Từ ngày 26-27/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27 theo lời mời của ông Tsuyoshi Hasebe, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Nikkei; đồng thời thăm làm việc tại Nhật Bản.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã trả lời phỏng vấn về những thông điệp mà Việt Nam sẽ gửi gắm tại hội nghị quốc tế quan trọng hàng đầu châu Á này.
Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27 năm nay có chủ đề là "Định hình vai trò của châu Á trong thế giới chia tách". Đại sứ đánh giá như thế nào về chủ đề này?
Đại sứ Vũ Hồng Nam:Trong suốt lịch sử 27 năm qua, mỗi Hội nghị tương lai châu Á đều có các chủ đề mang tính thời sự, đề cập các cơ hội và thách thức cấp bách mà châu lục nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt, các xu thế phát triển mới cũng như những cam kết về nỗ lực đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng chung của các quốc gia trong khu vực.
Các đánh giá, nhận định, sáng kiến và đề xuất của lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp, học giả... đưa ra tại mỗi kỳ Hội nghị đều có giá trị thực tiễn cao, đóng góp tích cực vào quá trình giải quyết các thách thức, các vấn đề khu vực và quốc tế trong nhiều năm qua.
Sự tham dự của các Tổng thống, Thủ tướng, Phó thủ tướng và đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các chính khách, học giả, doanh nghiệp... từ các nước châu Á cũng như đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới tại các Hội nghị tương lai châu Á là minh chứng cho uy tín và vai trò quan trọng của Hội nghị trong việc định hình đường lối chính sách đối ngoại, kinh tế..., thúc đẩy sự kết nối và hợp tác tại châu lục cũng như trên thế giới.
Hội nghị năm nay được tổ chức dưới dạng hybrid, vừa trực tiếp và trực tuyến. Sau khi hoãn tổ chức trong năm 2020 và tổ chức theo hình thức trực tuyến trong năm 2021, việc tổ chức trực tiếp thể hiện quyết tâm trở lại với cuộc sống bình thường, song song với công tác phòng, chống dịch hiệu quả của Nhật Bản. Việc kết hợp trực tuyến là hình thức mới xuất hiện từ hệ quả của đại dịch, thể hiện sự linh hoạt cao của Ban tổ chức, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu tham gia hơn.
Tiếp theo chủ đề rất thiết thực của Hội nghị lần thứ 26 năm 2021 là "Định hình kỷ nguyên hậu COVID-19: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu", Hội nghị năm nay có chủ đề "Định hình vai trò của châu Á trong thế giới chia tách". Tôi cho rằng đây là một chủ đề hay, phù hợp với thực tế và sẽ nhận được sự quan tâm rộng rãi.
Thế giới 2022, sau đại dịch, khủng hoảng Ukraine, sự vươn lên của các quốc gia, khu vực châu Á, sự chuyển hướng chiến lược của các nước lớn ngoài khu vực đang tạo nên những chuyển đổi to lớn của cục diện thế giới và khu vực do tác động của các xu hướng địa chính trị, địa kinh tế, cũng như những tác động của đại dịch COVID-19.
Châu Á là một khu vực với những giá trị đa dạng và nhiều năm qua luôn là một động lực cho sự tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm cho châu Á rung động, chuỗi cung ứng đứt gãy, kinh tế suy thoái... Điều đó chứng tỏ những nền tảng của châu Á tưởng vững chắc nhưng vẫn còn khá mong manh, dễ vỡ.
Đã có lúc châu Á được đánh giá là động lực của nền kinh tế toàn cầu. Và bây giờ, Hội nghị tương lai châu Á mạnh dạn đưa ra một mục tiêu rộng lớn hơn về việc châu Á phải có vai trò lớn trong an ninh, chính trị toàn cầu.
Đó là mục tiêu đầy tham vọng nhưng có cơ sở khi các nước châu Á đã nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực và yêu cầu khách quan của việc phải hành động, phải cùng nhau đoàn kết, đóng góp nỗ lực chung để xây dựng lại châu Á sau đại dịch và ứng phó với những thách thức mới, tham gia xử lý cả những thách thức ở châu Á cũng như toàn cầu.
Thông qua việc Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thăm Nhật Bản trực tiếp tham dự hội nghị quốc tế quan trọng hàng đầu châu Á này, Việt Nam sẽ gửi gắm thông điệp gì tới cộng đồng quốc tế?
Đại sứ Vũ Hồng Nam: Việt Nam bắt đầu tham dự Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 15 từ năm 2009 và liên tục có đoàn cấp cao tham dự Hội nghị từ đó đến nay. Trong tổng số 13 lần tham dự, tính cả lần này, ta đã có 3 lần tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ, 10 lần còn lại cũng đều ở cấp Phó Chủ tịch nước/Phó Thủ tướng.
Sự tham dự tích cực ở cấp cao của đoàn Việt Nam tại các Hội nghị tương lai châu Á trong 13 năm qua được Ban tổ chức, các đại biểu tham dự cũng như phía Nhật Bản đánh giá cao.
Việt Nam không chỉ tham gia đóng góp vào nội dung hội nghị với những đánh giá, nhận định về tình hình thế giới và khu vực, phân tích các cơ hội cũng như các thách thức cấp bách mà các nước cần tập trung giải quyết, trên cơ sở đó đề ra các sáng kiến, cùng tìm kiếm giải pháp cho các khó khăn, thách thức chung, củng cố lòng tin để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.
Tại các Hội nghị này, các lãnh đạo Chính phủ ta cũng khẳng định cam kết cấp cao của Việt Nam góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.
Việc Việt Nam cử đoàn Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trực tiếp tham dự hội nghị không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam đối với Hội nghị lần này mà còn thể hiện tầm quan trọng của diễn đàn tương lai châu Á nói chung trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Là một thành viên quan trọng của châu Á, do vậy, Việt Nam cần đóng vai trò lớn hơn trong tương lai châu Á đang định hình rõ nét trong hệ thống chính trị toàn cầu.
Chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27 gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng cùng chung tay với các nước để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết đối với các thách thức cấp bách, mang tính toàn cầu hiện nay, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Điều này cũng là thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Chương trình nghị sự Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27 sẽ bao gồm những nội dung gì? Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự kiến sẽ tham gia, đóng góp như thế nào vào chương trình nghị sự đó, thưa Đại sứ?
Đại sứ Vũ Hồng Nam: Hội nghị năm nay được tổ chức trong 2 ngày 26-27/5, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Á trong đó tham dự trực tiếp có Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Phạm Bình Minh và cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad. Tham dự qua hình thức trực tuyến có Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.
Bên cạnh các bài phát biểu của lãnh đạo các nước châu Á tham dự hội nghị, các đại biểu sẽ trao đổi trong các phiên chuyên đề gồm thay đổi thế giới từ châu Á - tương lai được tạo dựng bởi các doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp châu Á thông qua giao lưu văn hóa, xung đột Mỹ-Trung và ảnh hưởng đến trật tự tại châu Á, và an ninh kinh tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Tôi cho rằng bài phát biểu của Phó Thủ tướng có phần quan trọng đánh giá tình hình thế giới và khu vực hiện nay và đề cập chi tiết tới các đề xuất nhằm phát huy vị thế và vai trò của châu Á cho một thế giới tốt đẹp hơn, từ đó đóng góp vào phục hồi và phát triển, thịnh vượng chung toàn cầu.
Điều quan trọng nhất mà các nước khu vực cần nỗ lực hiện nay đó là việc tập trung nỗ lực để củng cố sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, từ đó góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định. Chỉ khi có hòa bình, ổn định thì các nước mới có thể tập trung dồn mọi nguồn lực cho phát triển và thịnh vượng.
Khu vực châu Á tiềm ẩn nhiều tranh chấp, nguy cơ xung đột, chiến tranh, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản nhằm giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng giải pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ). Các nguyên tắc này cần tiếp tục được đề cao, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay có những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt.
Đặc biệt, trong bối cảnh châu Á đang bị tổn thương sau đại dịch COVID-19, làm thế nào để phát huy vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, phải làm gì để có vai trò lớn hơn ở chính khu vực của mình và tham gia nhiều hơn, có vai trò quan trọng hơn trong đời sống an ninh chính trị toàn cầu... sẽ là một nội dung không thể thiếu trong chương trình Hội nghị tương lai châu Á năm nay.
Trong bối cảnh khủng hoảng, chia rẽ và nhiều biến động, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực và có trách nhiệm ra sao tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới?
Đại sứ Vũ Hồng Nam: Giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ là chủ trương xuyên suốt, thể hiện đường đối đối ngoại hòa bình của Việt Nam.
Lịch sử dân tộc Việt Nam từ bao đời nay cũng cho thấy rõ truyền thống của dân tộc ta là "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo". Hòa bình luôn là phương pháp được ưu tiên hàng đầu trong các phương pháp được Việt Nam lựa chọn.
Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, LHQ, các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và Tiểu vùng Mekong, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể..., qua đó thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các tranh chấp, xung đột...
Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của khối trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương.
Liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam luôn khẳng định lập trường rõ ràng và nhất quán, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình, thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)1982, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương như phát huy vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2020-2021), đóng góp chủ động và có trách nhiệm vào các vấn đề chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Từ năm 2014, Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong lĩnh vực quân y, công binh... Dù tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ muộn hơn so với các nước khác, nhưng Việt Nam được LHQ và các nước đánh giá cao bởi cam kết chính trị mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho sứ mệnh chung.
Sự hiện diện của các sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đã có mặt tại các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi... là bằng chứng sinh động cho cam kết tham gia và đóng góp lâu dài cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia đóng góp tích cực cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó các thách thức toàn cầu, đóng góp cho các hoạt động nhân đạo. Năm 2021, Việt Nam đóng góp tổng cộng 1 triệu USD cho Chương trình COVAX, thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết quốc tế và nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam trong nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức quốc tế.
Là một đất nước từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, người dân Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của mỗi quốc gia, của châu lục và trên thế giới./.