Đại lễ cầu quốc thái dân an – nét đẹp văn hóa tâm linh trong các lễ hội văn hóa đầu xuân

PV| 19/02/2023 12:42

Ngày 17/2/2023 vừa qua, Đại lễ Cầu Quốc Thái Dân An mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh trong các lễ hội văn hóa đầu xuân đã được tổ chức long trọng và thành công tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) với số lượng lên tới hơn 13.000 người tham dự.

Hình 1 – Khung cảnh Đại lễ tại Ngã Ba Đồng Lộc

Dịp đầu xuân mới là khoảng thời gian mà các hoạt động mê tín dị đoan “núp” dưới danh nghĩa phong tục cổ truyền, tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội, gây nhiều thiệt hại về sức khỏe, tinh thần của người dân, ảnh hưởng xấu đến kinh tế của gia đình và xã hội. Trước thực trạng đó, những lễ hội mang nét đẹp văn hóa tâm linh như Đại lễ Cầu Quốc thái Dân an đã được lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể quan tâm tổ chức, nhằm giúp người dân được hòa mình vào trong một không gian linh thiêng, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh. Qua đó, vừa tôn vinh được các giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại, vừa đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân.

Hình 2 - Vị trí lễ đài chính được bố trí trang trọng tại quảng trường của khu di tích

Tiêu biểu nhất trong năm nay là Đại lễ Cầu Quốc Thái Dân An được tổ chức tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh), vào ngày 17/2/2023 vừa qua. Dưới sự chỉ đạo tổ chức trực tiếp từ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc phối hợp với chùa Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng thực hiện.

Hình 3 – Các vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp chỉ đạo và tham dự Đại lễ

Đại lễ diễn ra với nhiều chương trình đặc sắc và hết sức ý nghĩa như: Lễ cầu siêu tưởng niệm, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong, người dân tử nạn tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và Lễ cầu Quốc thái Dân an với sự tham dự của hơn 13.000 người.

Hình 4 – Hơn 13.000 người tham dự Đại lễ

Từng khâu chuẩn bị, đón tiếp, phục vụ cho Đại lễ đều rất chu đáo với sự tham gia của hơn 2.000 tình nguyện viên là các Phật tử, thanh niên, học sinh tại tỉnh nhà và khắp ba miền đất nước. Việc này không chỉ góp phần giúp đại lễ diễn ra hết sức trang nghiêm mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ có được hoạt động thiết thực đền ơn thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc, qua đó giáo dục tình yêu nước, đạo đức uống nước nhớ nguồn cho thế hệ tương lai.

Hình 5 - Hơn 2.000 tình nguyện viên là các Phật tử, thanh niên, học sinh

Nội dung buổi lễ rất hiện đại văn minh nhưng vẫn mang đậm tính truyền thống. Đại lễ mang lại một hiệu quả giáo dục về tình yêu nước, về đạo đức lối sống rất cao cho tất cả mọi người tham dự. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để kết nối giữa con người với Tổ tiên, Thần Thánh rất thiêng liêng, khi mà từng người tham dự cũng là đại diện cho gần 100 triệu con người Việt Nam trên khắp đất nước, bày tỏ lòng ngưỡng vọng, yêu kính hướng về Quốc Tổ, về bao nhiêu vị vua tướng các triều đại, các vị lãnh tụ kiệt suất, các anh hùng không tiếc xương máu đã tạc dáng non sông, dựng hình đất nước.

Hình 6 - Nội dung buổi lễ rất hiện đại văn minh nhưng vẫn mang đậm tính truyền thống

Âm nhạc được sử dụng rất tinh tế trong từng chương trình. Mỗi câu hát, mỗi bản nhạc chứa đựng trong đó là tình yêu quê hương, đất nước, là sự ca ngợi đến những chiến công vĩ đại của các anh hùng liệt sĩ. Tất cả đã góp phần làm lòng người thêm yêu Tổ quốc mình hơn.

Hình 7 - Âm nhạc được sử dụng rất tinh tế trong từng chương trình

Không những vậy, người dân còn được kết nối với các vị lãnh đạo thật ấm áp, khi nhân dân được chứng kiến toàn bộ các lãnh đạo đều thành kính quỳ lạy Quốc Tổ.

Hình 8 - Toàn bộ các lãnh đạo đều thành kính quỳ lạy Quốc Tổ

Từng người theo dõi đều không kìm nén đươc cảm xúc dạt dào. Trong không khí linh thiêng, tất cả đều chí thành cầu nguyện cho đất nước hưng long, nhân dân hạnh phúc để đóng góp vào nền hòa bình chung cho toàn thế giới.

Hình 9 – Người dân xúc động khi tham gia buổi lễ

Đặc biệt, trong buổi lễ này, Hòa Thượng Thích Viên Giác - Giảng viên, Giảng sư Phật học, cố vấn Ban Hoằng pháp GHPGVN TP. Hồ Chí Minh, Viện chủ chùa Từ Tân (TP. HCM) và Thượng tọa Thích Chân Quang - Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã có những lời đạo từ quý báu gửi đến toàn thể hội chúng. Quý Ngài đã chỉ ra một mệnh lệnh được phát ra từ khu di tích đặc biệt này, mệnh lệnh từ đời sống của 10 cô gái Đồng Lộc, mệnh lệnh từ lương tri, từ trái tim của tất cả người Việt Nam chúng ta. Đó là bất cứ ai khi đã đặt chân đến đây rồi, một lần nghiêng mình trước anh linh của 10 cô gái Đồng Lộc rồi, thì mãi mãi mang trong tim mình tinh thần đoàn kết thiêng liêng bất diệt vĩ đại.

Hình 10 – Chư Tôn Đức ban đạo từ

Có thể nói đây là sự kiện quan trọng và là một nét đẹp tâm linh ý nghĩa trong dịp đầu xuân mới. Vì vậy, đã có rất nhiều báo đài quan tâm và đưa tin.

Hình 11 – Tất cả cùng nguyện cầu cho đất nước ngày càng phát triển, thịnh vượng, người người được ấm no, hạnh phúc, đạo đức và bình an

Khép lại buổi lễ, mọi người ra về mà lòng ai cũng phấn khởi, xúc động, thêm tin yêu với Đảng và Nhà nước. Nguyện cầu cho đất nước ngày càng phát triển, thịnh vượng, người người được ấm no, hạnh phúc, đạo đức và bình an.

Hình 12 - Khép lại buổi lễ, mọi người ra về mà lòng ai cũng phấn khởi, xúc động

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đại lễ cầu quốc thái dân an – nét đẹp văn hóa tâm linh trong các lễ hội văn hóa đầu xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO