưới 100 Phật tử lui tới, giảm rất nhiều so với trước đây.
  • Bi kịch của một gia đình trúng giải xổ số 1,35 tỷ USD
    Câu chuyện của một gia đình sinh sống ở bang Maine (Mỹ) đang thu hút sự quan tâm của truyền thông. Một thành viên trong gia đình này đã trúng giải xổ số trị giá 1,35 tỷ USD.
  • Ngôi sao Trung Quốc bị đuổi khéo khỏi thảm đỏ LHP Cannes
    Tham dự LHP Cannes 2024, ngày 16/5, nữ diễn viên Trung Quốc Đồng Lệ Á, Lương Tranh và đạo diễn Quản Hổ liên tục bị đại diện Ban Tổ chức nhắc nhở vì tạo dáng lâu trên thảm đỏ.
  • Gắn chip định danh 10 cổ vật triều Nguyễn
    Các cổ vật được gắn chip và được định danh duy nhất bằng công nghệ, giúp du khách tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa của cổ vật bằng điện thoại thông minh.
  • Ông Hiệu: Linh hồn của lễ hội Gióng Phù Đổng
    Lễ hội Gióng đền Phù Đổng là hội trận, được vua Lý Công Uẩn cho khởi tạo và tổ chức từ thời Lý. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch hằng năm, nhằm tái hiện lại các trận đánh oai hùng của Thánh Gióng - người con của làng Phù Đổng đánh giặc ngoại xâm phương Bắc.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đại tá 89 tuổi kể hồi ức vượt đèo Pha Đin, làm báo ở hầm Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO